Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Y Dược IMC: “GMP: Con đường bứt phá của doanh nghiệp"

Đoan Trang

Sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) thời gian qua đã tạo nên một xu thế cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên thị trường. Bên cạnh những DN kinh doanh chân chính là những cơ sở TPCN kém chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín ngành TPCN.

Thực tế trên cho thấy một bức tranh không mấy tươi sáng của thị trường sản xuất, kinh doanh TPCN tại Việt Nam. Là một người có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TPCN, theo ông đâu là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tình trạng này?

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ mấy lý do sau: Thứ nhất, phần lớn các cơ sở sản xuất TPCN của ta có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, chưa có nền tảng sản xuất. Thứ hai, bên cạnh những DN làm ăn chân chính vẫn có những cơ sở sản xuất bát nháo, làm ăn chộp giật vì lợi nhuận. Một nguyên nhân nữa cũng phải kể đến là chúng ta vẫn đang thiếu một hệ thống tiêu chuẩn về sản phẩm, thậm chí là nguyên liệu để sản xuất. VD: Một chế phẩm Sâm muốn công bố là Sâm hàm lượng phải là bao nhiêu? Rồi sản phẩm Đương quy hàm lượng thế nào mới công bố được chưa hề có tiêu chuẩn. Trong khi đó, một sản phẩm có tới 3 - 4 loại. Nếu hàm lượng ít quá thì không có tác dụng, nhưng nếu nhiều quá thì lại phản tác dụng…

Thực tế sản xuất, có những DN làm tốt, nhưng  cũng có những DN làm không tốt, người dân bị mắc lừa. Ngoài ra, có cả những DN quảng cáo không phép, kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ làm rối loạn thị trường. Hoặc quảng cáo không đúng làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, tâm lý dân ta thường “sính ngoại”, thích “hàng xách tay” nên dễ dàng bị rơi vào tròng của những tay lừa đảo chuyên nghiệp… Đó là tất cả những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến bức tranh xám màu của thị trường TPCN Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Y Dược IMC: “GMP:  Con đường bứt phá của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Y Dược IMC

Để chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh TPCN vào khuôn phép, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có việc quy định lộ trình đạt tiêu chuẩn GMP đối với tất cả các DN hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm (trong đó có TPCN). Ông nhận xét thế nào về ý nghĩa, cũng như tính khả thi của quy định này?

Đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đều phải công bố tác dụng và đăng ký công bố với Bộ Y tế, tất cả các nước tiên tiến đều phải có GMP.  Để hòa hợp với ASEAN, Việt Nam đã truyền thông, tập huấn theo lộ trình hòa hợp tiêu chuẩn GMP. Đây là quy định bắt buộc và cũng là cơ hội rất lớn cho chúng ta, thể hiện ở việc: Thứ nhất khi hòa hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, các sản phẩm trong nước sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và đảm bảo về mặt chất lượng. Thứ hai, đối với thị trường, người tiêu dùng yên tâm hơn vì họ sẽ không còn phải đối mặt với nguy cơ của các sản phẩm “rởm”. Cũng vì vậy, ngành TPCN sẽ có những bước tiến nhảy vọt. Thứ ba, khi đã có GMP, các DN phải cân nhắc đầu tư bài bản, loại trừ bớt các yếu tố rủi ro, từ đó uy tín, thương hiệu của họ cũng được nâng lên.

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, thách thức cũng sẽ đến với các nhà sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, không chịu đầu tư, không có nền tảng quản trị DN tốt. Theo tôi, GMP chính là cái gốc. Nếu chúng ta triển khai tốt GMP, các DN lớn, đủ điều kiện sẽ phát triển hơn; Các DN nhỏ thì liên kết lại với nhau, sẽ hoạt động chuyên nghiệp hóa hơn, tạo cơ hội tái cơ cấu ngành theo hướng khoa học hơn, tiết kiệm nguồn lợi cho xã hội. Vì lẽ đó, tính khả thi của quy định này là rất cao. Đó cũng là mong muốn của các DN làm ăn chân chính.

Hiện tại, chúng ta có khoảng 5.000 DN tham gia vào lĩnh vực TPCN, trong đó có khoảng 1000 DN sản xuất. Thực tế, 200 - 300 DN trong số đó có khả năng và điều kiện làm GMP, đủ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước. Thực hiện GMP, chúng ta cũng sẽ gạt bỏ được một phần DN nhỏ, siêu nhỏ làm ăn chộp giật, không chịu đầu tư, tạo nên thế cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường, giúp các nhà quản lý quản lý hiệu quả hơn lĩnh vực này.

 
“Thực hiện GMP, chúng ta cũng sẽ gạt bỏ được một phần DN nhỏ, siêu nhỏ làm ăn chộp giật, không chịu đầu tư, tạo nên thế cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường, giúp các nhà quản lý quản lý hiệu quả hơn lĩnh vực này”.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Y Dược IMC

Theo lộ trình thực hiện GMP: Nếu sau ngày 1/7/2019, DN nào không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP sẽ phải ngừng hoạt động. Điều này tạo lên áp lực rất lớn đối với các DN. Ông đề xuất phương án nào để vừa gỡ “vướng” cho các DN trong nước, cũng như góp phần quản lý tốt hơn thị trường này? Là một công ty đến với GMP từ khá sớm, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các DN bạn học tập?

Như tôi đã nói ở trên, trừ những DN không muốn đầu tư còn các DN nhỏ khác sẽ thành lập các hợp tác xã, hoặc công ty cổ phần liên minh cùng làm. Chẳng hạn, mỗi công ty chỉ cần bỏ ra 5 - 10 tỷ đồng, 10 công ty là đủ vốn để chuyên môn hóa, nâng cao trình độ sản xuất, nhân lực, quản trị DN… Ai cũng đều nhận thức được rằng làm DN chia sẻ, hợp tác cùng có lợi. Muốn vậy phải chuyên nghiệp hóa, phải lớn lên, phải có giải pháp tốt và có một cơ chế thật sự minh bạch để hoạt động…

Xác định được điều này, ngay từ khi mới thành lập, IMC đã sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng tiêu chuẩn GMP, sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nếu không có GMP thì không thể xuất khẩu được. Khi có GMP rồi, chúng tôi cũng có điều kiện chuẩn hóa các điều kiện khác (từ khâu sản xuất, cán bộ, quản trị DN đến đầu tư công nghệ, chuyên gia…). Những thành công hiện tại của IMC càng khẳng định bước đi của chúng tôi là đúng đắn!

Tin Cùng Chuyên Mục