Ngày pháp luật

ChatGPT - nên mừng hay lo?

Diệu Bảo

ChatGPT là công cụ trí tuệ nhân tạo đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận trong nước và trên thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà công cụ này mang lại, nhiều quốc gia đã và đang tỏ ra thận trọng hơn về việc kiểm soát ChatGPT trước những nguy cơ về mất an toàn bảo mật thông tin, lo ngại gian lận thi cử…

“Sức hút” của ChatGPT nằm ở đâu?

Mặc dù không phải công cụ trợ giúp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên, nhưng khác với công cụ tìm kiếm Google hay trợ lý ảo Siri của Apple, ChatGPT của OpenAI có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho phép chúng trò chuyện như con người. ChatGPT tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi đáng kinh ngạc đối với nhiều người dùng. Mô hình này không chỉ có thể trả lời câu hỏi, mà còn hỗ trợ viết email, viết nội dung, viết mã, viết luận. Bởi vậy, chỉ sau 2 tháng ra mắt, từ tháng 11/2022, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử công nghệ.

Kể từ đầu năm 2023, thống kê của Google Trends cho thấy “ChatGPT”, “OpenAI” liên tục nằm trong top từ khoá được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Hiện tại, từ khoá “ChatGPT” đã đạt mốc gần 700 triệu lượt tìm kiếm trên Google. Chưa kể, công cụ này cũng thu hút rất nhiều lượt quan tâm trên các mạng xã hội. Trong các hội nhóm công nghệ, nhiều thành viên chia sẻ danh sách tài khoản OpenAI để mọi người cùng sử dụng. Nhiều người tại Việt Nam đã lên các diễn đàn mạng xã hội nhờ đăng ký, thuê, mua lại tài khoản để được trải nghiệm ChatGPT và có những phản hồi khá tích cực về khả năng ngôn ngữ của công cụ này.

Tưởng chừng cách thức hoạt động của ChatGPT khá đơn giản. Chatbot này nhận câu hỏi hoặc lời kể của người dùng, sau đó phản hồi lại để tạo thành một đoạn hội thoại tự nhiên. Tuy nhiên, để có thể hoạt động như vậy đòi hỏi những thuật toán vô cùng phức tạp.

Được biết, có tổng cộng 570GB đến từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cùng với 300 tỷ từ được đưa vào trong hệ thống. ChatGPT hoạt động dựa trên xác suất, nó dự đoán, phân tích và đưa ra đáp án. Trong trường hợp mô hình trả lời sai thì đáp án đúng sẽ được cập nhật ngay lập tức, từ đó củng cố kiến thức cho hệ thống. Điểm khác biệt của công nghệ này là liên tục “học” ngay cả khi vẫn đang đưa ra dự đoán để tương tác với người dùng.

Lo ngại mất an toàn bảo mật thông tin

Tuy được đánh giá cao bởi khả năng trả lời câu hỏi và tương tác giống con người, “cơn sốt” ChatGPT đang kèm theo hàng loạt nguy cơ về việc bị kẻ xấu lợi dụng, phục vụ cho những phương thức lừa đảo tinh vi hơn. Sau khi ChatGPT xuất hiện, một số “tin tặc” đã lợi dụng khả năng viết code của chatbot này để viết các phần mềm lừa đảo nhằm tấn công và thực hiện ý đồ đánh cắp thông tin trên không gian mạng.

Đáng nói, ChatGPT mới là phiên bản thử nghiệm trên trình duyệt web và chưa được hỗ trợ sử dụng tại Việt Nam. Điều đó càng kích thích nhiều người dùng trong nước tìm mọi cách để dùng thử công cụ AI này, từ đó dịch vụ đăng ký hộ, mua bán tài khoản ChatGPT đang “nở rộ” trên các nền tảng mạng xã hội, với mức giá dao động từ 8.000 - 300.000 đồng. Đáng lo ngại hơn, không ít đối tượng xấu đã lợi dụng trào lưu này để kinh doanh, thu thập dữ liệu cá nhân nhằm trục lợi. Không những thế, hàng loạt phần mềm giả mạo ChatGPT đã xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng của hệ điều hành Android và iOS, như ChatGPT3, ChatGPT - Chat with GPT AI... có tính mức phí hàng trăm nghìn đồng.

ChatGPT thu hút đông đảo lượt quan tâm thời gian qua.
ChatGPT thu hút đông đảo lượt quan tâm thời gian qua.

Bên cạnh đó, người dân đăng ký tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,… thường phải cung cấp các thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, CCCD, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng... Hiện nay, người dùng Việt Nam sử dụng ChatGPT cũng có thể phải cung cấp một số trong những thông tin này để xác nhận, và họ có thể trở thành nạn nhân của hoạt động đánh cắp thông tin và các loại tội phạm mạng khác.

