Thuế các-bon không phải là một ý tưởng mới. Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển là những nước đầu tiên đã thực hiện chính sách thuế các-bon từ những năm 1990.
“Tham vọng xanh” của Đan Mạch đến năm 2030
Mới đây, Hội đồng cố vấn độc lập về biến đổi khí hậu cho chính phủ Đan Mạch đã đề xuất tăng thuế các-bon trong dự thảo Luật Khí hậu mới của nước này. Đề xuất này đã ngay lập tức tạo nên hai “làn sóng” dư luận trái chiều. Phía phản đối, các đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ buộc phải rời khỏi Đan Mạch bởi chính sách này.
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cho rằng điều này là cần thiết để đạt được mục tiêu tới năm 2030 sẽ cắt giảm được 70% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 1990. Từ sau năm 2030, chi phí để duy trì nền kinh tế các-bon thấp ở nước này sẽ “dễ thở” hơn nhiều - rơi vào khoảng 5,35 tỷ USD hàng năm, ít hơn 1% GDP. Đây được xem là một trong những mục tiêu khí hậu tham vọng nhất thế giới hiện giờ.
Theo lý thuyết, chính sách thuế các-bon là cơ chế áp lên người dân và doanh nghiệp mức giá cố định tương ứng với sản lượng các-bon mà họ thải ra môi trường trên nguyên lý “người gây ô nhiễm phải trả tiền cho thiệt hại do mình gây ra”. Chính sách này góp phần tác động đến ý thức người gây ô nhiễm về hành động của mình và chủ động tự giảm thiểu lượng phát thải khí CO2. Đồng thời, chính phủ cũng tăng thêm khoản thu nhập để giải quyết những vấn đề khác.
Thực tế cho thấy, không phải quốc gia nào cũng thành công với mô hình thuế các-bon. Đơn cử, Na Uy cũng áp dụng thuế các-bon từ sớm nhưng lượng phát thải khí nhà kính trong nước này lại tăng 43% trên đầu người trong giai đoạn 1990 - 2005. Còn tại Đan Mạch, lượng khí CO2 trên đầu người giảm 25% trong giai đoạn 1990 - 2005 mà không cần dựa vào năng lượng hạt nhân, cũng không gây ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh kinh tế của nước này. Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt tại đất nước Đan Mạch?
Theo nhà xã hội học Monica Prasat, Đại học Đông Bắc (Mỹ): “Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của mô hình thuế các-bon ở Đan Mạch. Nhưng điều quan trọng nhất là phần lớn thuế này được dùng để trợ cấp cho các doanh nghiệp chấp nhận sử dụng các phương pháp sản xuất năng lượng xanh, sạch, thân thiện môi trường”.
Phần còn lại được sử dụng để khắc phục những vấn đề môi trường khác. Phần tài chính này được công bố công khai cho toàn dân, tạo động lực tích cực cho các bên tham gia vào cơ chế chi trả này. Từ việc nộp thuế, các công ty Đan Mạch có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch. Phía chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm giảm thiệu sự phụ thuộc vào tài nguyên than như trước đây.
Ở nhiều nước, thuế các-bon được quảng bá gần như là “thuốc chữa bách bệnh”. Tuy nhiên, nếu mục đích là giảm lượng khí thải nhà kính thì điều cần đạt được không phải là thu nhiều thuế hơn mà là tác động các nhà sản xuất, người tiêu dùng thay đổi hành vi của họ.
“Thuế khuyến khích”
Vào cuối những năm 1980, Cơ quan Môi trường Đan Mạch đã giới thiệu chính sách thuế môi trường như là một loại “thuế khuyến khích” trước Nghị viện và đạt được sự đồng thuận cao. Năm 1991, chính sách thuế các-bon được chính phủ thông qua.
Theo đó, chính sách thuế nêu rõ 4 mục tiêu chính. Một là giảm lượng khí thải các-bon từ 61,1 triệu tấn (năm 1988) xuống còn 48,9 triệu tấn trước năm 2005 (giảm ít nhất 20%). Hai là tránh sự “cám dỗ” tối đa hóa doanh thu thuế cho ngân sách chính phủ bằng cách trả lại cho các ngành công nghiệp như một khoản trợ cấp dành cho đổi mới môi trường. Ba là khuyến khích các doanh nghiệp “tránh xa” các-bon càng nhiều càng tốt và hướng tới các loại nhiên liệu thay thế sạch hơn. Cuối cùng là khuyến khích tất cả những người sử dụng năng lượng bao gồm các hộ gia đình và các công ty thay đổi hành vi của họ để giảm phát thải các-bon.
