Ngày pháp luật

Chủ tịch Clever Group: ‘Niêm yết là chọn con đường không có lối về, không được đi chậm’

Theo Vietnam Finance

"Tôi mong muốn xây dựng một doanh nghiệp từ điểm bắt đầu cho đến điểm không bao giờ kết thúc. Đó là con đường mà tôi đã chọn và đó cũng là lý do khiến tôi niêm yết. Quyết định niêm yết giống như lựa chọn đi con đường không có lối về và cũng không được phép đi chậm, tự tạo áp lực cho chính mình", Chủ tịch Clever Group Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.

Thập kỷ mới 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ là thập kỷ của công nghệ số. Các doanh nghiệp công nghệ số theo đó cũng được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển mình và tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhân dịp bắt đầu một thập kỷ mới, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Clever Group (HoSE: ADG) xoay quanh câu chuyện chung của làng công nghệ Việt cũng như câu chuyện riêng của Clever Group trong 10 năm tới.

Chủ tịch Clever Group: "Niêm yết là chọn con đường không có lối về, không được đi chậm".
Chủ tịch Clever Group: "Niêm yết là chọn con đường không có lối về, không được đi chậm".

- Ông nhìn nhận ra sao về bức tranh ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam hiện nay? Tiềm năng của ngành này trong thập niên tới ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Clever Group: Từ năm 2018 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn nhất ngành quảng cáo trực tuyến như Google, Facebook chỉ còn hai chữ số nên tăng trưởng ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam cỡ khoảng 10-20%/năm như hiện nay đã là rất tốt, dù không thể so được với giai đoạn 2008 – 2015 khi tăng trưởng lên đến trên 100%/năm.

Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều các ngành khác. Thậm chí năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian làm việc thực tế cả năm chỉ khoảng 7,8 tháng nhưng Clever Group vẫn ghi nhận tăng trưởng. Điều này cho thấy triển vọng ngành vẫn khả quan.

Về tiềm năng trong tương lai, dựa vào số liệu thu thập được từ các thị trường đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi cho rằng Việt Nam hiện đang đi sau Nhật Bản khoảng 7, 8 năm về quảng cáo trực tuyến.

Theo tôi, Hàn Quốc giờ phát triển hơn Nhật Bản về công nghệ quảng cáo. Tôi dự báo ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam sẽ đi đúng theo con đường mà Hàn Quốc đang trải qua, bởi văn hóa Hàn Quốc gần gũi với văn hóa Việt Nam hơn Nhật Bản.

Lợi thế lớn nhất của quảng cáo trực tuyến so với quảng cáo truyền thống là khả năng đo đếm, tương tác được, tính phản hồi rất nhanh. Việc phát triển công nghệ quảng cáo như hướng đi của Hàn Quốc giúp chúng ta cụ thể hóa kết quả quảng cáo nhanh chóng bằng các con số, từ đó giúp hoạt động quảng cáo tối ưu hơn, tương tác nhanh hơn và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng hơn.

- Tiềm năng như vậy, tại sao Clever Group lại thực hiện chuyển đổi theo hướng từ một đại lý (agency) quảng cáo sang một công ty công nghệ số, tỷ trọng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến theo đó có thể giảm xuống chỉ còn 50% trong 5 năm tới?

Lý do rất đơn giản, chúng tôi cần tăng năng lực tự làm chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.

Hoạt động kinh doanh của agency hiện tại chủ yếu liên quan đến tối ưu hóa, tiếp theo là booking (đặt hàng quảng cáo). Nôm na là tôi đưa cho bạn 1 tỷ đồng, bạn là người biết đi chợ, khéo mua khéo bán thì bạn mua được nhiều thứ; người khác không khéo mua khéo bán sẽ bị hớ.

Làm thế nào để tối ưu hóa? Chúng tôi phát triển rất nhiều công cụ. Bước sang năm hoạt động thứ 13, chúng tôi phát hiện một điều: các công cụ đó là vấn đề cốt lõi của công ty và để phát triển, công ty buộc phải làm chủ các công cụ đó.

