Mary Barra hiện là CEO và Chủ tịch của General Motors (GM). Bà được coi là người phụ nữ hiếm hoi nắm quyền lực của một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ.
Barra đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại GM, bắt đầu là một thực tập sinh 18 tuổi khi bà lấy bằng cử nhân về kỹ thuật điện tại Đại học Kettering - lúc đó vẫn còn được gọi là Học viện General Motors.
Kể từ đó, Barra trải qua 14 vị trí khác nhau trên nấc thang sự nghiệp. Từ "sinh viên thực tập tại Bộ phận Mô tô Pontiac" năm 1980, đến vị trí chủ tịch và CEO mà bà đã nắm giữ gần bốn năm nay.
Trong đó, bà cũng đã từng nắm vị trí trưởng phòng nhân sự toàn cầu của GM. Nói về kinh nghiệm tuyển dụng, Barra tiết lộ bà luôn dành cho ứng viên 3 câu hỏi liên tiếp, đó là:
1. Hãy thử đoán xem đồng nghiệp sẽ miêu tả về bạn như thế nào? Trả lời bằng ba tính từ.
2. Hãy thử đoán xem người quản lý/trưởng nhóm sẽ miêu tả về bạn như thế nào? Trả lời bằng ba tính từ.
3. Hãy thử đoán xem cấp dưới sẽ miêu tả về bạn như thế nào? Trả lời bằng ba tính từ.
"Bạn sẽ không muốn tuyển một nhân viên kém hòa hợp với một trong ba lớp người: cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới. Lý tưởng nhất, hãy tuyển những người biết đối xử một cách bình đẳng. Hay nói cách khác, họ biết cách duy trì một thái độ nhất quán với cả ba nhóm đối tượng trên. Đây chính là mẫu người sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp."
Barra cho biết bà cũng tìm kiếm bốn thuộc tính riêng biệt trong bất kỳ ứng viên xin việc nào, theo Quartz:
Thứ nhất, nữ CEO General Motors đề cao sự chính trực, liêm chính của mỗi nhân viên. Bà coi đây là một yêu cầu bắt buộc.
Thứ hai, mỗi nhân viên phải có khả năng làm việc nhóm
Thứ ba, có khả năng "hoàn thành mọi việc thông qua sức ảnh hưởng, không chỉ là sức mạnh thứ bậc".
Cuối cùng là năng lực kỹ thuật và niềm đam mê đặc biệt cho ngành công nghiệp ô tô.
Cả bốn phẩm chất trên đều có trong phong cách quản trị nhân sự của Mary Barra. Bà là vị lãnh đạo duy nhất có khả năng biến quy định trang phục dài 10 trang giấy thành hai dòng có nội dung ngắn gọn: "Nhân viên General Motors phải ăn mặc phù hợp". Nghe thì rất đơn giản, nhưng điều đó đã thể hiện sức ảnh hưởng của một vị lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm. Phương pháp "3 câu hỏi" nêu trên sẽ phần nào khắc hoạ nên tính cách và tư duy của ứng viên, từ đó giúp người tuyển dụng đưa ra quyết định chính xác.