"Twitter cần phải tự thanh toán các hóa đơn", chủ sở hữu mới của công ty - Elon Musk đã nhấn mạnh như vậy trong một tweet hôm 31/10 (giờ Mỹ) để đáp lại lời chỉ trích từ nhà văn Stephen King về kế hoạch tính phí người dùng Twitter 20 USD/tháng để xác minh tài khoản. Đến ngày 1/11, Musk lại thỏa hiệp với tweet mới: "Quyền lực trong tay mọi người! Tích xanh với giá chỉ 8 USD/tháng!"
Không thể thay thế doanh thu quảng cáo
Cuối cùng thì sau gần 6 tháng tranh cãi, Elon Musk đã mua lại thành công Twitter vào ngày 27/10. Người đàn ông giàu nhất thế giới đứng trước hàng loạt thách thức sau khi tiếp quản tập đoàn, một trong số đó là đưa Twitter tạo ra lợi nhuận và tự trang trải chi phí hoạt động.
Theo Forbes, các chuyên gia ước tính Twitter sẽ phải gánh tới 1 tỷ USD phí lãi suất hàng năm do khoản nợ 13 tỷ USD dùng để trang trải cho một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành công nghệ.
Phí xác minh tài khoản 8 USD/tháng có thể giúp Twitter tạo thêm doanh thu, nhưng con số dự đoán sẽ rất nhỏ. Hiện Twitter chỉ có 400.000 người dùng có dấu tích xanh, trong khi mạng xã hội này cần tới 10,4 triệu người dùng đóng 8 USD mỗi tháng để trang trải chi phí 1 tỷ USD kể trên. Chưa kể việc áp dụng phí xác minh có thể khiến những tài khoản tương tác cao rời bỏ Twitter để chuyển sang các nền tảng đối thủ.
Nhà phân tích Dan Ives đến từ ngân hàng đầu tư Wedbush ước tính phí xác minh sẽ tạo ra doanh thu tương đương 4-5% doanh thu quảng cáo tại Twitter (hạng mục đóng góp nhiều tiền nhất cho tập đoàn). Wedbush dự đoán tổng doanh thu năm 2022 tại Twitter là 5,8 tỷ USD, nghĩa là khoản phí xác minh sẽ chỉ đem về khoảng 230 - 290 triệu USD - tương đương 2,4 đến 3 triệu người dùng trả 8 USD/tháng.
Nhà phân tích Richard Greenfield từ công ty đầu tư mạo hiểm Lightspeed Partners thì cho rằng phí xác minh chỉ giúp "tăng thêm nguồn thu nhập chứ không thể thay thế hoạt động kinh doanh hiện tại". Nói cách khác, CEO Elon Musk sẽ phải tìm hạng mục khác để trang trải chi phí nợ cho Twitter.
Thu phí doanh nghiệp
Elon Musk có thể xem xét nhiều cách kiếm tiền khác có khả năng sinh lời cao hơn. Richard Greenfield nhận định:
"Twitter có cả một cộng đồng người dùng doanh nghiệp coi họ là nền tảng quan trọng để điều hành công việc kinh doanh. Những người đó hoàn toàn sẵn sàng trả tiền cho Twitter, thậm chí là trả cao."
Tuy nhiên trong tweet hôm 1/11, Musk chủ yếu tập trung vào những người dùng cá nhân. Những người đăng ký phí xác minh còn được tiếp cận với một số tính năng độc quyền như ưu tiên lượt đề cập, tìm kiếm, xem ít quảng cáo và đăng video dài,...
Đặc biệt, Musk cho rằng Twitter Blue có thể giúp người dùng đọc một số trang báo miễn phí, đồng thời cho phép người sáng tạo nội dung (content creator) nhận thêm thù lao. Mặc dù vậy các content creator trên Twitter có vẻ không hào hứng lắm trước mức phí mới, theo công ty nghiên cứu GlobalData.
Lợi bất cập hại?
Yêu cầu người dùng trả phí cho những tính năng cao cấp không phải là điều gì mới. Chẳng hạn như trang định hướng kinh doanh LinkedIn tạo ra khoảng 40% doanh thu thông qua đăng ký trả phí với các gói có giá từ 29,99 USD/tháng.
Bản thân Twitter đã ra mắt dịch vụ trả phí Twitter Blue từ năm 2021, cho phép người dùng truy cập vào những tính năng cao hơn như chỉnh sửa tweet với giá khoảng 4,99 USD/tháng. Doanh thu từ Twitter Blue không được tiết lộ cụ thể và được gộp chung vào mục "Đăng ký và khác", nhưng hồ sơ kinh doanh quý gần nhất cho thấy hạng mục này chiếm chưa đến 10% doanh thu tại Twitter.
Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận phí tích xanh là một kế hoạch mới mẻ của Elon Musk. Nir Eyal, cựu giảng viên Đại học Stanford, cho biết việc xác minh người dùng rộng rãi có thể giúp giảm tài khoản rác, giúp các nhà quảng cáo tập trung nhiều hơn vào người dùng thực sự. Nhưng ngược lại khi người dùng trả tiền để xem ít quảng cáo hơn, các doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại việc đặt quảng cáo trên Twitter.
Dấu tích xanh trên Twitter ra đời từ năm 2009. Ban đầu, mục đích của nó là để xác thực đây đúng là tài khoản của một cá nhân nào đó (thường là người nổi tiếng), góp phần chống lại việc mạo danh và lừa đảo.
Các trang web truyền thông xã hội khác, như LinkedIn và Facebook, cũng có các chương trình xác minh nhưng không tính phí. Đó là bởi vì tích xanh được coi là một dịch vụ để bảo vệ người dùng khỏi thông tin sai lệch chứ không phải là một tính năng cao cấp.
Với mức phí 8 USD mới, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện tình trạng mạo danh người nổi tiếng - những người không đủ khả năng hoặc không muốn trả phí cho Twitter.
Eyal gợi ý rằng Twitter chỉ nên tính phí xác minh một lần và cam kết tài khoản nếu bị phát hiện giả mạo sẽ bị gỡ xuống nhanh chóng. Nhưng việc có thực hiện được lời hứa hay không mới là vấn đề, ông Eyal nói: "Cho dù đó là Instagram, Tiktok hay LinkedIn, tất cả đều rất tệ trong việc gỡ bỏ các tài khoản giả mạo."
Những kế hoạch tiềm năng khác
Richard Greenfield cho rằng Elon Musk sẽ sớm ra mắt nhiều dịch vụ mới để mang lại lợi nhuận cho Twitter. Trong một bản kế hoạch bị rò rỉ trên New York Times vào tháng 5, nhà đồng sáng lập Tesla kỳ vọng về một dịch vụ bí ẩn tên "X", dự kiến tạo ra doanh thu đăng ký lên tới 10 tỷ USD vào năm 2028.
Nhiều người cho rằng X ám chỉ việc biến Twitter trở thành một "siêu ứng dụng" tương tự như WeChat.
Musk dự kiến tổng doanh số bán hàng của Twitter sẽ đạt 26,4 tỷ USD vào năm 2028, trong đó 12 tỷ USD đến từ quảng cáo. Ngoài ra cơ sở người dùng Twitter cũng được kỳ vọng tăng khoảng 4 lần, từ 217 triệu (năm 2021) lên 931 triệu người trong cùng kỳ.
Greenfield nhận định “chỉ cần 240 triệu người dùng, thậm chí 5% trong số họ trả 10 USD mỗi tháng thì Twitter đã có cơ hội kinh doanh 1,5 tỷ USD”.
Tuy nhiên đạt được mục tiêu này không hề đơn giản. Trước tiên Musk cần tìm cách giữ chân các nhà sáng tạo nội dung, để họ không thấy chán nản khi phải trả những mức phí hàng tháng sắp tới.
Eyal chia sẻ: "Điều tồi tệ nhất đối với Twitter là hiệu ứng mạng bị sụp đổ - bởi vì không ai muốn tham gia một bữa tiệc mà người khác không có mặt ở đó cả."