Tuy nhiên, câu chuyện về người sáng lập nên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh và là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới Google, nay là Alphabet, lại gây xúc động hơn nhiều.
Tỷ phú Larry Page, người giàu thứ 10 thế giới trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes với tổng tài sản 53,7 tỷ USD là cha đẻ của đế chế Google và nếu nhìn lại cuộc đời ông, chúng ta có thể thấy thành công là điều tất yếu.
Cậu bé Do Thái nhà nòi
Sinh năm 1973 tại bang Michigan-Mỹ, Larry Page may mắn được nuôi dưỡng trong gia đình Do Thái có bố mẹ đều là những chuyên gia tiên phong thuộc ngành vi tính. Cha của Larry là ông Carl Victor Page, vốn là giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Michigan. Còn mẹ ông dạy môn hệ thống máy tính của trường Lyman Briggs.
Cha của Larry thời đó được đánh giá là một trong những nhà khoa học tiên phong của ngành thời đó.
Như một hệ quả tất yếu, khi máy tính còn là điều mới mẻ thập niên 1970 thì cậu bé Larry đã tiếp xúc rất sớm những sản phẩm này. Hàng loạt các thiết bị máy tính tạp nham của cha mẹ vương vãi khắp nhà trở thành đồ chơi của cậu, kích thích trí tò mò cũng như ngọn lửa đam mê công nghệ của Larry.
Nhớ lại quãng thời gian đó, tỷ phú Larry cho biết mình đã vùi đầu vào những món đồ công nghệ cùng những quyển sách và tạp chí, mầy mò về cơ chế hoạt động của những sản phẩm công nghệ cao.
Ảnh hưởng từ tinh thần luôn học hỏi, mầy mò và sáng tạo của cha mẹ, Larry trở thành một trong những đứa trẻ hiếm hoi thực hiện bài tập về nhà trên phần mềm Word thời đó khi mới học tiểu học. Kể từ năm 12 tuổi, Larry cho biết mình luôn nung nấu ý định sáng chế ra một cái gì đó.
Chính môi trường này đã hình thành nên một Larry đầy ý tưởng sáng tạo sau này.
Bước vào môi trường đại học, Larry tiếp tục tỏa sáng với thành tích học tập ấn tượng ở trường Michigan. Ông luôn xuất hiện trong những nhóm hoạt động xuất sắc của trường cũng như được lên báo trường nhờ thành tích tốt trong mảng công nghệ.
Ngay từ giai đoạn này, Larry đã sáng chế ra rất nhiều dự án mới như hệ thống máy in mực mới, tiền đề cho hệ thống in sản phẩm đồ chơi Lego sau này. Ông cũng là người đề xuất cải tiến hệ thống xe buýt trường học cùng nhiều dự án công nghệ khác khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Vốn là con nhà nòi, Larry hoàn thành bằng tiến sĩ công nghệ tại đại học Stanford và cũng tại đây, ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng về nền tảng tìm kiếm trên mạng Internet thông qua các thuật toán.
Tháng 1/1996, cùng với tiến sĩ Sergey Brin, Larry bắt tay thực hiện dự án công cụ tìm kiếm đầu tiên mang tên BackRub trong kí túc xá trường Stanford. Ông đã tạo ra một thuật toán riêng của mình, lấy tên là PageRank, dùng để chuyển đổi các dữ liệu backlink đến các trang xếp hạng.
Ngay lập tức, BackRub trở thành một công cụ tìm kiếm hữu hiệu và là tiền thân của Google ngày nay. Kể từ đây, hành trình xây dựng lên đế chế công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới bắt đầu.
Khai sinh 1 đế chế
Nhận thấy tiềm năng của dự án, Larry và Brin quyết định khởi nghiệp vào năm 1998 với tên "GooGol", đại biểu cho số 10 mũ 100 trong hệ thập phân, tương đương 100 số 0 theo sau số 1. Con số này biểu tượng cho lượng số liệu mà công cụ tìm kiếm sẽ khai phá. Tuy nhiên do nhầm lẫn đánh máy nên tên công ty bị đặt thành "Google" để rồi trở thành một tượng đài trong làng công nghệ ngày này.
