Chào ông! Trong vô vàn lĩnh vực kinh doanh, tại sao ông lại chọn y tế, chăm sóc sức khỏe để phát triển sự nghiệp?
Đầu tư y tế nói chung và đầu tư y tế ở Việt Nam hiện nay là một việc làm khó, thậm chí là rất khó. Tuy nhiên theo tôi, nó giàu tính nhân văn và vinh quang nhất, bởi lẽ nó không chỉ mang lại lợi nhuận để phát triển doanh nghiệp, đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm lao động mà còn hướng tới những lợi ích vô cùng to lớn cho cả cộng đồng. Sẽ khó có ngành nghề kinh doanh nào mà giữa lợi nhuận và lợi ích lại quan hệ khăng khít, nâng đỡ, tương trợ nhau nhiều như kinh doanh trong lĩnh vực y tế, khi phát triển kinh doanh tốt sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, khi đó những lợi ích mà xã hội mà cộng đồng được thừa hưởng cũng sẽt tăng lên. Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh là điều đó đạt được chỉ khi kinh doanh y tế một cách chân chính.
Như ông đã chia sẻ với DN&PL: Chăm sóc sức khỏe là một hoạt động nhân văn và vô cùng ý nghĩa. Ông có thể cho biết những thành quả mà ông, các cộng sự và BV Hùng Vương đã đạt được trong suốt thời gian qua?
Theo tôi, thành quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được không phải là mỗi năm khám, chữa được cho bao nhiêu người, bởi lẽ việc đó hầu như BV của ai và ở đâu cũng sẽ làm được. Điều quan trọng là những bước đi, những dấu ấn khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ nhân viên, những kỹ thuật khó, rất khó, có ý nghĩa quyết định sự sống và cái chết đã triển khai được và hơn cả là niềm tin yêu của nhân dân, của người bệnh, đặc biệt là sự tin tưởng của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, khơi dậy được lòng trắc ẩn trong mỗi con người, bất kể đó là nhân viên y tế hay bệnh nhân. Khi đã đến BV, mọi người coi nhau như người thân. Nhân viên y tế sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh, bệnh nhân này sẵn sàng hiến máu để cứu bệnh nhân kia. Mọi người sẵn sàng chia sẻ để làm giảm bớt khó khăn khi không may một người nào đó lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Chính nhờ những giá trị nhân văn cao cả ấy mà chúng tôi đã đạt được những chỉ số rất ấn tượng, mỗi năm BV thường tăng trưởng từ 25 đến 30%, trong đó bao gồm cả các chỉ số về độ tin cậy và sự cảm thông, chia sẻ. Hơn 08 năm qua, BV chưa một lần bị kiện tụng, khiếu nại, chưa một lần để cơ quan Nhà nước, cơ quan pháp luật “can thiệp” dù là những vi phạm nhỏ nhất.
“Tố chất hàng đầu của lãnh đạo doanh nghiệp thời cách mạng 4.0 theo tôi không thể “thoát ly” những giá trị cốt lõi, truyền thống đó là đạo đức kinh doanh, trí tuệ, kinh nghiệm, tôn trọng pháp luật và hai thứ không thể không có đó là tin học, ít nhất là làm chủ được công nghệ thông tin hiện có và ngoại ngữ để lĩnh hội kiến thức của thế giới…”
Chúng ta đều biết y tế là một lĩnh vực vô cùng khó khăn và không dễ dàng “chinh phục” được. Nhưng BV Hùng Vương đã hiên ngang “vượt qua chướng ngại vật” và gần “lên đến đỉnh vinh quang”. Những thành quả này có được là do đâu? BV có những giải pháp và chủ trương gì để đạt được mục tiêu cao cả mà mình đã đặt ra?
Đúng, y tế là lĩnh vực khó nhất vì mỗi quyết định của bác sỹ thường gắn chặt đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của một hoặc nhiều người. Mà bác sỹ cũng là con người tức là cũng có lúc đúng và có lúc sai, cái khó nhất là làm thế nào để không sai hoặc là sai ở mức độ ít nhất. Trong chuyên môn, bỏ qua những khẩu hiệu chung chung mang tính cổ động, chúng tôi luôn ban hành những chỉ thị, mệnh lệnh nghiêm ngặt như của người lính: Bác sỹ và nhân viên y tế không được phép sai lầm. Muốn vậy họ phải được đào tạo một cách bài bản nhất và hơn thế, bác sỹ, nhân viên y tế phải là người hoàn hảo về cả trí tuệ, đạo đức, lương tâm và trách nhiệm.
Chúng tôi thống nhất đối xử với người bệnh như đối xử với chính bản thân mình. Có một khẩu hiệu đã trở thành tôn chỉ mà chúng tôi luôn thực hiện đó là: “Hãy đối xử với người bệnh theo cách mà mình muốn họ đối xử với mình”.
Có một bí quyết nữa mà chúng tôi cũng đã làm được đó là chăm sóc tốt đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, muốn họ trở thành một con người hoàn hảo thì trước hết họ phải là những người được ươm trồng từ những môi trường tốt và tử tế nhất. Chúng tôi không chỉ chăm lo cho nhân viên y tế mà cả gia đình họ, bố mẹ, vợ chồng, con cái của họ cũng đã trở thành những thành viên của gia đình lớn mang tên Hùng Vương, họ được quan tâm chăm sóc y tế, quản lý sức khỏe một cách tốt nhất để người thân của mình có thể yên tâm công tác. Các cụ đã dạy, trong có ấm thì ngoài mới êm, có thực mới vực được đạo…là do vậy.
Ngoài mảng y tế, chăm sóc sức khỏe, ông đã, đang và sẽ đầu tư vào mảng, lĩnh vực gì khác nữa không? Để thành công kinh doanh, một doanh nhân thời đại cách mạng 4.0 phải hội tụ những điều kiện nào? Đâu là tố chất hàng đầu cần thiết phải có của một lãnh đạo doanh nghiệp, thưa ông?
Chúng tôi đã và đang đầu tư hai lĩnh vực cũng tương đối khó, đó là nông nghiệp và giáo dục. Tuy nhiên, vì là rất mới nên tạm thời cho phép tôi chưa nói nhiều về nội dung này. Còn tố chất hàng đầu của lãnh đạo doanh nghiệp thời cách mạng 4.0 theo tôi không thể “thoát ly” những giá trị cốt lõi, truyền thống đó là đạo đức kinh doanh, trí tuệ, kinh nghiệm, tôn trọng pháp luật và hai thứ không thể không có đó là tin học, ít nhất là làm chủ được công nghệ thông tin hiện có và ngoại ngữ để lĩnh hội kiến thức của thế giới.