Số người dùng của Zoom theo đó đã vượt mốc 300 triệu, tăng 50% so với mốc 200 triệu so với hồi đầu tháng 4, đồng thời cũng là bước nhảy vọt lớn từ mốc chưa đến 10 triệu hồi vào tháng 12/2019. Theo Zoom, sự tăng trưởng trên là từ số người tham gia cuộc họp trực tuyến hàng ngày.
Với tốc độ thần tốc trên, sau khi được Zoom công bố, cổ phiếu của hãng đã tăng tới 11% trong phiên giao dịch ngày 23/4.
Đáng chú ý, số người dùng trên được Zoom công bố ở thời điểm hãng chuẩn bị phát hành phiên bản mới trong tuần này để giải quyết các mối lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư.
Cụ thể bản cập nhật 5.0 bao gồm mật khẩu theo mặc định, mã hóa được cải thiện và biểu tượng bảo mật mới để kiểm soát các cuộc họp, đảm bảo được việc truy cập vào cài đặt an toàn hơn.
“Nền tảng của công ty đang cung cấp một dịch vụ rất có giá trị đối với người dùng trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới phải áp dụng lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19”, Tổng giám đốc điều hành Zoom Eric Yuan cho biết.
Mặc dù phát triển thần tốc, trong đó có Việt Nam, nhưng Zoom cũng đang bị nhiều quốc gia cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin cá nhân người dùng và việc gửi dữ liệu về máy chủ đặt tại Trung Quốc, và khuyến cáo người dân, tổ chức không nên sử dụng.
Riêng tại Việt Nam, hôm 14/4, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông đã có công văn cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom gửi các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước; doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính và các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, thuộc Cục An toàn thông tin) cho biết đã ghi nhận hơn 500.000 tài khoản Zoom bị lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.