Ghi nhận lúc 13h45, vàng miếng SJC đã giảm nhẹ sau khi vọt tăng mạnh với mức điều chỉnh lên tới 3,2 - 3,5 triệu đồng/lượng vào cuối giờ sáng. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC hiện niêm yết giao dịch tại 70,4 - 72,4 triệu đồng/lượng, tăng 2,4 triệu đồng ở chiều mua và 3,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với giá chốt phiên chiều qua.
Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji niêm yết tại 70,2 - 72,2 triệu đồng/lượng, tăng 2,45 triệu đồng chiều mua và 2,9 triệu đồng ở chiều bán.
Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào-bán ra ở mức 55,83 - 57,03 triệu đồng/lượng. Nhẫn vàng Phú Quý 24K được niêm yết 55,9 - 56,9 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa chiều mua và bán lên tới 2 triệu đồng/lượng, cao hơn rất nhiều so với mức bình thường. Tính trong một tuần qua, giá bán vàng miếng SJC đã tăng 5,5 triệu đồng/lượng.
Nếu mua vàng ở thời điểm tháng 10/2021 khi giá dao động quanh vùng giá 57 - 58 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC hiện nay đã thu lãi khoảng 12 - 14 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, giá vàng thế giới đầu giờ chiều cũng lùi về 1.992 USD/ounce sau khi tiến sát mốc 2.000 USD/ounce vào cuối giờ sáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng thế giới đã lập đỉnh lịch sử 1.964 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8 năm 2020. Giá kim loại quý thế giới tăng nhanh trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục là kênh trú ẩn an toàn bất chấp thông tin từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất cơ bản từ tháng 3 này.
Theo một số chuyên gia, chừng nào căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu còn tăng, giá vàng sẽ còn hưởng lợi. Thêm vào đó, lạm phát Mỹ tăng cao cũng tiếp thêm đà tăng cho vàng với vai trò là kênh trú ẩn phòng ngừa lạm phát.