Đó là lý do tôi đi tìm, mua thêm các công ty chuyên về công nghệ quảng cáo, có lượng người dùng lớn cũng như kết nối được lượng lớn dữ liệu người dùng trên mạng xã hội nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

 

(*) influencer marketing: marketing người có ảnh hưởng, là hình thức marketing theo hướng nhận diện các cá nhân có sức ảnh hưởng đối với nhóm khách hàng tiềm năng và định hướng các hoạt động marketing xung quanh những người có ảnh hưởng đó.

Tôi muốn ngày càng nâng cao tỷ trọng của các công cụ đó và tách nó ra thành các đơn vị kinh doanh độc lập. Ví dụ trước đây, chúng tôi vẫn làm về influencer marketing (*) nhưng bây giờ chuyên nghiệp hơn, chúng tôi hợp tác với đối tác Hàn Quốc để xây dựng nền tảng Revu. Revu lúc này trở thành đơn vị kinh doanh độc lập, hoạt động trong lĩnh vực influencer marketing nhưng chuyên nghiệp hơn.

Như vậy, thay vì cần 3-5 năm để phát triển, chúng tôi lựa chọn con đường mua công nghệ để đi nhanh hơn.

Hiện giờ công ty đang có 6, 7 mảng riêng, trong đó các mảng đang hoạt động rất tốt là Revu - chuyên làm về influencer marketing, cMetric - chuyên làm về social listening (nghiên cứu dư luận xã hội) và CleverX – hiện là đối tác của Alibaba và mục tiêu trong quý I/2021 sẽ hợp tác với Amazon.

Tựu trung, Clever Group không từ bỏ mảng quảng cáo trực tuyến mà cố gắng tăng tỷ trọng của những đơn vị kinh doanh khác lên, tức là các mảng kinh doanh khác phải đạt được tăng trưởng nhanh hơn.

- Trong số các đơn vị thành viên của Clever Group, ông nghĩ công ty nào sẽ tăng trưởng nhanh nhất?

Tôi tin rằng đó là Revu. Hiện thị trường influencer marketing tại Việt Nam rất phát triển, giống hệt thị trường Hàn Quốc.

Các ngôi sao, người nổi tiếng luôn được follow (theo dõi) rất nhiều trên mạng xã hội và người dân Việt Nam cũng dành rất nhiều thời gian trên mạng xã hội. Vậy nên quảng cáo qua người nổi tiếng dễ bán hàng hơn nhiều so với quảng cáo thông thường. Bản thân các nhãn hàng cũng hiểu điều này.

Vừa qua có case-study rất nổi tiếng là ca sĩ Thủy Tiên. Đây cũng là một người có ảnh hưởng trong mạng lưới của Revu.

Thực ra, Revu hướng đến micro-influencer, tức là những người có ảnh hưởng trong một chuyên ngành cụ thể, vì vậy tôi không thực sự thích những người có ảnh hưởng quá lớn.

- Khi nghe ông nói, tôi liên tưởng ngay đến sản phẩm nguoianhhuong.vn của Orion Media – đơn vị mà Clever Group tiến hành M&A cách đây không lâu?

Sản phẩm nguoianhhuong.vn của Orion Media cũng là một dạng kinh doanh giống như Revu, nhưng chưa đủ chuyên nghiệp. Trước đây chúng tôi cũng làm influencer marketing nhưng chưa đủ chuyên nghiệp. Với Revu, mức độ chuyên nghiệp được nâng lên hẳn.

Tuy nhiên sắp tới cũng có thể có những xu hướng khác. Ví dụ như Trung Quốc đang nổi lên xu hướng social selling – các KOL (người có ảnh hưởng) livestream bán hàng, mặc dù đây cũng có thể chỉ là trào lưu ngắn hạn nhưng bắt buộc phải theo dõi. Từ các trào lưu đó, chúng tôi phải tìm ra những điểm cốt lõi để bổ sung vào chiến lược lâu dài của công ty.

- Tiến hành M&A để nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái, liệu có phải ông muốn tạo ra giải pháp tổng thể để tăng doanh số? Trong quá trình xây dựng hệ sinh thái, ông có gặp nhiều khó khăn không?

Đúng là tôi muốn tạo ra một giải pháp tổng thể. Để thuyết phục khách hàng trong ngành quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là các nhãn hàng lớn, rõ ràng bên nào có đầy đủ giải pháp hơn thì khả năng thắng cuộc cao hơn.

