Ngày pháp luật

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Trong một sự kiện cuối tháng 9 vừa qua, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã chia sẻ những câu chuyện thuở mới lập nghiệp đầy gian nan thử thách.

Những ngày đầu với 20 nhân công, làm ăn kiểu cuốn chiếu

Ông Cô Gia Thọ sinh năm 1958 trong một khu chợ người Hoa ở quận 6, TP.HCM. Khoảng năm 1981, chàng thanh niên 23 tuổi cũng theo truyền thống gia đình ra ngoài buôn bán, hi vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Cô Gia Thọ thấy thị trường lúc ấy (thập niên 80) thiếu thốn trăm bề - trong đó có hàng văn phòng phẩm, dù ai cũng cần cây viết để học chữ.

Vậy là ông lập nên một xưởng sản xuất nhỏ từ vốn liếng 2 chỉ vàng, ban đầu chỉ thuê được 20 nhân công. Thậm chí, tài sản quý giá nhất chính là một chiếc xe đạp cà tàng, được ông chủ dùng để đi bán dạo khắp các sạp báo ở Sài Gòn.

Nguồn vốn quá hạn hẹp, một mình ông phải kiêm nhiệm từ sản xuất, rao hàng, bán hàng đến thu tiền. Trong tuần, cứ làm ra được 3 ngày thì phải dành ngày thứ 4 cố gắng bán hết vì… cạn vốn! Thu về lợi nhuận, ông Thọ đổ vào sản xuất tiếp và trả lương cho nhân công. Cứ loay hoay mãi như thế đến tận 15 năm sau (1996) thì doanh thu mới ổn định, chính thức thành lập công ty Thiên Long.

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 1

Chủ tịch HĐQT Thiên Long - ông Cô Gia Thọ

Đến năm 2002, khi đang tìm cách xoay vốn thì Thiên Long may mắn được Sở Lao động Thương binh & Xã hội hỗ trợ. Đó là trong chương trình vay vốn 200 triệu đồng không lãi suất đối với doanh nghiệp thuê xưởng với quy mô 200 công nhân.

Thời điểm đó, không có mấy cơ sở sản xuất hội đủ điều kiện, nhưng ông Cô Gia Thọ đã quyết tâm chứng minh cơ sở mình có thể đáp ứng những yêu cầu về hợp đồng lao động, kê khai thuế... Từ 200 triệu được cho vay, ông đã mở rộng xưởng, thuê 200 nhân công rồi dần dần tăng số lượng đơn hàng, tìm cách tiếp cận với những thị trường lớn hơn.

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 2

 

Thiên Long đã chậm mà chắc bước lên từ buổi đầu lập nghiệp đầy gian khổ. Tuy nhiên thời ấy cũng có những câu chuyện rất thú vị và ý nghĩa. Đó là nhờ đi bán dạo mà ông Cô Gia Thọ mới gặp được bà Trần Thái Như, ngay tại một cơ sở sản xuất xà phòng do chính bà Như làm chủ. 

Cùng là những người kinh doanh nhỏ, cặp đôi khi ấy gặp nhau qua những lần lấy hàng, phân phối… Từ đó nảy sinh tình cảm và về chung một nhà. Sau này khi Thiên Long đã phát triển, vai trò của người phụ nữ ấy vẫn hết sức to lớn. Bà Thái Như phụ trách bộ phận quản lý trong mảng kinh doanh, sau đó lui về làm thành viên trong HĐQT và vẫn tiếp tục hỗ trợ, tin tưởng chồng.

Sự học làm nên cơ nghiệp 4.000 tỷ đồng

Sinh ra giữa thời buổi khó khăn, ông Thọ không học lên cao hơn, cũng không có nhiều kiến thức về kinh doanh. Tuy nhiên ông chủ bút bi luôn tâm niệm: Phải liên tục học hỏi thì mới có thể phát triển!

Vào năm 1993, các doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào Việt Nam đến từ Đài Loan. Do đó, chính phủ Đài Loan cũng có chương trình hỗ trợ những doanh nhân trẻ người Hoa đi học miễn phí về quản trị kinh doanh. Ông Cô Gia Thọ đã chớp lấy cơ hội này để tìm hiểu sâu hơn về cách quản trị doanh nghiệp.

Đến năm 2002, Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều chương trình học về quản trị kinh doanh, ông Thọ tham gia rất nhiều lớp học từ trong nước cho đến việc đi sang Mỹ để tham quan các mô hình nhà máy tại Mỹ. Cũng từ đây, vị doanh nhân mới bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán, học hỏi dần và bắt đầu chuẩn bị hành trình cho công ty được niêm yết trên sàn.

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 3

 

"Thành công của tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả mà chỉ là sự học hỏi. Tôi thấy mình thiếu cái gì thì học cái đó. Tôi luôn khát khao học hỏi, không chỉ học người ngoài mà còn học từ chính nhân viên của mình. Khi công ty lớn mạnh, tôi tuyển kỹ sư giỏi, chuyên viên giỏi về làm cùng để qua đó học hỏi nhiều thứ từ họ” - ông chủ Thiên Long chia sẻ.

Theo đó, slogan của bút bi Thiên Long cũng xoay quanh chuyện học hành - từ “Sự học là trọn đời” đến “Sức mạnh tri thức”. Trong mảng marketing cũng vậy, Thiên Long bên cạnh mục tiêu tăng doanh số còn muốn tiếp sức cho việc học của thanh thiếu niên. 18 năm qua, Thiên Long bền bỉ đồng hành cùng chương trình Tiếp sức mùa thi (dù kinh phí không hề nhỏ) chính là một ví dụ cho việc đề cao sự học.

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 4

 

Chủ tịch bút bi Thiên Long: Những ngày đầu phải đạp xe bán dạo, gặp được bà xã rồi cùng xây cơ nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 5

 (Ảnh: Tập đoàn Thiên Long)

Trong 40 năm qua, Thiên Long đã trải qua đầy đủ các mô hình phát triển kinh tế, từ kinh tế hộ gia đình, cá thể, cơ sở sản xuất, công ty TNHH rồi đến công ty cổ phần và sau đó là niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2010. 

Giờ đây, công ty đã có vốn hóa thị trường xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes bình chọn. Thiên Long cũng đã xuất khẩu ra 61 nước trên khắp thế giới và được xem là đế chế hùng mạnh nhất về lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục