Chiếc phao cứu thị trường tài chính thoát cơn khủng hoảng 2008
Năm 2008, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính. Cả dân cư và ngân hàng khi đó đều khát tiền, khi những người rủng rỉnh đồng bạc xanh trong túi không còn tin tưởng vào kênh trung gian là ngân hàng nữa. Tình trạng này ươm mầm cho sự sinh sôi và nảy nở của hàng loạt công ty cho vay trực tuyến theo hình thức ngang hàng ((Peer-to-peer lending, viết tắt là P2P Lending) như Lending Club, Prosper và Loanio ở Mỹ.
Cho vay ngang hàng được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay mà không cần thông qua trung gian tài chính. Các ứng dụng trên hoạt động khá giống với Uber, Grab trong kết nối người có nhu cầu đi xe và lái xe.
Để thực hiện được khoản vay, người dùng phải đăng ký thông tin trên các ứng dụng, cung cấp một số dữ liệu cá nhân lẫn điểm tín dụng. Các khoản vay được duyệt rất nhanh, đôi khi chỉ sau vài ba tiếng, với số tiền tối đa dành cho cá nhân phổ biến là 35.000 USD và 100.000 USD với pháp nhân.
Tim Murphy là một điển hình của người Mỹ thời đó. Chàng trai sống ở ngoại ô thành phố Atlanta, thủ phủ của bang Georgia muốn mở một cửa hàng bán bỏng ngô đặc biệt trên diện tích lên tới 1.600m2, nhằm vực dậy tài chính của gia đình sau những mất mát đầu năm 2008. Nhưng kế hoạch của anh bị 12 ngân hàng bác bỏ, và chỉ khi tìm đến app vay ngang hàng, Murphy mới kiếm được khoản tín dụng trị giá 25.000 USD.
Giám đốc điều hành của Lending Club, Renaud Laplanche, cho biết ứng dụng này đã cho vay tổng cộng 20 triệu USD chỉ trong vòng 18 tháng. Phần lớn các khoản vay được quảng cáo với mức lãi suất chỉ 8-10%, nhưng các ứng dụng sẽ thu thêm 2% phí đăng ký của người cho vay, còn người đi vay trả thêm 1% cho hoạt động đánh giá hồ sơ của hệ thống.
Nỗ lực xây dựng khung pháp lý
Anh được cho là một trong những quốc gia khởi đầu mô hình P2P Lending. Nhưng gần 10 năm sau khi P2P ra đời, Chính phủ Anh mới tìm cách quản lý loại hình cho vay này. Theo đó, năm 2014, Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) của Anh đã ban hành một bộ luật riêng, trong đó tập trung vào việc bảo vệ những người cho vay với mức rót vốn tối đa cho loài hình này là 10% tổng tài sản đầu tư sẵn có.
Tại Mỹ, trước năm 2008, hầu như các công ty P2P Lending ít bị quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vào năm 2008, Ủy ban Chứng khoán và sàn Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tham gia quản lý mô hình này. Theo đó các công ty P2P Lending phải tuân thủ Đạo luật Chứng khoán và muốn hoạt động phải được cấp phép bởi SEC để được hoạt động và tiếp nhận nhà đầu tư, cũng như có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động định kỳ.
Một trong những quy định của SEC để kiểm soát công ty P2P Lending là các khoản vay cần phải có sự tham gia của ngân hàng, người cho vay sẽ được cấp chứng chỉ đảm bảo nợ từ công ty P2P Lending. Từ đây, quyền lợi của người đi vay được đảm bảo tốt hơn so với việc lệ thuộc vào người đi vay.
Về giới hạn vốn huy động, công ty P2P Lending chỉ được huy động tối đa 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ một nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phần lớn các nền tảng cho vay đều quy định người vay phải thoả mãn một số ràng buộc nhất định về nhân thân, lý lịch tư pháp,..., đồng thời có điểm xếp hạng tín dụng trên 600.
