Ngày 1/10, hàng loạt ngân hàng thương mại thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm ở các kỳ hạn. Trước đó, chiều 30-9, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành, đưa trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ giảm còn 4,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ ngày 1/10, nhiều ngân hàng như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Nam Á (Nam A Bank), Kiên Long (Kienlongbank), Phương Đông (OCB), Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank)… đã thay đổi biểu lãi suất huy động mới giảm ở các kỳ. Trong đó, kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thấp hơn nhiều so với trần quy định.
Tại LienVietPostBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,8%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Sacombank điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Như kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3,7%/năm, 2 tháng 3,8%/năm, 4-5 tháng 4%/năm; giảm tối đa 0,25 điểm % so với trước. Kienlongbank giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 3,55%/năm; 2 tháng 3,75%/năm và nếu gửi từ 3-5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa tới 0,6 điểm % so với trước đó…
Không chỉ giảm lãi suất gửi ngắn hạn về dưới trần của Ngân hàng Nhà nước, nhiều NH thương mại còn điều chỉnh giảm thêm lãi suất kỳ hạn dài. Như tại Nam A Bank, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, lãi suất kỳ hạn 14-17 tháng về 7,1%/năm, giảm 0,1 điểm % so với trước; trong khi kỳ hạn dưới 6 tháng đã được ngân hàng này giảm về 3,95%/năm từ đầu tháng 9.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi VNĐ đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng tới 1,2- 2,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cá biệt một số NH chỉ còn 2,2%-2,5%/năm, tức thấp hơn mức trần mới và về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá động thái điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước thời điểm này là phù hợp, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, tín dụng tăng nhanh hơn thời gian gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ. Đặc biệt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào, nhu cầu vay mượn lẫn nhau của các tổ chức tín dụng cũng không cao giúp lãi suất liên ngân hàng xuống thấp.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,12%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng ở mức 3,85%, Ngân hàng Nhà nước cho biết quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Báo cáo cập nhật nhanh về việc một loạt lãi suất điều hành giảm, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng các ngân hàng thương mại đang dồi dào thanh khoản trong khi đầu ra tín dụng yếu. SSI dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến ngày 22-9, huy động vốn vẫn tăng trưởng khá tốt (đạt 7,7%), trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 5,12% so với đầu năm, thấp hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái (8,79%).
Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm
Phó tổng giám đốc một NH TMCP cho hay thực tế nhiều NH đã áp dụng lãi suất dưới trần quy định từ hơn 2 tháng nay, trong bối cảnh thanh khoản ở các NH dồi dào và dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào.
Với lãi suất cho vay, các NH cũng đang điều chỉnh giảm tùy vào việc đánh giá mức độ rủi ro của từng NH đối với từng lĩnh vực. Như tại NH vị này, nhiều doanh nghiệp (DN) vay sản xuất kinh doanh đang được áp dụng lãi suất chỉ từ 6%-8%/năm, thậm chí một số DN tốt được vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn. "Khả năng hấp thụ vốn của thị trường hiện không phụ thuộc vào lãi suất mà quan trọng là sức cầu của thị trường" - vị phó tổng giám đốc nhận định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, phân tích quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay của NH Nhà nước sẽ góp phần tạo thêm cú hích định hướng về mặt chính sách, trong bối cảnh làn sóng hạ lãi suất đã bắt đầu từ vài tháng qua.
Thực tế, mặt bằng lãi suất đã đi xuống đáng kể so với trước. Nhưng vì sao lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động, nhất là các lĩnh vực cho vay bất động sản, lãi suất thậm chí còn khá cao?
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng nếu chỉ nhìn trần lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ thấy lãi suất đầu vào giảm sâu, trong khi khoản vay của các DN thường từ 1-2 năm hoặc hơn, riêng với khách hàng cá nhân vay mua nhà thời hạn tới 10-20 năm…
"Những DN nào có độ an toàn cao, khả năng tài chính tốt đang được vay với lãi suất rất thấp, thậm chí các NH còn cạnh tranh nhau để cho vay. Riêng với lãi suất vay mua nhà thường là khoản vay cá nhân, bán lẻ nên chi phí quản lý khoản vay thường cao hơn với DN. Thời gian vay càng dài lãi suất sẽ cao hơn, chưa kể NH cũng phải huy động vốn trung dài hạn với lãi suất cao" - ông Tùng nói.
TS Cấn Văn Lực nhận định hạ trần lãi suất huy động và cho vay kỳ hạn ngắn cùng với giảm các lãi suất điều hành sẽ giúp hệ thống NH có điều kiện giảm lãi suất đầu vào để từ đó giảm lãi suất đầu ra. Có điều, lãi suất hiện không phải là rào cản với tín dụng mà quan trọng là sức cầu. Thực tế, nhu cầu vay vốn thực của người dân, DN vẫn còn yếu.
"Nhìn vào biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thương mại sẽ thấy hiện NIM chỉ khoảng 2,7%. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng của các NH đang suy giảm và xu hướng này sẽ tiếp tục từ nay đến cuối năm, thậm chí năm tới. Điều này cho thấy các NH đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế, chứ không hẳn lãi vay chưa giảm tương xứng so với lãi suất huy động", TS Cấn Văn Lực lý giải.
Ưu tiên vẫn tăng trưởng thấp
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sức cầu còn yếu và khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của một số khách hàng khó khăn hơn do năng lực tài chính giảm sút.
Công ty Chứng khoán SSI cho hay dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ... nhưng trong 9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của nhóm DN nói trên chỉ khoảng 3%-4%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng chung.
Link bài gốc