Hiếm có vụ thu hồi đất nào diện tích đến hàng trăm ngàn m2 như nhà cụ Mai, địa phương có những tiểu xảo để đánh tụt hàng chục tỷ tiền bồi thường hỗ trợ… Thế nên đầu năm 2015, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Lê Quốc Trung đã ra văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị làm rõ một số vấn đề.
Tống đạt văn bản kiểu… đi ngang thảy vô nhà
Văn bản số 991/BTNMT-TTr ngày 27/3/2015 đề nghị Đồng Nai làm rõ chuyện vì sao năm 2007, tỉnh này đã có Văn bản 6773/UBND-CNN yêu cầu Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) muốn lấy đất để khai thác mỏ, phải thực hiện phương thức thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên theo hồ sơ do cụ Mai cung cấp thì Dona Coop chưa thực hiện chỉ đạo trên mà đã lấy hơn 10 ha đất của cụ Mai.
Vấn đề khác Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Đồng Nai làm rõ, đó là gia đình cụ Mai bị giải tỏa toàn bộ nhà ở, đất ở, nhưng UBND TP Biên Hòa chưa giải quyết bố trí tái định cư. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc làm này là chưa đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên, ngày 14/5/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 3520/UBND-TCD, gửi UBND TP Biên Hòa báo cáo. Chính văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí ký đã chỉ ra sai phạm nghiêm trọng của địa phương trong vụ việc này khi thu hồi đất.
Theo đó: “Ngày 21/4/2009, UBND huyện Long Thành (khi đó khu vực Tân Cang chưa sáp nhập về TP Biên Hòa – NV) ban hành Quyết định số 1200/QĐ-UBND thu hồi đất cụ Mai thực hiện dự án. Tại buổi làm việc tại Ban Tiếp công dân tỉnh ngày 17/9/2010, cụ Mai trình bày đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 1200/QĐ-UBND nhưng chưa được xem xét giải quyết.
Ngày 22/9/2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 7749/UBND-NC giao Chủ tịch UBND TP Biên Hòa phối hợp UBND huyện Long Thành kiểm tra, rà soát đơn và hồ sơ liên quan, xem xét xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết với nội dung này”.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) chua chát: “Chủ tịch tỉnh chỉ đạo mà 5 năm sau Chủ tịch huyện còn không thực hiện thì thân phận doanh nghiệp tư nhân, thân phận nông dân chúng tôi, người ta còn coi như cỏ rác cỡ nào? Địa phương và Dona Coop còn lộng quyền cỡ nào?”.
Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn trên lý thuyết thì chặt chẽ đến mức “con kiến chui không lọt”, nhưng thực tế trong vụ thu đất doanh nghiệp cụ Mai, như lời kể bà Anh, đã bị thực thi vô cùng tùy tiện: “Từ khi quy hoạch, đến lúc “thỏa thuận” rồi cưỡng chế hàng bao năm trời, nhưng thực ra đến tay chúng tôi đâu có mấy văn bản. Thỉnh thoảng có một vài văn bản ai đó đi ngang nhà thảy vô, chứ mình không ký nhận bao giờ hết, mình nhặt được, mình biết vậy”.
“Thỏa thuận” sai tinh thần Luật Đất đai
Về nội dung “thoả thuận hay không”, trong một biên bản hồi năm 2015, ông Nguyễn Văn Khánh, đại diện đơn vị lấy đất (Dona Coop), cho rằng: “Khi dự án triển khai, Dona Coop có triển khai thoả thuận với một số hộ dân bị thu hồi đất có sự tham dự của bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (con gái cụ Mai - PV), tuy nhiên bà Anh không đồng ý với giá thoả thuận bồi thường của chủ đầu tư”.
Bà Ngọc Anh phản bác: “Tiếng Việt định nghĩa thế nào là thỏa thuận? Pháp luật định nghĩa thế nào là thỏa thuận? Năm 2009, Dona Coop có một lần mời tất cả những người trong vùng đất thuộc dự án tới họp. Họ không mời tới ủy ban xã, mà mời tới tại nhà văn hóa ấp Tân Cang. Ở đây họ đưa ra mức giá đền bù 80 ngàn/m2.
“Thỏa thuận” nghĩa là thuận mua vừa bán, so sánh với các nhà đầu tư khác trong vùng giá cao hơn gấp 4-5 lần, mà ở đây Dona Coop lấy đất móc đất đá lên bán, giá đó rẻ quá. Tôi đứng lên có ý kiến, đất người ta mua 5 - 6 tỷ/ha, mà nay anh gạ mua có 800 triệu/ha, tôi không chịu đâu. Tôi ghi ý kiến như vậy vào biên bản rồi ra về”.
Vẫn lời bà Ngọc Anh: “Chỉ một lần duy nhất đó đại diện Dona Coop gặp dân. Hai bên chưa từng ngồi lại thỏa thuận, kiểu như: “Tôi lấy đất này của chị, tôi đưa ra giá này, chị đòi bao nhiêu?”. Nếu Dona Coop có thỏa thuận thì mình đã đưa ra yêu cầu”.
Điều 40 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định về thu hồi đất, trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất quy định sau 180 ngày mà người sử dụng đất và nhà đầu tư không đồng thuận thì chính quyền sẽ thu hồi.
Bà Ngọc Anh đồng ý với quy định này, nhưng cho rằng Dona Coop và địa phương đã cố tình “lách luật”, vi phạm luật pháp: “Gạ mua bán lần thứ nhất, lần thứ hai không được thì phải có lần thứ ba, phải có văn bản “chốt” chuyện hai bên không đồng thuận. Dona Coop không thể chỉ trả giá “trớt qướt”, như vậy một lần là xong thủ tục “thỏa thuận” với dân”.
