Những năm trở lại đây, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại có quan tâm tới các thương hiệu Việt Nam. Theo thống kê của Topica Founder Institute, chỉ tính riêng trong năm 2018, dòng vốn ngoại đổ vào startup Việt Nam đã lên tới 900 triệu USD.
Theo Trí Thức Trẻ, trong đó chỉ 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, bao gồm 100 triệu USD đầu tư vào Yeah 1 50 triệu USD vào Topica, 51 triệu USD vào Sendo.vn và 7 thương vụ không được công bố.
Nhận định về xu hướng này, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ NextTech coi đó là một tín hiệu đáng mừng với startup: "Khi startup thì phải chạy ăn từng bữa, thậm chí có thể là tháng sau không có tiền để trả lương cho nhân viên. Lúc đó, có người đầu tư cho mình thì tất nhiên là phải mừng".
Tuy nhiên, nhận đầu tư từ quỹ ngoại cũng giống như tham gia một cuộc chơi cân não. Startup cần hiểu rõ họ có thể bị "nuốt chửng" nếu không hiểu luật chơi. Ông Bình chia sẻ thêm:
"Trong một bài viết mà tôi đã từng đọc được về quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ có 10% quỹ đầu tư mạo hiểm có thể gia tăng được giá trị thật sự cho các doanh nghiệp startup.
Ở một số trường hợp, startup bị ràng buộc và người sáng lập không còn là chính mình nữa mà sẽ sa vào vòng xoáy, chạy theo mục tiêu của các nhà đầu tư đặt ra".
Thực tế, không thiếu những trường hợp doanh nghiệp Việt bị nhà đầu tư ngoại "nuốt chửng". Vẫn còn đó những câu chuyện của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, P/S, hay gần hơn là Diana, Kinh Đô.
Chính từ những bài học đó, ông Bình ví chuyện nhận đầu tư từ nước ngoài giống như việc kết duyên, phải biết lựa chọn và cẩn thận với việc bị thâu tóm ngược:
"Nhận đầu tư của nhà đầu tư ngoại cũng giống như việc lấy vợ lấy chồng, nên chúng ta luôn phải đề phòng. Nếu cứ trong tình trạng "đồng sàng dị mộng" thì bản thân startup rất khó để phát triển".
Trên thực tế, có rất nhiều startup chỉ chăm chăm vào tỷ lệ sở hữu mà không để ý đến quyền của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng có nhà đầu chỉ nắm 10, 15% cổ phiếu thôi nhưng họ lại nắm tất cả quyền quyết định".