Chiếc bẫy dưới món tiền dễ kiếm
Sự tiện dụng của các ứng dụng cho vay ngang hàng khiến mô hình này phát triển thần tốc. 7 năm sau khi ra đời tại Anh và 5 năm sau khi gia nhập thị trường Mỹ, quy mô của hình thức cho vay ngang hàng được ghi nhận là 1,2 tỷ USD vào năm 2012. Đến năm 2015, con số này đã tăng hơn 50 lần, lên 64 tỷ USD. Với đà phát triển hiện tại, các chuyên gia dự đoán dư nợ P2P sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Thế nhưng, phía sau chiếc phao tín dụng cứu nguy cho hàng triệu cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ là những chiếc bẫy bất ngờ.
Câu chuyện của David Weliver - một thanh niên 26 tuổi - có khoản nợ lên tới 80.000 USD, bao gồm nợ học phí đại học, nợ tín dụng và khoản vay mua xe được sử dụng liên tục trên moneyunder30 (blog do chính anh này tạo ra để cung cấp lời khuyên miễn phí về tài chính cá nhân) như một ví dụ về việc vay ngang hàng đã giải quyết vấn đề tiền bạc cho nhiều người.
Theo lời tự thuật của David Weliver, dưới góc nhìn của những chuyên viên tín dụng, anh chàng là đại diện cho triệu người Mỹ không thể vay ngân hàng vì điểm tín dụng quá thấp, nên cách thức tốt nhất là tìm đến những công cụ linh hoạt hơn, trong đó có Prosper Loans.
Weliver sau đó gửi thông tin cá nhân để nộp hồ sơ vay 11.500 USD. Trong đó, anh thành thật chia sẻ với các nhà đầu tư về sai lầm chi tiêu trong quá khứ. Bất chấp quá khứ đen, Weliver được duyệt khoản vay với lãi suất tiêu chuẩn 12% trong 3 năm.
Nhưng suốt từ năm 2015, thời điểm bài viết này bắt đầu xuất hiện, ngay dưới lời tự thuật của David Weliver có không ít người Mỹ bày tỏ nghi ngại về các ứng dụng cho vay trực tuyến, và cả những trải nghiệm xấu xí. Sử dụng khoản vay từ Prosper Loans để tranh toán nợ tín dụng ngân hàng nhưng nhiều người không được xóa lịch sử tín dụng, thậm chí chịu mức phí lên tới 26% - mức vô lý khi so sánh với bất cứ ngân hàng nào ở Mỹ - trong khi không được phép trả nợ trước hạn.
Thay vì giúp trả nợ ngân hàng, các ứng dụng này khiến điểm tín dụng của người vay càng xuống thấp, rơi vào danh sách đen của các nhà băng, để rồi sau đó buộc phải gắn bó với các app P2P nếu có thêm bất cứ nhu cầu vay vốn nào. Sau lần đầu vay tiền tại app, người vay không còn cách nào khác ngoài nợ chồng nợ tại ứng dụng.
"Một khi bấm vào từ "chấp nhận" trong ứng dụng, nghĩa là bạn đã tham gia cuộc chơi mà bạn, dù đứng ở vị trí người có tiền hay người cần tiền đều không tự làm chủ được điều gì nữa. Ứng dụng yêu cầu thông tin, rồi dùng nó để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, sau đó họ nắm trong tay sao kê ngân hàng, bản sao bảng lương, và tất cả những gì có thể để gây áp lực cho người vay.
Với người cho vay, không có một cam kết nào về việc bảo đảm số tiền mà bạn đã đưa vào hệ thống sẽ được trả lại nguyên vẹn. Nó như một trò sấp ngửa, tùy vào việc bạn may mắn hay không", một người dùng của Prosper Loans thừa nhận./.
(Kỳ II: Bùng nổ và lụi tàn ở Trung Quốc)