Ngày 9/5, báo cáo nhanh tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết doanh nghiệp xác định khủng hoảng chắc chắn sẽ xảy ra đối với tất cả các ngành kinh tế, không riêng gì dệt may.
Và trong bối cảnh đó, ông Trường cho rằng nguồn lực của mọi Chính phủ không thể đủ để hỗ trợ thoả mãn tất cả kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Trong bối cảnh "khủng hoảng đi cùng với tổn thương", doanh nghiệp cần xác định mục tiêu ưu tiên bảo vệ bằng mọi giá: "Đến giờ phút này, ngành dệt may xác định hai tài sản lớn cần bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông Trường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vinatex, thay vì cho lao động nghỉ chờ việc để nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng từ Chính phủ, doanh nghiệp đã quyết định chọn phương án sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên trang thiết bị công nghệ hiện có dù nhiều khó khăn, thu nhập doanh nghiệp thấp so với mặt hàng truyền thống.
Bởi lẽ, với đặc thù thu nhập ở mức trung bình thấp, các lao động ngành dệt may sẽ phải đi tìm việc làm khác nếu doanh nghiệp cho nghỉ, vì vậy dẫn tới tình trạng thiếu nhân công phục hồi sản xuất.
"Đã cho nghỉ thì dự báo khả năng mất trên 50% lao động sau đợt nghỉ là rất rõ ràng. Khi đó, nếu có thị trường quay trở lại thì cũng không có lực lượng để phục hồi sản xuất." - ông Trường lý giải.
Trong thời gian qua, Vinatex tổ chức sản xuất 40 giờ/tuần, thay cho 54 giờ như trước kia, đảm bảo 100% người lao động vẫn được đi làm.
Doanh nghiệp cũng tổ chức sản xuất nhanh những mặt hàng thị trường cần, như sản xuất bảo hộ y tế, khẩu trang, và đã giải quyết được xấp xỉ 20% nhu cầu công việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Vinatex cũng bày tỏ sự quan ngại về hành vi tiêu dùng trên thế giới, bất chấp việc dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi.
Kết thúc phát biểu, đại diện Vinatex trình bày với Thủ tướng hai kiến nghị cho ngành dệt may, bao gồm việc miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí trong giai đoạn tháng 5 đến hết tháng 12/2020.
Đồng thời, kiến nghị phê duyệt và chuẩn bị nhanh các hướng dẫn để EVFTA có hiệu lực, từ đó doanh nghiệp xuất khẩu có thể được hưởng lợi thế giảm thuế.