Tất nhiên không có công ty nào có thể đưa ra giải pháp toàn diện. Chúng tôi cũng đang mong muốn có thể làm được điều đó nhưng việc cần làm trước mắt là ưu tiên tích hợp các giải pháp quan trọng nhất.

Quá trình xây dựng hệ sinh thái tất nhiên là khó khăn, vì quản trị công ty 10 người khác với quản trị công ty 100 người, càng khác so với quản trị công ty 1.000 người.

Cách đây 3 năm, khi quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán, cấu trúc doanh nghiệp chúng tôi có sự thay đổi rất lớn.

Nếu như trước đây, 100% nguồn lực tập trung ở Clever Ads thì hiện nay bị phân tán đi các công ty khác như cMetric, Orion Media, CleverX… Do đó, chúng tôi phải đẩy mạnh xây dựng nguồn lực kế cận.

Công ty còn đang phát triển, mọi việc còn ở phía trước. Tôi thấy cũng không có điều gì quá khó khăn.

- Clever Group đã lên sàn chứng khoán được 1 năm. Lên sàn, ông thấy được gì và mất gì?

Quyết định lên sàn chứng khoán được đưa ra vào năm 2017 sau cuộc thảo luận với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chúng tôi có chung một nhận định rằng: nếu công ty đang tăng trưởng tốt thì nên niêm yết, tạo ra một case-study tốt trong giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.

Tôi mong muốn xây dựng một doanh nghiệp từ điểm bắt đầu cho đến điểm không bao giờ kết thúc. Đó là con đường mà tôi đã chọn và đó cũng là lý do khiến tôi niêm yết. Quyết định niêm yết giống như lựa chọn đi con đường không có lối về và cũng không được phép đi chậm, tự tạo áp lực cho chính mình.

Trải nghiệm khi lên sàn cũng nhiều. Chẳng hạn như từ khi lên sàn, Clever Group có thêm rất nhiều cổ đông, cả trong nước và ngoài nước; nhiều người cũng đến hỏi ý kiến về việc đưa doanh nghiệp của họ lên sàn.

Tuy nhiên, trải nghiệm lớn nhất là thay đổi về cấu trúc doanh nghiệp và các thay đổi liên quan đến hồ sơ giấy tờ, công tác hạch toán kế toán, kiểm toán…

Các công việc này, mặc dù không liên quan trực tiếp đến kinh doanh, nhưng thời gian tôi dành cho nó rất nhiều, đặc biệt là các công việc liên quan đến tài chính. Trước đây khoảng 99% thời gian dành cho bán hàng, công nghệ, sản phẩm thì hiện chỉ còn khoảng 50%.

Chủ tịch Clever Group: ‘Niêm yết là chọn con đường không có lối về, không được đi chậm’ - Ảnh 1

- Trên thị trường chứng khoán thế giới, cổ phiếu công nghệ đang đứng hàng đầu về độ “hot”. Tuy nhiên tại Việt Nam, số lượng cổ phiếu trên sàn khá ít ỏi. Ông có nhìn nhận thế nào về tiềm năng lên sàn của các công ty công nghệ?

Tôi thấy rất tiềm năng bởi hiện có rất nhiều công ty công nghệ lớn, như Tiki, VNPAY, MoMo... Tôi nghĩ rằng có thể các công ty đó ấp ủ dự định lớn lao, niêm yết với định giá tỷ USD chẳng hạn.

Từ khi Clever Group niêm yết, cũng có khoảng 5, 6 chủ doanh nghiệp tới hỏi tôi rằng có nên niêm yết hay không, được gì, mất gì, điều kiện thế nào, trình tự thủ tục ra sao… Tôi cũng mong rằng họ sẽ thực hiện các bước đi đầu tiên để tiến tới thời điểm niêm yết, có lẽ cũng phải mất khoảng 2, 3 năm.

Mặc dù vậy, tôi cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước có góc nhìn riêng của họ. Sẽ rất rủi ro nếu để các công ty công nghệ còn đang lỗ tiến hành niêm yết. Do đó, có lẽ sẽ phải có sân chơi riêng.

- Hơn 10 năm hoạt động trong ngành công nghệ số, ông có nhìn nhận thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ trong những năm qua, đặc biệt là các startup công nghệ? Theo ông đâu là rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ?

