Năm 2010, Payal đang làm việc cho hãng thu âm lớn trên toàn cầu Warner Music Group tại New York và cô đã được truyền cảm hứng kinh doanh sau một kỳ nghỉ ở miền bắc California.
Cô nói: "Tôi đến San Francisco và gặp rất nhiều doanh nhân. Tôi nghĩ sẽ ra sao nếu mình nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh phù hợp. Chính vì vậy, tôi đã tự cho mình hai tuần để làm điều đó".
May mắn thay, Payal chỉ mất 36 giờ để hoàn thành thử thách. Cô vốn là một vũ công và rất đam mê rèn luyện thể dục. Tuy nhiên, cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký lớp học múa ba lê ở New York.
Sau hàng tiếng đồng hồ tham khảo nhiều trang web khác nhau nhưng vẫn không tìm được lớp, Payal nảy ra ý tưởng tạo ra một trang web tập hợp các lớp học nhảy và tập thể dục của khắp thành phố và cho phép người dùng đặt lịch hoặc đăng ký trước một cách dễ dàng. Cô sẽ tính phí hoa hồng đối với các lớp học mỗi lần lịch được đặt thành công.
Sau sáu tháng nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về ý tưởng kinh doanh của mình, đến tháng 1/2011, Payal đã nghỉ việc để tập trung phát triển ClassPass. Đến nay, nó đã trở thành một công ty trị giá 470 triệu USD và hoạt động ở khắp nước Mỹ cùng một số quốc gia khác như Anh, Canada và Úc.
ClassPass hiện đã có mặt tại hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Theo ước tính của tạp chí Forbes, tài sản cá nhân của Payal hiện khoảng hơn 50 triệu USD. Tuy thành công nhưng trong suốt quá trình kinh doanh, nữ doanh nhân 35 tuổi đã phải nỗ lực hết mình để tìm ra mô hình tốt nhất.
Ban đầu, ClassPass có tên là Classtivity và Payal đã phải vay 500.000 USD từ gia đình, bạn bè để kinh doanh. Thế nhưng, sự ra mắt của Classtivity năm 2012 là một khởi đầu thất bại bởi doanh số quá thấp.
Đến năm 2013, Payal quyết định ngừng dịch vụ đặt lịch riêng lẻ, thay vào đó, cô đổi tên Classtivity thành ClassPass và chuyển sang mô hình đặt theo gói. Đầu tiên, ClassPass đưa ra gói 20 lớp/tháng nhưng sau đó giảm xuống còn 10 lớp vì nhận ra rằng hầu hết mọi người không có nhiều thời gian để tham gia 20 lớp.
Hiện nay, các gói lớp học được bán dựa trên cơ sở người đăng ký và thay vì chỉ được đặt một số lớp nhất định mỗi tháng, người dùng được cấp điểm tín dụng từ 25 đến 100 điểm.
Một lớp càng đắt tiền hoặc được yêu thích nhiều thì người dùng ClassPass sẽ phải trả nhiều điểm tín dụng hơn để tham gia. Ví dụ một lớp yoga gần đủ học viên sẽ tương đương 9 điểm, còn lớp vắng hơn sẽ chỉ khoảng 4 điểm mà thôi.
Tuy việc thay đổi mô hình kinh doanh đôi lúc vấp phải sự phản đối của người dùng nhưng Payal cho rằng điều đó rất cần thiết để công ty của cô có thể đạt được hiệu quả tài chính tốt nhất.
Trong một vài năm trở lại đây, ClassPass đang ngày càng trở nên phổ biến. Công ty cho biết họ đã xử lý gần 60 triệu lượt đăng ký lớp học qua trang web và ứng dụng của mình. Đến nay, đã có 14.000 phòng tập, lớp dạy nhảy và các đơn vị tương tự có tên trong danh sách của ClassPass. Dù không tiết lộ doanh thu hàng năm nhưng công ty của Payal đã huy động được hơn 173 triệu USD từ các nhà đầu tư trong đó có cả Google.
Để mở rộng hoạt động hơn nữa, ClassPass đã cung cấp thêm dịch vụ đặt lịch chăm sóc da mặt, châm cứu, mát xa và trong tương lai sẽ là các lớp nhiếp ảnh và thủ công.
Kế hoạch sắp tới của nữ CEO 35 tuổi là tập trung vào sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh marketing. Ngoài ra, cô cũng dành thời gian để giúp điều hành Sa Dance, một công ty dạy các điệu nhảy truyền thống của Ấn Độ.