Thị trường thế giới
Tiếp nối thành quả tháng 4 đạt được tốt nhất trong nhiều thập kỷ qua, chứng khoán toàn cầu khởi đầu tháng 5 khá thuận lợi.
Hỗ trợ đà tăng trong tuần vừa qua chủ yếu nhờ vào việc tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến, bên cạnh đó là việc Mỹ - Trung nhất trí thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại bất chấp “trò chơi đổ lỗi” giữa đại dịch. BlackRock, quỹ đầu tư, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới nhận định, đã tới thời điểm nhà đầu tư dài hạn bán trái phiếu và mua vào các tài sản rủi ro cao hơn như chứng khoán, tài sản nợ tại các thị trường mới nổi.
Với mức tăng mạnh trong tháng 4 và tuần đầu tháng 5 vừa qua, nhiều thị trường đã bước ra khỏi thị trường giá xuống (Bear market), thậm chí Nasdaq Composite đã xóa sạch đà giảm sâu trong năm nay, khi các cổ phiếu công nghệ nới rộng đà tăng mạnh gần đây, trong khi nhà đầu tư dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ sớm mở cửa trở lại.
Phố Wall ghi nhận đà tăng mạnh từ mức thấp trong tháng 3 khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào việc mở cửa lại nền kinh tế và nhiều công ty công nghệ có doanh thu vững chắc, ngay cả khi ngừng hoạt động. Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số đều ghi nhận diễn biến khả quan. Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 2,5% và 3,5% trong khi Nasdaq nhảy vọt 6%. Trong hai tuần liền trước, cả ba chỉ số đều suy giảm. Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng việc làm việc bị mất trong 6 tuần qua đạt mức cao kỷ lục 30,3 triệu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ 4,4% lên 14,7% đánh dấu cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết dường như điều tồi tệ nhất đã qua.
Giới đầu tư hy vọng vào những điểm sáng từ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 đến dữ liệu thương mại từ Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu tốt hơn dự báo trong tháng 4/2020. Theo đó, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan công bố hôm thứ Năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% trong tháng 4, trái ngược hoàn toàn với dự báo sụt 15,7% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Dữ liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19, được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ vì quốc gia này là một trong những nơi đầu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Trong khi các chuyên gia của Citigroup lên tiếng cảnh báo về sự phục hồi quá nhanh của thị trường, thì JPMorgan và Goldman Sachs lại cho rằng, sự phục hồi này là bình thường, thậm chí thị trường còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo BlackRock, lợi suất trái phiếu ở mức thấp khiến lợi nhuận và khả năng chống đỡ của loại tài sản này sa sút. Khả năng bảo vệ danh mục đầu tư của trái phiếu trong các bối cảnh biến động đã không còn mạnh được như trong quá khứ. Việc thị trường bắt đầu phục hồi sau mức đáy từ đại dịch đang tạo nên cơ hội lớn để cân đối lại danh mục, bán trái phiếu và mua vào cổ phiếu.
Thị trường trong nước
Sau khi tăng tới 16,08% trong tháng 4, Việt Nam đã lọt Top các thị trường có mức tăng tốt nhất trên toàn cầu. Tuần đầu tháng 5, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có sự khởi đầu thuận lợi với mức tăng mạnh 5,8% (tương đương 44,62 điểm) và ở trong Top các thị trường có mức tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua chỉ sau thị trường Argentina và chỉ số NASDAQ của thị trường Mỹ.
Hỗ trợ đà tăng là sự bùng nổ về thanh khoản khi thị trường bứt phá thành công khỏi vùng tích lũy để bước vào sóng tăng mới. Bên cạnh đó, tín hiệu từ khối ngoại cũng hỗ trợ tâm lý thị trường trong tuần vừa qua.
Với việc vượt đỉnh tháng 4, độ rộng thị trường rất tích cực với 205 mã tăng, 155 mã giảm giá và 21 mã đứng giá. Nhóm Vn30 thậm chí có tới 28 mã tăng giá và chỉ 2 mã giảm giá trong tuần vừa qua. Thị trường đã tạo sự lan tỏa rộng khắp ở các nhóm cổ phiếu, ngoài nhóm Vn30 thì nhóm ETF cũng có mức tăng rất tốt, đặc biệt ở nhóm Finlead và FinSelect. Theo đó, nhóm Finlead tăng mạnh nhất ở mức 7,05%, tiếp đến là nhóm Finselect tăng 6,82%, nhóm Diamond tăng 4,68%. Ngoài ra nhóm Midcap và Smallcap tăng lần lượt 1,65% và 1,14%.