Về mặt khách quan, tôi không thấy rào cản nào đáng kể. Nhiều người đang hơi trầm trọng hóa các vấn đề liên quan đến chính sách. Theo tôi, chính sách cho doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam rất ổn, doanh nghiệp thấy chưa ổn là do chưa biết làm.

Chẳng hạn như chính phủ đang có những chính sách ưu đãi thuế cực kỳ tốt cho các doanh nghiệp phần mềm như ưu đãi thuế 10 năm, không áp thuế giá trị gia tăng… Nếu tôi biết những chính sách này sớm hơn, tôi đã kinh doanh công nghệ sớm hơn.

Ảnh hưởng tích cực của các công ty công nghệ đang ngày càng lớn. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi nhìn vào thị trường gọi xe, thanh toán điện tử, quản lý nhà hàng… Trước đây, mọi người vẫn hay gán hình ảnh công nghệ với game – một thời làm ảnh hưởng khá xấu đến giới trẻ Việt Nam.

Tôi cho rằng rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ phần lớn đến từ yếu tố chủ quan.

Một bộ phận đông đảo các founder (nhà sáng lập), chủ tịch, CEO của các công ty công nghệ xuất thân từ người làm công nghệ, đó là những người làm lập trình viên – giống như tôi trước đây. Họ học công nghệ thông tin, kiến thức về tài chính, quản trị chưa đủ tốt và nghĩ rằng mọi vấn đề đều nằm ở lập trình. Rằng lập trình giỏi sẽ xây dựng được công ty tốt, nhưng không phải như vậy.

Doanh nghiệp càng lớn, quản trị càng đóng vai trò chính, chuyên môn sẽ đóng vai trò phụ.

Rất nhiều giám đốc không biết cách đọc báo cáo tài chính, không biết hạch toán kế toán như thế nào. Nhiều người nghĩ lập trình giỏi là đủ nhưng thực ra điều đó chỉ quyết định chưa đến 20% sự thành công.

- Ông kỳ vọng gì vào các startup công nghệ? Liệu có sớm xuất hiện thêm các “kỳ lân công nghệ Việt”?

Tôi nghĩ sẽ có nhiều công ty công nghệ thành công, phát triển. Tuy nhiên quy mô thị trường không thể tăng quá nhanh nên cần thời gian để các công ty lớn mạnh.

Tại Việt Nam, quan niệm phổ biến là muốn giàu thì phải bán những gì mà người giàu hay mua, cho nên bán nhà là giàu nhanh nhất. Nhưng quan điểm trên thế giới là muốn giàu thì phải bán cái mà cả thế giới cùng mua. Đó cũng chính là quan điểm của Google, Facebook và theo tôi, đó là hướng đi đúng.

Cái khó ở Việt Nam là chúng ta chưa làm chủ hoặc chưa làm tốt công nghệ lõi, mặc dù chính phủ tạo điều kiện rất tốt về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Ở nước ngoài, những doanh nghiệp như Google, Facebook, Amazon hay trước đây là eBay, Intel, Microsoft đều làm công nghệ lõi rất tốt. Chúng ta chưa có nhưng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có.

Vì thế, nếu muốn trở thành cường quốc về khởi nghiệp công nghệ thì chúng ta phải làm chủ được công nghệ lõi.

- Một lời chia sẻ đối với các bạn trẻ khởi nghiệp công nghệ, thưa ông?

Tôi cho rằng để doanh nghiệp tăng trưởng được, đầu tiên các chủ doanh nghiệp công nghệ phải thích ứng, bớt kêu ca.

Bên cạnh những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp là sản phẩm, bán hàng, chiến lược phát triển… thì các chủ doanh nghiệp công nghệ phải dành nhiều thời gian cho công tác quản trị, bao gồm cả các vấn đề pháp lý, hành chính nhân sự, tài chính kế toán. 

Cần phải làm chuẩn chỉ ngay từ những khâu nhỏ nhất như các công tác liên quan đến chứng từ, hồ sơ, hợp đồng lao động, bảo hiểm, thuế… Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó gia tăng quy mô. Khi quy mô doanh nghiệp càng lớn thì càng khó sửa.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục