Ngành Du lịch “không ngủ”
Nhiều năm gần đây, ngành Du lịch đang nhận thấy một nhu cầu lớn về nền kinh tế dịch vụ ban đêm cho du khách nội địa và quốc tế. Có ý kiến cho rằng, lượng khách tăng trưởng cao, nhưng số ít muốn quay trở lại hoặc thời gian ở cũng ngắn ngày (khoảng 1 - 2 ngày hoặc ít hơn cho một thành phố). Điều này một phần xuất phát từ sự thiếu hụt các dịch vụ về ban đêm tại các tụ điểm du lịch.
Rất nhiều chuyên gia nhận định kinh tế về đêm sẽ thu hút nhiều du khách hơn, đặc biệt là du khách nước ngoài. Dù ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… hiện đã có một số hoạt động kinh tế du lịch về đêm như chợ đêm, các quán bar, karaoke, phố đi bộ… Tuy nhiên, như vậy chưa đủ.
Trả lời báo chí, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, những dịch vụ như trên mới chỉ là những ý tưởng “sơ khai”, trong khi đó nền kinh tế đêm của các nước khác toàn diện trên mọi khía cạnh. Tức là, không chỉ chợ đêm, quán bar mà còn là những hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội, thậm chí là dịch vụ ngân hàng, bưu chính, tài chính…
Theo đó, việc “mở cửa” cho nền kinh tế đêm được đánh giá là “mỏ vàng” của ngành Du lịch, có thể “giữ chân” du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế về đêm ở Việt Nam còn khá manh mún, chưa có quy hoạch một cách bài bản từ góc độ quản lý nhà nước đến dân sinh. Nhiều nơi, dịch vụ về đêm chỉ tự phát theo yêu cầu của người dân và du khách.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của một số nước láng giềng để học tập, áp dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dựa trên những lợi thế mà Việt Nam đang có.
Hoạt động kinh tế về đêm đều đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới, trong đó điển hình tại các thành phố Paris, Toulouse (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) hay Amsterdam (Hà Lan), Tokyo (Nhật Bản)… Để quản lý hoạt động này, một số nước châu Âu còn bổ nhiệm một vị trí chuyên biệt phụ trách hoạt động kinh tế về đêm. Kinh tế ban đêm mang lại nguồn lợi lớn, đóng góp cho Úc 102 tỷ USD mỗi năm, 66 tỷ bảng Anh đối với Vương quốc Anh, dự báo đạt quy mô 400 tỷ USD ở Nhật.
Khi so sánh với Trung Quốc, có thể thấy rõ sự bài bản, đồng bộ của họ, hoạt động thực tế cần có hành lang pháp lý “rộng mở”. Theo tờ Xinhua, từ đầu năm 2019, vấn đề kinh tế ban đêm trở thành vấn đề “nóng” do tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị Bắc Kinh sau khi Thị trưởng Trần Cát Ninh thông báo, thành phố này sẽ khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm.
Dù vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên phần đông người dân đều ủng hộ điều này. Đặc biệt, dựa trên đặc điểm về lao động ở Bắc Kinh có xu hướng làm thêm, làm muộn; nhưng ở Bắc Kinh các điểm ăn uống, mua sắm, giải trí vào ban đêm đa phần dừng hoạt động sau 22h. Do vậy, người dân hay du khách cũng chỉ còn duy nhất lựa chọn về nhà đi ngủ.
Như vậy được cho là rất lãng phí, bất tiện; do đó, không chỉ người trẻ mà người già và trung niên ở Bắc Kinh hay các thành phố khác của Trung Quốc cũng mong muốn các dịch vụ về đêm kéo dài và đa dạng hơn.