Nhận xét về quy trình “thỏa thuận” nêu trên, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá, Dona Coop đã thực hiện sai tinh thần Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn, nhằm mục đích “bán cái” việc áp giá bồi thường, hỗ trợ cho UBND TP Biên Hoà. Khi Dona Coop đẩy việc đền bù, hỗ trợ sang vai TP Biên Hoà, chắc chắc sẽ ít tốn kém tiền bạc hơn khi Dona Coop tự đi thoả thuận với dân.
Dấu hiệu báo cáo không trung thực
Một dấu hiệu sai phạm khác, theo bà Ngọc Anh tố cáo, đó là việc địa phương báo cáo không trung thực, như chuyện tái định cư. Phải đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu làm rõ, ngày 26/10/2015 UBND TP Biên Hòa mới ra Quyết định 3797/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của cụ Mai, trong đó cho rằng: “Về tái định cư, hộ cụ Mai đã được phê duyệt bố trí một suất tái định cư hộ chính tại khu dân cư Tràng An, xã Tam Phước”.
Ông Huỳnh Ngọc Ngà (con trai cụ Mai) cho hay gia đình ông đã hàng chục năm nay chịu đựng oan ức
Bà Ngọc Anh phẫn nộ: “Họ nói như vậy là báo cáo không chính xác. Cả đời đã bao giờ họ đến nhà thông báo cho gia đình tôi rằng được tái định cư, dù theo luật họ phải họp bàn, lấy ý kiến, dẫn chúng tôi ra tận nơi xem đất. Sau này họ cưỡng chế, em trai tôi dựng lều sinh sống tới tận bây giờ, cũng đã bao giờ họ đến chỉ cho em tôi rằng nhà tôi có đất tái định cư, ra đó mà ở?”.
Ngay trong Quyết định 3797/QĐ-UBND trả lời khiếu nại cụ Mai nêu trên, UBND TP Biên Hòa cũng bộc lộ nhiều sai sót khác, ví dụ cho rằng UBND xã đã tống đạt quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, thông báo nhận tiền, bảng chiết tính cho cụ Mai. Chứng cứ là “tại danh sách có bà Huỳnh Thị Ngọc Chi (con gái cụ Mai) ký tên nhận”.
Bà Ngọc Anh tố cáo: “Họ nói như vậy là “lập lờ đánh lận con đen”. Mẹ tôi chưa từng ủy quyền cho em Ngọc Chi trong vụ việc. Và em Ngọc Chi có một phần đất khác không liên quan đến đất mẹ tôi cũng bị dự án thu hồi, nên em tôi ký cho bản thân em, chứ không có quyền và không ký thay mẹ. Vậy mà họ vẫn dựng đứng câu chuyện lên như thế”.
Cứ tưởng theo luật, thu hồi đất trong trường hợp này không dễ, nhưng thực tế lại khác. Thậm chí cơ quan chức năng không một lần đến gặp cụ Mai vận động thuyết phục, địa phương vẫn ra quyết định cưỡng chế và chỉ sau 12 ngày kể từ ngày ký quyết định này, cuộc cưỡng chế đau thương đã diễn ra. Bà Ngọc Anh kể lại: “Họ bất ngờ ập đến đập phá. Cứ nghĩ rằng luật quy định sau 15 ngày kể từ khi tống đạt quyết định thì mới có quyền cưỡng chế. Ai ngờ họ bất chấp luật pháp, chúng tôi không kịp trở tay”.
Tết Nguyên đán cận kề, sáng 28/1/2015 (tức mùng 9 tháng Chạp), lực lượng chức năng phong toả hiện trường, đuổi hết người trong doanh nghiệp cụ Mai, điều máy móc san bằng tất cả. Thời điểm này, trang trại đang nuôi hàng chục tấn cá, hơn 3.000 con gà trọng lượng khoảng 2kg, hàng chục con heo… bán Tết.
Cuộc cưỡng chế trái luật bị cụ Mai gọi là “cuộc cướp phá” vì mọi tài sản từ con gà, con vịt đến đồ đạc trong nhà, đoàn cưỡng chế mang đi đâu không rõ. Nhiều tỷ đồng xương máu “bốc hơi”, đến nay cụ chưa được nhận lại một món.
Tại một buổi đối thoại sau này, doanh nghiệp cụ Mai đã đề nghị chính quyền phải trả lại tài sản cho gia đình cụ. Lúc này phía UBND TP Biên Hoà là ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Trung tâm phát triển quỹ đất TP trả lời rất lòng vòng khó hiểu: “Quá trình tiến hành cưỡng chế, Ban cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định, Ban cưỡng chế có ghi nhận tải sản sau cưỡng chế của gia đình cụ Mai…, tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn của tỉnh về tài sản sau cưỡng chế”.
Một điều ai cũng biết là sau cưỡng chế, địa phương phải kiểm kê và trả lại tài sản, nhưng họ đã không làm. Mồ hôi nước mắt bao năm doanh nghiệp cụ Mai gây dựng đã bị lấy đi, nhưng UBND TP Biên Hoà vẫn một mực “Ban cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định”, nghĩa là sao?
Và bất chấp những dấu hiệu sai phạm nói trên, địa phương vẫn một mực cho rằng mình đúng. Trong cuộc đối thoại hồi tháng 10/2015, ông Lại Thế Thông, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa vẫn cho rằng: “Trường hợp thực hiện thu hồi đất, tính toán bồi thường, hỗ trợ cho gia đình cụ Mai đảm bảo đúng quy định… Nội dung đơn cụ Mai khiếu nại không có cơ sở xem xét, giải quyết”, các yêu cầu của cụ Mai “không có cơ sở”…
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin