Ngày pháp luật

CEO VPBank: Công ty tài chính không đẩy người nghèo vào nợ nần

Theo VnExpress

Thừa nhận còn thiếu sót nhưng ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng không đáng chịu "tiếng oan" như hiện nay.

Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Đức Vinh, vừa có cuộc trao đổi với VnExpress về những lùm xùm gần đây của Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit, đơn vị do VPBank sở hữu 100% vốn.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phản ánh có tới hơn trăm khách hàng khiếu nại về việc họ không vay tiền vẫn bị FE Credit gọi điện truy nã đòi nợ. Tại sao lại có những chuyện này, thưa ông?

Trước hết, tôi phải thừa nhận quá trình hoạt động của FE Credit, một công ty theo mô hình cho vay tài chính tiêu dùng tiên phong ở Việt Nam, đã phát sinh một số trục trặc, thiếu sót, từ cơ sở dữ liệu khách hàng, chất lượng dịch vụ, đòi nợ.

Về thu đòi nợ, có thể trong quá trình thực hiện, một số nhân viên của VPBank, FE Credit hay nhân viên của các công ty thu nợ do ngân hàng thuê không làm đúng chuẩn mực. 

CEO VPBank: Công ty tài chính không đẩy người nghèo vào nợ nần - Ảnh 1

Một quầy cho vay tiêu dùng của FE Credit tại siêu thị điện máy

Cũng cần nói thêm rằng, "nhà máy" tín dụng của chúng tôi đang xử lý 4 triệu khoản vay với 7 triệu khách hàng, có thể nói là lớn nhất thị trường. Với quy mô ấy, con số hàng trăm sai sót chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Dẫu vậy, chúng tôi hiểu một khiếu nại cũng là quan trọng và chúng tôi cần tiếp thu, rà soát, đào tạo lại nội bộ để đưa tỷ lệ sai sót này về thấp nhất có thể.

Một thông tin khác là vài tháng trước, đội ngũ thu nợ của VPBank và FE Credit có sự xáo trộn. Do tín dụng tiêu dùng đang phát triển mạnh, có thời điểm đến 20-30% nhân sự thu hồi nợ của FE Credit nhảy việc, còn VPBank có giai đoạn hơn 100 trong tổng số gần 800 nhân viên thu hồi nợ xin nghỉ. Đến nay, về cơ bản VPBank đã giải quyết xong vấn đề này. Dù xáo trộn nhân sự, nhưng giá trị lớn nhất của ngân hàng là quy trình, hệ thống thì vẫn được giữ nguyên.

Còn chuyện DeAura, một đối tác dịch vụ làm đẹp của FE Credit bị "tố" ép khách hàng, có cả người thu nhập thấp, kém hiểu biết tín dụng như lao công, đồng nát..., mua sản phẩm, đẩy họ vào cảnh nợ nần thì sao?

Ranh giới giữa ép buộc và thuyết phục có thể mong manh, có những nhân viên bất chấp tất cả để có được khoản vay. Nhưng tôi khẳng định, cho vay bằng mọi giá, ép buộc ai vay tiền, chưa bao giờ là chủ trương, định hướng của VPBank.

Với DeAura, họ chỉ là một trong số hàng trăm đối tác mà FE Credit cung cấp dịch vụ tín dụng. Phần lớn khách hàng DeAura mua sản phẩm qua gói vay FE Credit có nhu cầu làm đẹp thực sự, có thu nhập đủ chi trả. Tuy nhiên, vài trường hợp là do một số bộ phận của DeAura muốn bán được hàng mà làm sai quy trình. VPBank cũng như FE Credit đã và đang có những điều chỉnh để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này.

Dù vậy, cô lao công, đồng nát..., tôi nghĩ họ cũng là phụ nữ, đều có quyền làm đẹp. Vấn đề ở đây là cách tiếp cận khách hàng và cho vay ra sao cho hợp lý chứ không nên nói, người nghèo thì không được vay tín dụng.

Ông vừa nhắc tới một phân khúc khách hàng mà nhiều nhà băng thường né tránh, những người nghèo - thu nhập thấp. Ông nghĩ sao về nhóm khách hàng này?

