Ngày pháp luật

Chị Nguyễn Thị Hương: “Nhượng quyền là bàn đạp cho những cuộc chinh phạt”

An Hiên

"Zenda đã và đang từng bước xây dựng các chiến lược cụ thể đưa thương hiệu Zenda ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, phát triển hệ thống nhượng quyền là tiền đề vững chắc cho “những cuộc chinh phạt” xa hơn của chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Zenda Việt Nam chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hương: “Nhượng quyền là bàn đạp cho những cuộc chinh phạt” - Ảnh 1

 Chị Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Zenda Việt Nam

 
Chúng tôi đã xây dựng một quy trình làm việc chuyên nghiệp, được quản lý đồng bộ và kiểm soát trực tiếp từ công ty mẹ, đảm bảo sự thống nhất và chuyên nghiệp của Zenda Việt Nam trong mắt khách hàng

Để phát triển thương hiệu lớn mạnh cũng như khẳng định vị thế trên thị trường, Zenda Việt Nam đã xây dựng cho mình chiến lược cụ thể gì, thưa chị?

Theo xu hướng phát triển chung hiện nay, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, đẩy mạnh và phát triển thương hiệu thì con đường ngắn nhất đó chính là nhượng quyền. Zenda cũng đang trong quá trình xây dựng và triển khai nhượng quyền cho các đại lý tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Dựa trên những tiềm lực vốn có cùng với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà thị trường mang lại, chúng tôi đang sở hữu một mô hình chuyển nhượng quy mô và chuyên nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có 28 đại lý trải khắp các khu vực miền Bắc.

Trong rất nhiều hình thức kinh doanh, lý do gì khiến chị quyết định lựa chọn hình thức nhượng quyền để mở rộng và phát triển thương hiệu Zenda?

Dưới góc nhìn của một công ty nhượng quyền, tôi thấy rằng những ưu điểm mà hoạt động này mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Với hình thức kinh doanh nhượng quyền, chúng tôi có thể giảm thiểu được nhiều chi phí về vốn, nhân lực cũng như những rủi ro nhất định về hàng hóa sản xuất và phân phối.

Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại cũng mang đến những nỗi lo tiềm ẩn. Đó là sự cần thiết phải duy trì, kiểm soát đối với tất cả các đại lý thuộc hệ thống để đảm bảo sự đồng bộ nhất về quy trình sản phẩm, dịch vụ khi đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, không thể tránh được trường hợp khi hợp đồng chuyển nhượng chấm dứt, một số công ty hoặc đại lý nhận quyền sẽ lợi dụng kiến thức có được và chỉ thay đổi chút ít về tên thương hiệu để tiếp tục kinh doanh. Một nguy cơ cũng rất lớn khác đó là các đại lý nhận quyền có thể phá hủy hình ảnh khi xảy ra những khúc mắc hoặc không tuân thủ quy định như trộn lẫn các sản phẩm không chất lượng gắn mác của công ty mẹ.

Chị Nguyễn Thị Hương: “Nhượng quyền là bàn đạp cho những cuộc chinh phạt” - Ảnh 2

 

Như vậy có thể thấy rằng nhượng quyền cũng giống như “con dao 2 lưỡi”, lợi nhiều mà hại cũng không ít. Vậy làm thế nào để Zenda có thể phát huy mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực từ phương pháp nhượng quyền này?

Khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, tôi đã nhìn rõ được những bất cập và nguy cơ tiềm ẩn khi mà việc tuân thủ của phía đại lý sau ký kết hợp đồng có thể sẽ không cao. Chính vì vậy, việc đón đầu những rủi ro và kiểm soát rủi ro luôn được Zenda Việt Nam đặt lên hàng đầu.

Hiểu rõ những thách thức này, Zenda đã xây dựng một quy trình làm việc chuyên nghiệp, được quản lý đồng bộ và kiểm soát trực tiếp từ công ty mẹ. Mọi hoạt động từ xuất/nhập hàng, giao nhận, marketing đến phần mềm quản lý, thái độ và kỹ năng bán hàng của nhân viên đều được chúng tôi chuyển giao, kiểm soát từng khâu rõ ràng. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động với các đại lý, công ty luôn có những quy định xử phạt rõ ràng, dứt khoát với sự cố hoạt động hay phản hồi từ khách hàng. Tất cả đảm bảo sự thống nhất và chuyên nghiệp của Zenda Việt Nam trong mắt khách hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nhượng quyền thương mại tại Việt Nam tuy sôi động nhưng tính hiệu quả và chuyên nghiệp chưa cao. Vậy làm thế nào để Zenda Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã áp dụng rất thành công hình thức kinh doanh này?

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ là những tân binh trên sân chơi nhượng quyền. Chúng ta đi sau thế giới cả một bước dài, chính vì vậy việc loay hoay tìm hướng đi đúng đắn khi áp dụng mô hình này là điều khó tránh khỏi. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung quá nhiều vào phát triển số lượng, doanh thu, cốt để nhanh chiếm thị trường và lợi nhuận, từ đó gần như bỏ quên việc phải xây dựng một mô hình chuyển nhượng chuẩn cho doanh nghiệp của mình.

Chị Nguyễn Thị Hương: “Nhượng quyền là bàn đạp cho những cuộc chinh phạt” - Ảnh 3

 

Việc quản trị sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như quản trị nội bộ về vận hành, quản lý theo chuẩn hệ thống hóa và chuyên nghiệp hóa thì doanh nghiệp làm một cách hời hợt. Đó chính là điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp chưa đi được nhanh và mạnh trong hoạt động này.

Tuy nhiên, những điều trên không được phép bỏ quên khi Zenda Việt Nam bước chân vào mô hình kinh doanh nhượng quyền. Đó cũng chính là “chìa khóa vàng” để thương hiệu Zenda Việt Nam có thể nhượng quyền được bền vững và thành công hơn. Chúng tôi có ba tôn chỉ chính cho hoạt động nhượng quyền đó là: Xây dựng thương hiệu mạnh; Chuyên nghiệp trong hệ thống quản lý chuyển giao;  Ý thức tuân thủ pháp lý cao giữa các bên tham gia.

Có thể thấy con đường phát triển thương hiệu Zenda tại thị trường Việt Nam đã được chị vạch sẵn một cách rõ nét và cụ thể. Vậy với thị trường thế giới, Zenda có tham vọng vươn ra biển lớn không, thưa chị?

Đưa thương hiệu Zenda ra khỏi lãnh thổ Việt Nam luôn nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn của công ty. Để thực hiện kế hoạch này, Zenda đã và đang từng bước xây dựng những chiến lược cụ thể.

Chúng tôi đã nhìn thấy những tiềm năng to lớn khi thời trang về Jeans và Denim đang có một thị trường rộng mở, nhu cầu và sức tiêu thụ rất lớn. Chính vì vậy, ngay từ nội tại, chúng tôi đang tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực. Thêm vào đó, chúng tôi đang xây dựng những nền tảng về thương hiệu và tiếp thị, vận hành và cung ứng, nhân lực và đào tạo cũng như phát triển hệ thống nhượng quyền nhằm tạo tiền đề vững chắc cho “những cuộc chinh phạt” xa hơn.

Khi có được tiền đề vững chắc này, chúng tôi sẽ dễ dàng xâm nhập và nghiên cứu thị trường tại những khu vực tiềm năng, mở rộng hơn thương hiệu Zenda ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc Zenda Lào trở thành đại lý nhượng quyền đầu tiên của Zenda ngoài lãnh thổ Việt Nam chính là  minh chứng cho chiến lược dài hạn mà chúng tôi đang theo đuổi.

Tin Cùng Chuyên Mục