Hôm 19/11, Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật Bản với cáo buộc gian lận tài chính nghiêm trọng trong nhiều năm. Nissan cho biết cuộc điều tra nội bộ phát hiện bằng chứng cho thấy ông Ghosn đã khai thiếu thu nhập và lạm dụng tài sản công ty. Ban Giám đốc Nissan được đề nghị loại ông khỏi ghế Chủ tịch. Ngoài Nissan, ông Ghosn còn là Chủ tịch Renault và Mitsubishi.
Cả ba công ty hợp tác cùng nhau trong liên minh toàn cầu hùng mạnh. Ông Ghosn là thế lực đứng sau liên minh này. Tổng cộng, họ có 470.000 nhân viên, 122 nhà máy và bán hơn 10 triệu xe trong năm 2017. Rebecca Lindland, nhà phân tích cao cấp của Cox Automative, nhận xét “ông ấy chính là liên minh. Ông ấy là trí tuệ thiên tài đứng sau tất cả và đặt ra các quy tắc để điều hành những công ty riêng rẽ này”.
Ông Ghosn bắt đầu sự nghiệp tại Michelin trước khi kinh qua nhiều vị trí tại Renault. Ông là người dẫn dắt cuộc đại cấu trúc tại hãng sản xuất xe hơi trục trặc của Pháp, biến nó trở nên có lãi và được mệnh danh là “sát thủ chi phí”.
Vị lãnh đạo sinh tại Brazil, gia nhập Nissan năm 1999 khi hình thành liên minh với Renault nhưng ông vẫn duy trì công việc tại Renault như một phần của thỏa thuận bất thường. Ông cũng có công thay đổi bộ mặt cho Nissan và trở thành CEO năm 2001.
Làm hay chết?
Trong bài báo viết cho tạp chí kinh tế Harvard Business Review năm 2002, ông Ghosn cho biết xoay chuyển Nissan là nhiệm vụ khó khăn nhất. Ông so sánh khó khăn của Nissan với những gì đã đối mặt tại Michelin và Renault: "Nissan là thứ gì đó hoàn toàn khác. Nói một cách văn vẻ, nó ở trong tình trạng làm hay là chết: hoặc chúng tôi có thể vực dậy hoặc Nissan phải biến mất".
Ông đã thay đổi văn hóa tại Nissan, loại bỏ quy trình thăng chức "sống lâu lên lão làng", sa thải hàng ngàn nhân viên và đóng cửa các nhà máy. "Xoay chuyển tình thế với một công ty như Nissan giống như đua xe F1. Để đạt tốc độ cao nhất, bạn phải phanh và tăng tốc, phanh và tăng tốc mọi lúc. Kế hoạch sống sót… phần nhiều là về tăng trưởng tương lai (tăng tốc) cũng như cắt giảm chi phí (phanh)".
Ông ngồi ghế CEO Renault năm 2005 và là lãnh đạo đầu tiên điều hành hai công ty trong danh sách Fortune 500 cùng một lúc. Hai công ty sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Những năm trở lại đây, ông chuyển sự chú ý sang Mitsubishi. Ông giữ chức Chủ tịch Mitsubishi năm 2016 khi Nissan mua cổ phần chi phối trong Mitsubishi sau bê bối làm giả dữ liệu của hãng xe Nhật Bản. Dự án mới nhất của ông là củng cố mối dây liên kết giữa Renault, Nissan và Mitsubishi. Cấu trúc liên minh cho phép các công ty tập hợp nguồn lực và chia sẻ chi phí, là điều mà các nhà sản xuất xe khác học theo. Các chuyên gia cho rằng liên minh là cần thiết để các hãng xe hơi có thể chống lại việc những ông lớn công nghệ hay thế lực mới như Tesla đổ tiền vào xe điện và xe tự lái.
Ông Ghosn được cho là sẽ từ chức CEO Renault trước khi hết nhiệm kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cáo buộc gian lận có thể đẩy nhanh khung thời gian này và buộc ông từ bỏ quyền kiểm soát liên minh ông lập ra. Theo Renault, Ban giám đốc sẽ được triệu tập sớm để thảo luận về tiết lộ của Nissan. Trong khi đó, Mitsubishi đề xuất ban quản trị nhanh chóng loại ông khỏi vị trí Chủ tịch.
Hôm 19/11, Nissan công bố đã thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng trời đối với ông Carlos Ghosn, 64 tuổi và Greg Kelly một thành viên Ban quản trị khác sau khi nhận được tin mật báo. Công ty phát hiện ông và Greg Kelly đã báo cáo sai thu nhập của bản thân trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch Tokyo. Án phạt tối đa cho hành vi gian lận báo cáo tài chính tại Nhật Bản là 10 năm tù giam và tiền phạt 10 triệu yen (89.000 USD). Nissan cũng phanh phui nhiều hành vi sai trái khác, trong đó có việc sử dụng tài sản công ty cho mục đích cá nhân và lạm dụng ngân sách công ty.