Cần đặt vấn đề ngược lại, nếu tổ chức tín dụng không cho họ vay thì ai sẽ cho vay, là tín dụng đen chăng?

Tôi cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng đang chịu tiếng oan khi những ý nghĩa tích cực và đóng góp với kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế bị lu mờ bởi một số mặt trái. Rất dễ nhìn thấy các mặt trái, như khía cạnh người dân mang nợ nhiều hơn. Nhưng mặt tích cực là tránh tín dụng đen, đưa hoạt động giao dịch dân sự vào khuôn khổ quản lý và giúp họ tiếp cận những điều mà nếu không được hỗ trợ tín dụng sẽ khó được hưởng.

CEO VPBank: Công ty tài chính không đẩy người nghèo vào nợ nần - Ảnh 2

FE Credit đối mặt nhiều khiếu nại về hoạt động cho vay, thu hồi nợ

Đi làm đẹp cũng là nhu cầu, tại sao lại nghĩ đó chỉ dành cho người giàu? Vấn đề là việc cho vay phải thận trọng hơn, phải có trách nhiệm thông tin cho người đi vay ý thức được về khoản vay và khả năng trả nợ. 

FE Credit trong những năm qua đã góp nửa doanh thu và lợi nhuận cho VPBank, nói cách khác, VPBank quá phụ thuộc vào công ty này. Vậy nếu không có "con gà đẻ trứng vàng" ấy, VPBank sẽ ra sao?

FE Credit là một động lực tăng trưởng được VPBank triển khai trong 7 năm qua trước khi đem lại kết quả như hiện tại nhưng nó không phải động lực duy nhất. Giá trị của VPBank nằm ở tổng thể toàn ngân hàng. Công ty tài chính tiêu dùng không thể phát triển nếu không có uy tín sẵn có của VPBank, nguồn vốn ban đầu, cũng như cơ sở khách hàng nền tảng. Vì vậy không thể nói VPBank chỉ có FE Credit.

Năm 2017, FE Credit góp nửa doanh thu và lợi nhuận cho VPBank, nhưng nếu loại bỏ công ty tài chính, VPBank vẫn đứng Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần. VPBank - ngân hàng mẹ cũng giữ thị phần trong nhóm dẫn đầu phân khúc cho vay mua nhà, vay mua xe ôtô. Năm 2017, VPBank cũng là đứng thứ ba về thu phí bảo hiểm và là ngân hàng phát hành thẻ tín dụng đứng đầu. Nếu nói một cách hình tượng hóa, tách riêng FE Credit thì thực tế VPBank đang có hai ngân hàng. Trong quý I/2018, doanh thu của FE Credit và VPBank đều xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Vậy còn kế hoạch "buông" FE Credit thì sao thưa ông, nhất là khi có nhận định cho rằng nó đã bớt "đẻ trứng vàng", dư nợ tăng chững lại?

Nhiều người nhắc tới việc tài chính tiêu dùng đã ở giai đoạn đỉnh cao nhưng tôi thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều. Ít nhất 3 đến 5 năm tới, thị trường này sẽ còn đi lên.

Khảo sát ở nhiều thị trường lớn cho thấy sự bùng nổ của tài chính tiêu dùng sẽ diễn ra đến khi GDP trên đầu người đạt 3.000-4.000 USD. Sau khi đạt đến ngưỡng này mới rơi vào trạng thái "quá tải". 

Tuy nhiên các ngân hàng hiện đã học được nhiều điều từ quá khứ, từ thực trạng phát triển tín dụng tiêu dùng tại các quốc gia lớn. Không nói mình có thể tránh được hết rủi ro, nhưng tôi nghĩ có thể vừa làm, vừa học. 

FE Credit đang ngày càng trở nên độc lập hơn, bộ máy hoạt động với mô hình riêng, tự huy động vốn từ thị trường quốc tế thông qua chứng chỉ tiền gửi. VPBank có thể đưa FE Credit thành công ty đại chúng, cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Tin Cùng Chuyên Mục