Như vậy, có thể hiểu, thời gian tới, Uber bị cấm hoạt động. Trong khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Uber là Grabcar đã được chấp nhận thí điểm và đang tăng cường hoạt động. Việc cấm này có gì bất thường?
Những lý do mà Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam ngừng cung cấp không phải không có cơ sở pháp lý. Theo Bộ này, việc Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các yêu cầu của Bộ GTVT nêu trong Quyết định số 24 của Bộ này về "thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" là chưa phù hợp vì không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Trong khi đó, kể từ cuối tháng 1/2016, Đề án GrabCar của Công ty TNHH Grab Taxi đã được Bộ GTVT phê duyệt: Đủ điều kiện tham gia đề án cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách được Thủ tướng cho phép áp dụng thí điểm tại 5 địa phương.
Về mặt nào đó, có thể Đề án GrabCar của Công ty TNHH Grab Taxi chỉn chu hơn đề án do Uber Việt Nam xây dựng nên đã được Bộ GTVT sớm phê duyệt. Tuy nhiên, việc hiện nay, trên thị trường, đây là 2 doanh nghiệp sử dụng công nghệ kết nối tương tự, cạnh tranh trực tiếp với nhau nhưng một doanh nghiệp được cho tồn tại, tiếp tục "thí điểm" trong khi cấm doanh nghiệp còn lại không thể không khiến dư luận đặt câu hỏi về có sự thiên vị của Bộ GTVT với Công ty TNHH Grab Taxi.
Việc cấm Uber Việt Nam hoạt động ở thời điểm này, chắc chắn khiến cho Công ty TNHH Grab Taxi giành được lợi thế tuyệt đối trong cuộc cạnh tranh vốn đang rất gay gắt với Công ty TNHH Uber Việt Nam. Cho dù, ngoài Grab Taxi, hiện nay cũng đã có một số doanh nghiệp khác được cấp phép thử nghiệm ứng dụng dịch vụ gọi xe qua hợp đồng điện tử như GrabTaxi, LiveTaxi, AdTOS hay VinasunApp. Tuy nhiên, có thể nói, ngoài Uber Việt Nam thì các doanh nghiệp khác chưa phải là đối thủ xứng tầm với Công ty TNHH Grabtaxi.
Việc ứng dụng công nghệ để kết nối vận tải hành khách trong thời gian qua đã thể hiện là một dịch vụ ứng dụng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thuận tiện cho người dân. Cả hai doanh nghiệp đi đầu trong dịch vụ này là Uber Việt Nam hay Grabtaxi là hai đơn vị đã đóng góp đáng kể nhất trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với dịch vụ này. Tuy nhiên, việc cho doanh nghiệp này tồn tại, cấm doanh nghiệp kia đang được hiểu như một việc làm "thủ tiêu cạnh tranh" của Bộ GTVT.
Nếu như Uber Việt Nam chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước như đã nêu, Bộ GTVT cần sớm hướng dẫn đầy đủ để Công ty này hoàn thiện đề án, chấp hành tốt các quy định về nộp thuế, kê khai thuế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm với khách hàng. Qua đó, nếu doanh nghiệp này đáp ứng sớm các quy định, tham gia thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp đã được cấp phép thí điểm như GrabTaxi, sẽ thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Và ngay cả với Công ty TNHH Grabtaxi, Bộ GTVT cũng cần kiểm tra kỹ, qua một thời gian thí điểm, Công ty này đã đáp ứng đúng các quy định về quản lý nhà nước đối với dịch vụ kết nối, vận tải như trong Quyết định số 24 của Bộ này và các quy định khác của nhà nước về thuế, vận tải...hay chưa. Nếu như Công ty GrabTaxi cũng không đáp ứng đầy đủ quy định nhưng lại được ưu ái, cấp phép hoạt động trong khi đối thủ cạnh tranh của Công ty này lại bị cấm thì điều này là rất không minh bạch và không công bằng, làm xấu đi môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vận tải này.
Nhìn rộng hơn, hiện nay, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách như trên đang có lợi thế hơn rất nhiều so với các công ty kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống. Các Công ty taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun...đều phải nộp thuế nhiều hơn rất nhiều, lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm, trong khi như Uber Việt Nam, mỗi năm nộp thuế chỉ khoảng vài chục tỷ đồng (năm 2016, số thuế mà Uber Việt Nam nộp tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng). Các xe ứng dụng công nghệ này cũng không bị chặn, cấm đường như các hãng taxi khác (do không có mào phân biệt)...
Do đó, để đảm bảo khách quan, công bằng, thay vì chỉ cấm, hạn chế với một doanh nghiệp cụ thể như Uber Việt Nam hay với một doanh nghiệp nào khác, Bộ GTVT nên phối hợp với các bộ, ngành khác, rà soát, kiểm tra một cách tổng thể toàn bộ các doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng để thực hiện các dịch vụ vận tải và các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống để có một cách thức xử lý, quản lý chung, phù hợp vừa đảm bảo lợi ích nhà nước: Nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải thu được thuế, vừa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp này.