Cổ phiếu nhóm Vingroup đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN-Index với VHM và VIC tăng lần lượt 11,48% và 6,09% qua đó đóng góp 12,39 điểm trong mức tăng 44,62 điểm của thị trường. Ngoài nhóm Vingroup thì nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB tăng 8,09% đóng góp 5,82 điểm, BID tăng 6,74% đóng góp 2,76 điểm, TCB tăng 9,88% đóng góp 1,7 điểm. Các mã vốn hóa lớn khác như GAS, VNM, SAB cũng đóng góp lần lượt 3,39 điểm, 2,98 điểm và 1,65 điểm vào mức tăng của thị trường.
Dòng tiền đã có sự quay lại mạnh mẽ ở nhóm ngân hàng khi nhiều mã đã tăng trần trong phiên cuối tuần vừa qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều nhất trong mức tăng của VN-Index như VCB, BID, TCB và trong mức tăng của Vn30 với VPB và TCB.
Nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm dầu khí (9,23%), Vingroup (8,37%), ngân hàng (7,02%), ….đã bù đắp cho các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi như hóa chất (-1,22%), nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công (-1,59%),….
TTCK đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá nhiều nền kinh tế trên thế giới. Riêng đối với TTCK Việt Nam, việc kiểm soát tốt dịch bệnh kèm theo việc mở cửa lại các địa điểm công cộng, các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ…, đã và đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tốt hơn.
Tâm lý nhà đầu tư tích cực, đặc biệt thị trường liên tục bứt phá tăng điểm khi khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch được nhiều tổ chức kinh tế đánh giá cao. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
Về xu hướng dòng tiền
Dòng tiền mới đổ vào thị trường, thanh khoản tuần vừa qua tăng mạnh trong đó phiên cuối tuần bùng nổ mạnh mẽ, giá trị khớp lệnh bình quân đạt trên 3.762 tỷ đồng, cao hơn với mức bình quân kể từ đầu năm cho tới nay.
Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.973 tỷ đồng, tăng 20,1% so với tuần trước đó. Thanh khoản nhóm Smallcap và nhóm Midcap đã giảm nhiệt với mức giảm lần lượt 1,8% và 3,9% và dòng tiền chuyển dịch đến các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond tăng 28,1%, nhóm Finlead tăng 27,1%, nhóm Finselect tăng 25,8%.
Về giao dịch của khối ngoại
Tín hiệu tích cực trong tuần vừa qua là khối ngoại giảm bán và trở lại mua ròng trong phiên cuối tuần, kết thúc 26 phiên bán ròng liên tiếp trước đó. Tuy vậy, trong tuần vừa qua họ đã bán ròng tổng cộng 2.627 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh chỉ là 370 tỷ đồng, đây cũng là tuần bán ròng thấp nhất trong 12 tuần vừa qua trên sàn HSX.
Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng ở nhóm cổ phiếu thực phẩm, VN Diamond, Xây dựng & VLXD, cao su tự nhiên và dược phẩm so với ở tuần trước đó chỉ có 4 nhóm mua ròng.
Chiến lược đầu tư
Tiếp tục nắm giữ đối với các danh mục đang sinh lời ngắn hạn đồng thời xem xét chốt lời dần các nhóm cổ phiếu midcap hoặc penny đã tăng nóng sang nhóm cổ phiếu Bluechips. Chiến lược trading ngắn hạn xem xét chốt lời T+3 đến T+5 khi hàng về tài khoản đã có lãi. Đối với danh mục trung hạn, có thể chờ đợt các vùng phản ứng của VN-Index tại các vùng kháng cự mạnh như 860-900 có thể xem xét chốt lời và chờ đợt cơ hội giải ngân trở lại ở vùng thấp hơn.
Cơ hội đầu tư
Nhóm cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi Covid-19 và có tăng trưởng KDKQ Q1 như Công nghệ, Thực phẩm, Bán lẻ, SX&PP Điện, Cung cấp nước sạch; Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công (xây dựng, VLXD), Nhóm cổ phiếu BĐS khu CN, hưởng lợi từ các FTAs như Thủy sản…
Ở kịch bản lạc quan, MBS nhận định VN-Index duy trì xu hướng tăng đến vùng 820-850 điểm.
Với kịch bản này, MBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ hoặc tăng tỷ trọng số lượng cổ phiếu đã có sẵn hàng T+, chờ chốt lời khi cổ phiếu hồi phục và sát các vùng kháng cự mạnh.
(Nguồn: MBS)