Ngày pháp luật

Chống hàng giả: Doanh nghiệp tự cứu mình bằng công nghệ

Dương Lài

Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và khó xử lý. Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại Diễn đàn “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất cứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” do Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức ngày 27/11 tại TPHCH, ông Trần Văn Dũng, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và khó xử lý. Trong đó, nổi lên vấn đề hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc được gắn nhãn mác trong nước, thương hiệu để dễ bán và bán với giá cao, hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để xuất sang Mỹ… Đặc biệt, khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc thì có cả hàng của Mỹ nhưng giả xuất xứ Việt Nam để xuất sang Trung Quốc nhằm lẩn tránh thuế.

Chống hàng giả: Doanh nghiệp tự cứu mình bằng công nghệ - Ảnh 1

 Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trao đổi về vấn nạn hàng giả

Trước thủ đoạn tinh vi của vấn nạn hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai nhiều giải pháp mới nhằm hạn chế tình trạng này xảy ra. Đó là triển khai báo cáo điện tử nhằm cập nhật nhanh chóng tình hình kiểm tra thị trường để lãnh đạo Tổng cục nắm bắt kịp thời thông tin. Từ đó phân tích mặt hàng nào hiện bị xâm phạm nhiều nhất và đưa ra những biện pháp quản lý, phòng chống kịp thời. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường còn mở diễn đàn trên internet nhằm tăng cường kết nối giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Tổng cục Quản lý thị trường để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng chống hàng xâm phạm,…

“Bên cạnh những giải pháp của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cần chú trọng quản lý các kênh phân phối sản phẩm của mình ra thị trường để phát hiện sớm các hành vi gian lận và kết hợp với các cơ quan chức năng cùng giải quyết. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả bằng các biện pháp công nghệ hiện đại như tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ…” – ông Dũng nhấn mạnh.

Chống hàng giả: Doanh nghiệp tự cứu mình bằng công nghệ - Ảnh 2

Trưng bày hàng thật và hàng giả tại Diễn đàn 

Ông Nguyễn Thành Danh, Cục Quản lý thị trường Bình Dương thì nhấn mạnh, để giải quyết căn cơ các vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Tại Bình Dương, sự phối hợp này được thực hiện ngay từ công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả và nhận được sự tham gia đông đảo của người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều vụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã được người tiêu dùng phát hiện và báo cho cơ quan chức năng hay doanh nghiệp biết để xử lý.

Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay hết sức phức tạp. Trong khi đó, các chế tài xử phạt của nhà nước chưa đủ mạnh nên tình trạng này ngày càng tiếp diễn với nhiều thủ đoạn khác nhau. Bà Đào cho biết, Công ty Mỹ phẩm Anh Đào chuyên sản xuất mỹ phẩm thuần Việt với thương hiệu được đăng ký bảo hộ Anh Đào - Sứ Tiên. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sản phẩm có mặt trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm làm nhái với các thương hiệu khác như Hồng Tiên, Như Tiên, Nhất Tiên,…

Trước thực tế đó, Công ty đã phải tìm nhiều phương án để giải quyết như làm việc với cơ quan quản lý thị trường, sở hữu trí tuệ, dược phẩm,… “Nhận thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp và tinh vi, Công ty ngoài việc đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền đã quyết định đầu tư thiết bị, công nghệ cao, sản xuất đúng quy trình và sử dụng tem chống hàng giả. Ngoài ra, trên sản phẩm, hàng hóa ở mỗi tình đều gắn mã vùng và có hệ thống bán hàng độc quyền” – bà Đào nói và cho biết, bằng những biện pháp nói trên nên, Công ty đã chứng minh được một số trường hợp đã làm giả hàng của mình.

Ông Lý Thành Công, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty BITEX, thì cho biết, hàng giả, hàng nhái bán qua mạng online cũng ngày càng phổ biến. Thời gian qua, Công ty đã phát hiện hơn 1.000 sản phẩm máy tính điện tử làm nhái, làm giả thương hiệu Casino mà công ty độc quyền phân phối trên thị trường. Công ty đã phải phối hợp với ngành chức năng bảo để vệ thương hiệu và cách nhận diện thương hiệu, tem chống giả cho người tiêu dùng.

Đồng ý kiến trên, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG Nguyễn Viết Hồng cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiện hiệu nay thực sự không đơn giản nên cần sự phối hợp, đồng thuận cao giữa các lực lượng chức năng, DN, đoàn thể và cộng đồng người tiêu dùng. Vì vậy, sự phối hợp tốt giữa các bên và quyết liệt thực hiện sẽ góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu trên thị trường.

Tin Cùng Chuyên Mục