Xử lý trong tháng 9/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9 năm nay. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9 phương án xử lý SCB, không để chậm trễ hơn nữa. Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. NHNN phải có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp với ban lãnh đạo NHNN hôm 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cơ quan này sớm trình phương án tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, trong đó có SCB.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, SCB phải ‘đúng thẩm quyền, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản Nhà nước, trục lợi chính sách’. Hoạt động tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất.
Liên tiếp chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo về việc chấm dứt hoạt động của 3 phòng giao dịch trên địa bàn TPHCM. Theo đó, kể từ ngày 21/7, SCB tiếp tục đóng cửa thêm 2 phòng giao dịch, gồm: Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5) và Phòng giao dịch Trần Quang Khải thuộc chi nhánh Tân Định (số 170 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1).
Ngoài ra, kể từ ngày 14/7, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Minh Khai thuộc chi nhánh Cống Quỳnh (số 316 - 318 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3).
Trong thông cáo phát đi, SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại 3 phòng giao dịch trên đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch hiện hữu của SCB.
Trước đó, vào đầu tháng 7, SCB cũng đã phát đi thông cáo về việc chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch tại TPHCM.
Cụ thể, căn cứ theo các công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/5, SCB chấm dứt hoạt động và giải thể Phòng giao dịch Bàu Cát thuộc chi nhánh Thống Nhất, Phòng giao dịch Nhà Rồng thuộc chi nhánh Sài Gòn, Phòng giao dịch Cô Giang thuộc chi nhánh Cống Quỳnh.
Trong tháng 6, SCB cũng thông báo đóng cửa hoạt động 3 phòng giao dịch, gồm Phòng Giao dịch Hưng Dũng chi nhánh Nghệ An, Phòng Giao dịch Thành Công chi nhánh Hai Bà Trưng (cùng ở TP Hà Nội), Phòng Giao dịch quận 1 chi nhánh Cống Quỳnh.
Vào đầu tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.