Chính sách toàn diện ở Trung Quốc
Để tạo điều kiện, các tỉnh, thành phố Trung Quốc sẵn sàng giảm giá tiêu thụ điện, “mở” cho người dân và doanh nghiệp mở thêm nhiều hàng quán, dịch vụ... nhằm khuyến khích kinh tế ban đêm, thậm chí mở cửa 24/24h. Không kém quan trọng, các dịch vụ giao thông công cộng được tối ưu hoá, kéo dài thời gian kinh doanh để phục vụ người dân và du khách.
Trung Quốc thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng nhiều biện pháp.
Lãnh đạo Văn phòng Thương mại Bắc Kinh cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi tại Bắc Kinh sẽ hoạt động 24 giờ. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Kinh bắt đầu cũng được cho phép kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng. Theo thống kê năm 2018 của nhiều doanh nghiệp cho thấy, nền kinh tế đêm chính là một “mỏ vàng”.
Làm gì để “cởi trói” cho du lịch về đêm?
Phố đêm Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh) nằm trong số ít những trải nghiệm về đêm, được CNN tư vấn cho khách du lịch khi đến Việt Nam. Chưa nói đến nhiều thành phố du lịch ở Việt Nam đều chịu cảnh “đìu hiu” vắng khách vì thiếu vắng những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm.
Đơn cử, Đà Nẵng cũng có các chợ đêm (như Sơn Trà, Lê Duẩn) nhưng quy mô nhỏ và vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của một chợ đêm du lịch. Các khu chợ này chủ yếu bán những mặt hàng ăn uống, lưu niệm, quần áo… bình dân, thiếu vắng nhưng sản phẩm đặc sắc, có dấu ấn vùng miền...
Ngoài đề xuất các hoạt động kinh tế về đêm thông thường, Đà Nẵng đang xem xét cho phép các loại hình dịch vụ casino, trường đua ngựa... hoạt động có thể thu hút chi tiêu lớn.
“Cởi trói” cho nền kinh tế về đêm không đơn thuần dừng lại ở việc kéo dài thời gian kinh doanh dịch vụ. Quan trọng hơn hết nằm ở chất lượng dịch vụ và trải nghiệm. Điều này lại không phụ thuộc vào yếu tố tiên quyết là ban đêm hay ban ngày.
Dù chính sách cởi mở nhưng tư duy làm du lịch vẫn manh mún, chụp giật, sản phẩm du lịch vẫn nhàm chán, kém chất lượng thì vẫn không thể “giữ chân” được du khách. Nhìn chung, hoạt động kinh tế về đêm là một nhu cầu có thật.
Theo các chuyên gia Việt Nam nói chung, muốn phát triển kinh tế đêm cần có chủ trương, chiến lược, chính sách tổng thể để bứt phá.
Hãng vận tải Didi Chuxing công bố: Lượng hành khách tại Bắc Kinh di chuyển nhiều nhất vào khung giờ 22h đến 6h sáng. Hãng giao đồ ăn Ele.me cho biết, Bắc Kinh là một trong những thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới. Còn theo số liệu của Học viện Du lịch Trung Quốc, chỉ số tiêu dùng ban đêm tăng cao hơn cả tiêu dùng ban ngày, trong đó, giới trẻ là những người đóng góp lớn nhất.
Mặt khác, các tỉnh, thành khác ở Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc, Trùng Khánh... cũng đã phát triển nền kinh tế đêm một cách bài bản, từ chính sách phát triển nền kinh tế về đêm của Trung Quốc.
Theo tờ Global Times, tại Thượng Hải, có một số khu vực giải trí được xây dựng riêng biệt, phục vụ khách hàng từ 19h tối đến 6h sáng. Mới đây, Thượng Hải cũng khai trương rạp chiếu phim 24 giờ đầu tiên. Hay tại Bảo tàng Thượng Hải cũng tổ chức các sự kiện ban đêm nhằm hưởng ứng chính sách này.
Tại Thiên Tân cũng lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italia, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí. Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) giảm giá điện khoảng 0,2 NDT mỗi kWh cho các cửa hàng hoạt động muộn hơn…
Từ đó cho thấy, một chính sách toàn diện không chỉ nhằm thu hút và cung cấp dịch vụ cho nhiều du khách hơn mà còn góp phần giảm tải “gánh nặng” mà các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp phải. Ví như, lao động về đêm, nếu đủ điều kiện, thường nhận mức lương cao hơn so với lao động ban ngày.
Về góc độ du lịch, các công ty du lịch ở nước này cho rằng, việc khai thác nền kinh tế đêm có thể tăng từ 10 – 20% quy mô thị trường tour du lịch về đêm, giảm áp lực “chạy sô” tour trong ngày mà đến tối lại không có gì làm. Chính như thế, khách du lịch đến Trung Quốc có thể ở dài ngày mà không cảm thấy nhàm chán.
Tuy nhiên, phát triển nền kinh tế đêm cũng có những tác động tiêu cực đến trật tự trị an, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… Do đó, không chỉ đưa ra chính sách kích cầu thị trường, các nhà chức trách của Trung Quốc cũng đồng thời đẩy mạnh việc nhận diện, truy bắt và áp chế tội phạm, tăng cường giám sát, tuần tra nhằm giải quyết kịp thời những sự cố phát sinh về đêm.
Từ đó cho thấy, việc phát triển kinh tế về đêm phải là một chính sách toàn diện, bao quát; cần có kế hoạch tỉ mỉ, chỉn chu; khi đưa vào thực tế cần có sự nghiêm túc chấp hành của người dân và sự nghiêm minh của những người “canh gác” pháp luật. Từ đó, người dân mới cảm thấy an toàn, chăm lo sản xuất và kinh doanh.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch:
“Cá nhân tôi đã từng đề xuất khai thác dịch vụ du lịch về đêm nhưng do nhiều nguyên nhân nên ngành Du lịch vẫn khó có thể triển khai áp dụng. Chẳng hạn nhiều nơi hiện không cho phép kinh doanh quá 12 giờ đêm thì khó có các sản phẩm vui chơi, giải trí để khai thác được vào thời gian này.
Xét dưới góc độ du lịch, kinh tế ban đêm hay kinh tế 24 giờ sẽ bao gồm phố đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, câu lạc bộ, hộp đêm, các buổi biểu diễn nhạc sống, các hình thức giải trí, văn hóa… về đêm. Do vậy, ngành Du lịch, mà trước hết là các địa phương trọng điểm về du lịch cần có đề án nghiên cứu chuyên sâu đề về vấn đề này.
Trong đó cần đề xuất tháo gỡ những quy định làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải có đề án tổ chức, quy hoạch lại điểm đến, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới đi vào thực tế được”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam:
“Không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được du khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước. Trong du lịch về đêm, chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách.
Tuy nhiên, một số nơi phát triển thiếu quy hoạch hợp lý nên chưa tạo được sức hút. Thực tế cho thấy, chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ.
Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 6h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau thì lại không phát triển. Các nước mạnh về du lịch đều tập trung đầu tư thúc đẩy hoạt động dịch vụ ban đêm.
Do đó, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, quan điểm về việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm sao cho hiệu quả. Nếu Việt Nam có chính sách đột phá, tạo cơ chế tốt để người dân mạnh dạn đầu tư thì kinh tế ban đêm sẽ phát triển”.
Ông Lương Thỉnh - Giám đốc Công ty Du lịch và Tổ chức sự kiện Lương Gia:
“Theo chủ trương phát triển kinh tế đêm được gợi mở từ Chính phủ cùng với tiềm năng và lợi thế về văn hóa, di sản… sẽ là chất xúc tác mới cho việc việc tạo sản phẩm thu hút du khách hiệu quả. Đây chính là sự liên hoàn trong các tổ hợp dịch vụ du lịch hứa hẹn tạo sức bật cho các ngành kinh tế của Việt Nam”.