Đến năm 1992, thuế các-bon được áp dụng song với với thuế năng lượng hiện hành trên các loại nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện. Để giữ mức thuế hiệu quả, chính phủ đã giảm mức thuế năng lượng khi thuế các-bon được thiết lập. Thuế các-bon lần đầu tiên được áp dụng đối với các hộ gia đình vào năm 1992, các hộ gia đình đã bị tính phí 7,5 USD trên mỗi tấn CO2. Hệ thống thuế được mở rộng để bao gồm các công ty vào năm 1993. Các công ty đã phải trả 14,3 USD mỗi tấn CO2 thải ra môi trường.
Doanh thu thuế được công khai với người dân, có chiều hướng tăng lên qua các năm nhưng lượng khí thải CO2 lại giảm đi. Chính phủ Đan Mạch thu được 485,7 triệu USD vào năm 1994, sau đó là 585,5 triệu USD năm 1995 và 905 triệu USD vào năm 2008. Theo đó, khoảng 40% doanh thu thuế được sử dụng cho trợ cấp môi trường và 60% được trả lại cho ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ bao gồm các lĩnh vực vận chuyển đường biển, vận tải hàng không, điện và khí đốt. Điều này nhằm đảm bảo các nguồn năng lượng đang sử dụng trong các ngành chính này không bị “áp đảo” bởi yêu cầu năng lượng tái tạo khi vẫn chưa đủ tiềm lực để chuyển đổi. Chính phủ cũng đề nghị giảm 25% thuế năng lượng và thuế các-bon cho các công ty ký thỏa thuận tiết kiệm năng lượng với Bộ Giao thông Vận tải và Năng lượng.
Mô hình thuế các-bon tại Đan Mạch đã dẫn đến việc giảm lượng khí thải các-bon đáng kể. Lượng phát thải các-bon trên đầu người đã giảm 25% từ năm 1990 đến năm 2005. Lượng khí thải các-bon công nghiệp cũng giảm 23% trong những năm 1990 sau khi các doanh nghiệp bị buộc phải tái cơ cấu công nghiệp bằng thuế các-bon. Có thể nói, chính sách này đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của nước này, hướng tới một nền công nghiệp xanh bền vững.
Còn tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đã và đang là vấn nạn nhức nhối từ nhiều năm nay. Theo số liệu về kiểm kê khí nhà kính, năm 1998, Việt Nam phát thải 121 triệu tấn CO2 và tăng gấp đôi 247 triệu tấn CO2 vào năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tổng lượng phát thải thấp trên toàn cầu khi năm 2013, phát thải khoảng 259 triệu tấn CO2 trong tổng số 36 tỷ tấn CO2 phát thải của thế giới (khoảng 0,72%).
Tuy nhiên, xu hướng ngày càng gia tăng lượng phát thải khí nhà kính nay đã là một vấn đề nan giải, đặc biệt gây áp lực rất lớn tại các đô thị đông dân cư. Trước tình hình đó, một số chuyên gia đã đề xuất áp dụng mô hình thuế các-bon nhằm giảm thải phát thải các-bon trong nước, hướng tới tham gia thị trường các-bon thế giới.
Thuế các-bon không phải là một ý tưởng mới. Thực tế cũng cho thấy mô hình này không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Câu chuyện thành công của đất nước Đan Mạch là toàn bộ nỗ lực của chính quyền và người dân, cũng là mong muốn của họ hướng tới lối sống xanh.
Vì thế, các nhà hoạch định chính sách của Đan Mạch đã luôn nhắc nhở chính phủ, doanh nghiệp và người dân rằng thuế các-bon chỉ là một dạng thuế “khuyến khích thay đổi hành vi” chứ không đặt nặng thêm áp lực cho xã hội. Công khai, minh bạch việc phân phối doanh thu thuế chính là điểm mấu chốt của chính sách này, tạo niềm tin và động lực cho người dân tham gia.