Nhiều nhà cung cấp hệ thống bảo mật trên thế giới như CyberArk, Recorded Future, mới đây đã công bố những phát hiện về việc ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra mã độc đa hình - một chương trình phần mềm độc hại có khả năng lẩn tránh cao, thậm chí có khả năng đánh cắp tiền điện tử hoặc truy cập thông tin cá nhân. Ngoài ra, với khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, ChatGPT có thể được yêu cầu viết ra những email lừa đảo một cách tinh vi và đầy sức thuyết phục, góp phần giúp những đối tượng xấu gài bẫy để đánh lừa người dùng chia sẻ dữ liệu hoặc mật khẩu của hộ.

Theo các chuyên gia, nhiều người dùng đã mắc sai lầm khi quá tin tưởng hoặc phụ thuộc vào ChatGPT. Nếu không có sự sàng lọc về dữ liệu, ChatGPT có thể trở thành công cụ lan truyền tin giả, thông tin lừa đảo, gợi ý tạo ra các mã độc với mục đích xấu, đe doạ đến an toàn bảo mật thông tin của người dùng toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Lạm dụng AI khiến khả năng tư duy bị thui chột?

Mặt khác, khả năng làm luận văn, làm bài tập của ChatGPT cũng đặt ra vấn đề gian lận thi cử trong giáo dục. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận.

Đơn cử, một sinh viên của Trường Đại học Nhân văn Nga đã chia sẻ trên Twitter về việc bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với sự hỗ trợ nhanh chóng của ChatGPT. Cụ thể, anh đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp chỉ trong vòng 23 giờ đồng hồ thay vì nhiều tuần như các sinh viên khác. Điều này đã nhận được phản ứng mạnh từ cộng đồng mạng, một số người đã đệ đơn khiếu nại lên nhà trường và Bộ Giáo dục Nga. Sau đó, trường đã đề xuất các cơ sở giáo dục hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT. Theo các chuyên gia Nga, việc sử dụng hệ thống AI đang được xem là một thách thức mới trong các hoạt động khoa học và giáo dục.

Trước đó, Sở Giáo dục thành phố New York (Hoa Kỳ) cũng đã đưa ra lệnh cấm trên diện rộng việc sử dụng ứng dụng ChatGPT với mục đích cá nhân tại các trường công lập, trừ cấp đại học và các lớp dạy về trí tuệ nhân tạo. Theo giải thích của Sở Giáo dục thành phố, ứng dụng ChatGPT có thể dễ dàng giúp học sinh giải các bài tập và viết luận văn, có thể thúc đẩy hành vi gian dối, khiến khả năng tư duy của học sinh bị thui chột. Trong khi đó, mục dích của giáo dục tại các trường học là trang bị cho các em học sinh tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề - những yếu tố cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống của chính các em.

Khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên là điểm thu hút của công cụ này.
Khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên là điểm thu hút của công cụ này.

Đáng nói, một vụ việc mới đây đã làm “nóng” lên các tranh luận về sử dụng AI trong lĩnh vực pháp lý. Cụ thể, một thẩm phán ở thành phố Cartagena (Columbia), đã sử dụng ứng dụng ChatGPT để đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện công ty bảo hiểm từ chối thanh toán chi phí điều trị y tế, trị liệu và di chuyển cho bé trai mắc chứng tự kỷ. Theo tờ Guardian (Anh), ông Juan Manuel Padilla đã đặt ra nhiều câu hỏi với ChatGPT, trong đó có câu “Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn phí điều trị hay không?”. Câu trả lời của ChatGPT giống với quyết định cuối cùng của thẩm phán: “Vâng, điều này đúng. Theo quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ được miễn trả phí cho các liệu pháp điều trị”.

Sau vụ việc này, vị thẩm phán đã phải đón nhận sự chỉ trích từ dư luận và đồng nghiệp. Nhiều chuyên gia khẳng định, ChatGPT không thật sự là nguồn tham khảo tốt để ra quyết định trên tòa. Mặc dù vào năm 2022, Colombia đã thông qua luật cho phép các luật sư công ứng dụng công nghệ nếu có thể, để hỗ trợ công việc của họ hiệu quả hơn, nhưng ChatGPT chưa thể thay các thẩm phán ra quyết định.

Liên tục các vụ việc, bê bối liên quan đến việc lạm dụng ChatGPT đã “gióng lên” hồi chuông cảnh báo cho các nhà chức trách trên toàn cầu. Mới đây, Ủy viên thị trường nội bộ của Liên minh Châu Âu (EU) Breton Thierry cho biết, EU sẽ cần phải đưa ra các quy tắc mới cho công nghệ AI trước sự nổi lên nhanh chóng của các công cụ hỗ trợ thông minh như ChatGPT. Ông Thierry khẳng định cần nhanh chóng có quy định và các tiêu chuẩn toàn cầu cho ngành công nghiệp AI: “Mọi người sẽ cần được thông báo rằng họ đang làm việc với một chatbot chứ không phải con người. Tính minh bạch cũng rất quan trọng đối với nguy cơ sai lệch và thông tin sai lệch”.

Tin Cùng Chuyên Mục