Ngày pháp luật

Chủ siêu dự án 4 tỷ USD Nam Hội An ở Quảng Nam làm ăn thua lỗ, sau nửa năm chưa thể tăng vốn

Trung Hiếu

Sau hơn nửa năm, kế hoạch tăng vốn thêm 196,5 triệu USD của Công ty Nam Hội An - chủ dự khu nghỉ dưỡng Hoiana vẫn chưa thể thực hiện được.

Chủ siêu dự án 4 tỷ USD ở Quảng Nam làm ăn thua lỗ, sau nửa năm chưa thể tăng vốn
Chủ siêu dự án 4 tỷ USD ở Quảng Nam làm ăn thua lỗ, sau nửa năm chưa thể tăng vốn

Kế hoạch tăng vốn thất bại

Từ tháng 4, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An nộp hồ sơ tăng vốn điều lệ thêm 196,5 triệu USD qua chuyển đổi các khoản vay của công ty mẹ đến Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, hồ sơ xin tăng vốn của chủ dự án khu nghỉ dưỡng Hoiana chưa được thông qua.

Về vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tham vấn ý kiến một số đơn vị liên quan như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, Sở Tài chính, Cục Thuế. Tuy nhiên, các cơ quan này đều không có cơ sở pháp lý để ý kiến.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định về việc chủ sở hữu doanh nghiệp ở nước ngoài chuyển khoản nợ vay thành vốn điều lệ góp thêm vào công ty con.

Dù vậy, cơ quan này cho biết Hoiana là dự án có quy mô lớn, đến nay giai đoạn 1 đã đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Vì vậy, sở đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn.

Trước đó, để thực hiện khu nghỉ dưỡng, Nam Hội An đã vay 196,5 triệu USD trực tiếp từ công ty mẹ - Hoi An South Investments (Singapore) - thông qua 13 khoản vay. Đến nay, để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Nam Hội An và công ty mẹ thống nhất chuyển đổi toàn bộ dư nợ thành vốn góp và tăng vốn điều lệ tương ứng với số tiền này.

Theo quan điểm của Nam Hội An, không có quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản vay của công ty mẹ thành vốn điều lệ. Doanh nghiệp này nói rằng thực tế một số công ty khác cùng ngành đã tăng vốn điều lệ qua hình thức này. Nằm tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, dự án khu nghỉ dưỡng Hoianna có tổng vốn đầu tư hơn 81.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD.

Siêu dự án gồm nhiều hạng mục như khu kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, sân golf, vui chơi giải trí cao cấp. Tiến độ dự án được chia thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Hiện Hoiana hoàn thành được một phần dự án như khu khách sạn, casino, sân golf và đưa vào vận hành.

Làm ăn thua lỗ

Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An được thành lập vào ngày 10/12/2010, ban đầu do ông Lê Minh Phúc làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tháng 10/2016, chức vụ này đổi cho ông Lam Chi Keung (quốc tịch Anh), vốn điều lệ 15.600 tỷ đồng (800 triệu USD) và toàn bộ do Hoi An South Investments Pte. Ltd sở hữu, ủy quyền cho 6 cá nhân nước ngoài, trong đó có ông Don Di Lam.

Tháng 11/2019, Công ty đổi người đại diện pháp luật sang các cá nhân gồm Steven Wolstenholme (quốc tịch Mỹ) – giữ chức Giám đốc, ông Benot Andre Henri Amado (Pháp) – Giám Đốc, ông Khoo Shing Yan (Malaysia) – Giám đốc, ông Lam Chi Keung – Tổng Giám đốc.

Sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, đến tháng 11/2021, Công ty còn gần 4.055 tỷ đồng (178 triệu USD) và ủy quyền toàn bộ vốn cho ông Steven Wolstenholme.

Theo Giấy phép kinh doanh thay đổi gần nhất vào ngày 26/6, Công ty có 5 người đại diện pháp luật gồm ông Steven Wolstenholme - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, ông Lam Chi Keung - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Lok Man Wai (Trung Quốc) – Giám đốc, ông Jimmy Rene Yvan Lopez (Pháp) – Giám đốc, ông Gillian Murphy (Anh) – Giám đốc. Đồng thời vốn điều lệ của công ty tăng lên gần 5.911 tỷ đồng (259 triệu USD).

Nam Hội An là một doanh nghiệp có quy mô lớn. Sau giai đoạn liên tục mở rộng 2017-2020, quy mô tổng tài sản của Nam Hội An hiện đã lên đến hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của doanh nghiệp này lại đến từ nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả liên tục tăng mạnh đến cuối năm 2022 lên đến gần 29.000 tỷ, gấp gần 10 lần sau 5 năm và vượt qua cả giá trị tài sản (25.900 tỷ đồng) tại cùng thời điểm.

Sự gia tăng nợ phải trả chủ yếu đến từ việc vay nợ tài chính. Đến cuối năm 2022, tổng nợ vay tài chính của Nam Hội An lên đến hơn 23.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 13.000 tỷ còn nợ dài hạn gần 10.700 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay phình to lên đến gần 1.100 tỷ đồng trong năm 2022 và là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này lỗ nặng đến 2.800 tỷ đồng.

Trước năm 2020, khoản lỗ của Nam Hội An chủ yếu do phải gánh chi phí quản lý doanh nghiệp lớn trong khi doanh thu chưa phát sinh. Từ năm 2020, Nam Hội An bắt đầu có doanh thu, sau đó liên tục tăng trưởng mạnh qua từng năm và đạt hơn 1.900 tỷ vào năm 2022. Tuy nhiên, nguồn thu không đủ bù đắp các chi phí phát sinh khiến công ty thua lỗ triền miên với con số tăng chóng mặt.

Kinh doanh bết bát nhiều năm khiến Nam Hội An lỗ luỹ kế lên đến gần 8.100 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022. Con số này đã ăn mòn toàn bộ vốn điều lệ và khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm hơn 3.000 tỷ đồng. Ngay cả khi tăng vốn điều lệ lên hơn 5.900 tỷ đồng vào cuối tháng 6 vừa qua, Nam Hội An vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Tin Cùng Chuyên Mục