Chia sẻ về nguồn cội của các ý tưởng “để đời” này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Bình cho biết: Qua thời bao cấp, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), chúng ta không còn giữ được thế độc quyền thương mại nữa. Khi chúng ta không còn làm chủ được thế độc quyền thương mại, đất nước không thể phát triển.
Thực tế, làm thương mại thì phải có hệ thống và đa dạng hàng hoá cung cấp, cũng như phải có mặt bằng để kinh doanh và có chỗ tiêu thụ sản phẩm… Là một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, nhất là sản xuất công nghiệp thực phẩm như: Bia, nước giải khát, các loại bánh, xúc xích, sữa… chất lượng cao, giá thành rẻ, Tập đoàn Hoà Bình đã mạnh dạn nghĩ đến việc giảm khấu hao khi kinh doanh TTTM để thu hút khách hàng.
Cũng theo doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Tâm lý hiện nay của người tiêu dùng Việt vẫn “sính ngoại” và chủ yếu tìm mua sản phẩm vì thương hiệu, do đó nền sản xuất Việt Nam sẽ rất khó phát triển. Nhưng ở trong TTTM của ông, sẽ là sự gắn kết giữa người bán rau, bán thịt, bán cá, hoa quả, quần áo… Đó là một cộng đồng gắn kết, là cộng đồng để phát huy tính dân tộc, là nơi tiêu thụ sản phẩm của nhau. Khi đã bán được hàng, có tiền rồi người bán sẽ có vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, đạt chuẩn, có thể bán ra thế giới.
“Chính vì các ý nghĩa trên, chúng tôi đưa ra ý tưởng xây dựng TTTM miễn phí thuê với mức 0 đồng. Để các ý tưởng trên đi vào hiện thực, chúng tôi đã đẩy nhanh quá trình làm hồ sơ cấp phép và chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai dự án. Vậy nhưng đến nay, sau gần chục năm chờ đợi, dự án TTTM vẫn nằm trên giấy. Dự án Khu nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên cũng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt” - ông chủ khách sạn dát vàng cho hay.
Như ông chia sẻ thì cả hai dự án nêu trên đều mang ý nghĩa và có tính khả khi cao. Vì sao lại có sự chậm trễ đó, thưa ông?
Về chủ quan, chúng tôi nhận định: Khi TTTM ra đời, thị phần kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài không bị thu hẹp vì đây sẽ là nơi người dân đến rất đông. TTTM của tôi là trung tâm lớn, chủ yếu thu hút du lịch bởi lẽ khi trung tâm ra đời sẽ là nơi bán hàng với giá thấp nhất thế giới, và đặc biệt trong TTTM, chúng tôi đề nghị các người bán hàng phải mua bảo hiểm cho hàng hoá cũng như đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi đó, người dân không chỉ yên tâm mà chủ kinh doanh cũng không phải mất chi phí cho việc quảng cáo sản phẩm vì đã có bảo hiểm lo, nếu sai bảo hiểm phải đền. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, đây sẽ là giải pháp tốt nhất cho họ. TTTM cũng sẽ trở thành nơi mua sắm hàng hoá, sản phẩm chất lượng cho khách du lịch vì không chỉ đi vãn cảnh, họ còn có nhu cầu mua quà, sản vật nổi tiếng của Việt Nam, thu hút khách du lịch trên toàn thế giới.
Nếu làm được điều này, chúng ta cũng sẽ thúc đẩy nền du lịch phát triển, như yêu cầu, mong muốn của Đảng và Chính phủ về phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn. Mà muốn du lịch phát triển phải có cái gì đó hấp dẫn du khách. Mặt khác, các dự án này đều do chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư, từ khâu giải phóng mặt bằng đến xây dựng. Không chỉ thế, dự án còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Quan trọng nhất, chúng ta tự chủ về tài chính, thúc đẩy phát triển thương mại, điều tiết được sản xuất…
Gần đây, Chính phủ đã rất rốt ráo trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, cần quan tâm giải cứu cho lĩnh vực xây dựng và 40 ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này. Hiện nay, hầu hết các ngành nghề liên quan đến xây dựng như sắt thép, xi măng, nội thất… đều hạn chế hoạt động. Trong khi đó, Đảng và Nhà nước đều khẳng định: Làm nhà ở xã hội là đạo đức của hệ thống chính trị và luôn khuyến khích tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, góp phần tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nơi để ở và ổn định cuộc sống. Vậy nhưng, cả hai dự án chúng tôi đã nộp hồ sơ và kiến nghị đẩy nhanh việc cấp phép những vẫn chưa được giải quyết.
Cùng với mong mỏi hai dự án tâm huyết, ý nghĩa của Tập đoàn Hoà Bình ra đời, dư luận xã hội, người dân cũng rất bất ngờ trước thông tin ông rao bán khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake “có một không hai” trên thế giới. Ông có thể chia sẻ về lý do của việc rao bán này? Ông có cảm thấy tiếc nuối khi phải bán đi “đứa con tinh thần” mà mình yêu thương, chăm bẵm bấy lâu nay?
Tập đoàn Hoà Bình có hai lĩnh vực hoạt động chính là: Xây dựng và kinh doanh khách sạn. Về lĩnh vực kinh doanh khách sạn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 - 2022 doanh thu từ việc kinh doanh khách sạn của chúng tôi đã bắt đầu đi xuống, năm 2023 còn tệ hại hơn. Đối với mảng xây dựng cũng vậy, năm 2022 - 2023 gần như mọi hoạt động đều phải dừng lại hết.
Đầu năm 2022, chúng tôi có dự án xây dựng nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội nhưng vẫn chưa cấp giấy phép đầu tư. Khó khăn bủa vây, chúng tôi đành phải rao bán Khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake. Đáng ra, chúng tôi định bán khách sạn trong Đà Nẵng nhưng khách hàng không mặn mà lắm, họ muốn mua Khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake.
Để xây dựng được khách sạn này, chúng tôi phải huy động đội ngũ chuyên gia của các nước có nền kiến trúc, xây dựng phát triển như: Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)… Chúng tôi mạ vàng trên tất cả các chất liệu và cả ẩm thực cũng vậy. Món ăn nào (món ăn châu Âu, châu Á…) đều được phủ vàng. Khách sạn dát vàng khi mới khai trương, nhất là khi mở ra món bò dát vàng, có đến 90% người lao động, lương 5 - 6 triệu đã được thưởng thức các món ăn, đồ uống dát vàng, được chụp ảnh tại một khách sạn sang trọng, nổi tiếng thế giới với giá rất bình dân. Trong khi đó tại Dubai, khách hàng phải mất 150 USD, dù chỉ vào đó uống một cốc trà hoặc ăn cái bánh.
Theo tôi, các công ty nước ngoài nếu mua khách sạn này, họ sẽ phải tăng giá các dịch vụ gấp ba lần. Điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là tới đây người dân Việt Nam, nhất là các thế hệ sau này sẽ khó có điều kiện tiếp cận khách sạn cao cấp với giá bình dân. Tuy nhiên, trước mắt để giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp cũng như có điều kiện xây dựng TTTM - tâm huyết, mục đích lớn nhất của cuộc đời, tôi đành phải bán đi khách sạn này vì thời gian của tôi không còn nhiều.
Khi đưa ra ý tưởng xây dựng TTTM, tôi mới 61 tuổi. Bây giờ tôi đã chuẩn bị bước sang tuổi 70 nhưng đề án vẫn chưa được cấp phép. Trong cuộc đời con người có 3 thứ không thể lấy lại được, đó là: Thứ nhất là thời gian; Thứ hai, tên đã bay ra khỏi cung; Thứ ba, lời nói đã nói ra. Trong 3 thứ đó, quan trọng nhất vẫn là thời gian. Mỗi năm, sức khoẻ ngày càng suy giảm, thứ nữa là những cái mình muốn cống hiến cho đất nước, người dân cũng sẽ chậm lại. Và đặc biệt là, cho đến một lúc nào đó, tôi sẽ không đủ minh mẫn để cống hiến, làm các việc có giá trị. Xây dựng được TTTM không hề đơn giản nhưng chúng tôi sẽ làm được vì Hoà Bình vừa kinh doanh lại vừa sản xuất, quan trọng nhất chúng tôi là những cựu chiến binh - những người đã không tiếc xương máu của mình để phụng sự cho đất nước, với khí chất và bản lĩnh của mình, chúng tôi sẽ làm được mọi thứ!
Rất nhiều người nói với tôi rằng: Ông có khách sạn vàng cũng như được phục vụ mọi dịch vụ cao cấp nhất; Đất đai cũng có rất nhiều… tại sao, ông cứ phải đằng đẵng, mệt mỏi theo đuổi việc xây dựng TTTM? Tôi chỉ nói: “Ai không thích tôi cũng được, nhưng nếu tôi không xây dựng TTTM, đất nước khó lòng phát triển. Thêm vào đó, dự báo, dân số Việt Nam đến năm 2038 sẽ bước vào thời kỳ dân số già, khi đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn muốn đầu tư nữa. Đây là một vấn đề chúng ta cần phải lưu ý. Đối với bản thân, tôi luôn tâm niệm: Còn một hơi thở tôi vẫn đề nghị làm TTTM. Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tâm huyết, nỗ lực và sự cố gắng của mình, cũng như sự ủng hộ của các lãnh đạo đầy tâm đức, trong năm 2023 đề án TTTM sẽ được thực hiện.
Đối với việc rao bán khách sạn, chúng tôi đã gửi hồ sơ giới thiệu cho một công ty lớn bên Pháp để làm thủ tục đấu giá. Dự kiến đầu tháng 4, đại diện doanh nghiệp đó sẽ sang Việt Nam xem xét và quyết định về giá. Với giá trị đặc biệt, vĩnh cửu và duy nhất của khách sạn, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khách sạn sẽ bán được với giá tương xứng.
Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cũng như các dự án có ý nghĩa khác. Ông có hy vọng và niềm tin vào thành công của các dự án này? Trong thời gian tới, ông sẽ làm gì để đẩy nhanh việc triển khai các dự án tâm huyết đó?
Tôi chắc chắn rằng các khúc mắc về các dự án của Tập đoàn Hòa Bình sẽ sớm được giải quyết bởi Chính phủ và các Bộ, ban, ngành hiện nay rất quan tâm và đang nỗ lực tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với niềm tin của một cựu chiến binh luôn hướng về đất nước, thể hiện trách nhiệm cao cả với cộng đồng, xã hội, tôi hy vọng những kế hoạch, dự định và mong muốn thiết thực của mình sẽ luôn được đón nhận và trở thành hiện thực trong thời gian không xa...
Trân trọng cảm ơn ông!