Ban đầu do chẳng có tiền nên Larry đã huy động, vay mượn từ bạn bè cùng gia đình 1 triệu USD cho startup mới này. Văn phòng làm việc của cặp đôi Larry-Brin cũng chuyển từ khuôn viên trường Stanford ra một gara xe hơi nhỏ cho thuê.
Larry Page và Sergey Brin
Do là những người đi tiên phong trong mảng tìm kiếm trên Internet nên sản phẩm của Larry thu hút được sư chú ý vô cùng lớn của các chuyên gia và nhà đầu tư, những người sử dụng chủ lực Internet thời kỳ đó. Việc sử dụng phương pháp lọc kết quả tìm kiếm mới đã giúp Google bành trướng nhanh chóng.
Vào năm 1999, Google đã có 500.000 lượt truy cập mỗi ngày và văn phòng công ty chuyển từ gara xe cho thuê sang một cửa hàng xe đạp ở California với 8 nhân viên. Kể từ đây, Larry và Brin kết thúc thời kỳ đầu gian khó khi phải tự thân vận hành mọi thứ.
Sau đó 7 tháng, Google lớn mạnh hơn và chuyển về một tòa nhà khuất trong một khu văn phòng, cách đường cao tốc gần Mountain View vài dặm. Lúc này, việc điều hành trong nội bộ Google hầu hết nằm trong tay Larry Page, còn Brin chuyên xây dựng chiến lược, thương hiệu và phát triển mối quan hệ giữa Google và các công ty khác.
Đến năm 2000, Google đã trở thành một trong những công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới và hãng dần bành trướng thành một tập đoàn công nghệ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Từ dịch vụ thư điện tử (Gmail) cho đến điện toán đám mây (Google Drive), từ chia sẻ video (Youtube), dịch thuật (Google Translate) cho đến hệ điều hành di động Android mà hầu hết smartphone ngoài iPhone hiện nay đang sử dụng.
Cùng với việc mua lại và sáp nhập, Google đang vươn mình thành một tập đoàn lớn kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Thống kê cho thấy Google.com đang là trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới cũng như là công cụ tìm kiếm số 1 toàn cầu hiện nay.
Năm 2018, số liệu của Statista cho thấy Google (nay là Alphabet) đạt doanh thu 39,12 tỷ USD và gần 99.000 nhân viên chính thức trên toàn thế giới.
Thiên tài khắt khe
Quay trở lại nhân vật chính Larry, ban đầu hầu hết mọi người đều nhận định nhà sáng lập này có tài về công nghệ nhưng lại khá non khi làm quản lý. Nhận định được điểm yếu này nên Larry luôn thể hiện sự khắc nghiệt và thiếu lịch sự khi giao tiếp với các nhân viên.
Trong 1 buổi họp thường niên của công ty, thậm chí ông tuyên bố sẽ sa thải hết tát cả quản lý cấp trung, tạo nên một làn sóng chỉ trích nặng nề từ khối nhân viên khi cho rằng Larry phủ nhận công lao của họ với Google.
Chính bản thân Larry cũng từng thừa nhận mình là người giỏi lên ý tưởng hơn là quản lý bởi tính cách không thích tiếp xúc với nhiều người. Đây là một điểm yếu khá lớn khi nhà lãnh đạo lại chỉ quan tâm đến kết quả công việc mà bỏ qua yếu tố con người.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi sau khi Eric Schmidt xuất hiện, và Larry Page - theo một cách nào đó - đã chuyển giao quyền điều hành lại cho CEO này, tự lui vào hậu trường với đúng công việc mà ông yêu thích: lên ý tưởng cho những điều phi thường.
Trong nhiều năm sau này, Page phát triển Gmail, Google Maps, và đặc biệt là mua lại Android, và biến hệ điều hành này trở thành giá trị lõi thứ hai của mình, bên cạnh Google. Trong khi Android bùng nổ và Page dần trưởng thành trong việc điều hành hệ thống tại Google, thì hoạt động kinh doanh của ông lớn công nghệ trong mảng tìm kiếm và quảng cáo cũng nở rộ dưới sự quản lý của Schmidt. Đến năm 2010, Google đạt vốn hóa thị trường 180 tỷ USD và có 24.000 nhân viên.
Có thể nói, thành công của Page được nhờ rất lớn từ sự giáo dục của cha mẹ. Nếu không có sự vun đắp, kích thích trí sáng tạo từ thời bé thì ngày nay có lẽ chúng ta đã không có Google.