Dựa vào nền tảng blockchain, ứng dụng này cho phép tạo lịch trình du lịch dựa theo nhu cầu của khách hàng, sau đó dữ liệu được lưu vào các máy chủ ngẫu nhiên (hoạt động độc lập). Khi sử dụng Triip, doanh nghiệp du lịch địa phương có thể tiết kiệm từ 50 - 90% chi phí bán hàng. Đổi lại, người dùng của Triip luôn nhận ưu đãi tốt nhất từ các đối tác (bao gồm 28,9 triệu hotel và 6000 tour - guide trên toàn thế giới - theo chia sẻ của CEO Hải Hồ).
Để thuyết phục các "cá mập", Hải Hồ tiết lộ ứng dụng của anh đã được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Tổng cục Du lịch Bồ Đào Nha, Malaysia,.. Đồng thời, ứng dụng đạt được 122.000 lượt tải trong 3 tháng (không mất chi phí quảng cáo), 35% người dùng quay lại hàng ngày, hơn 15.000 người chia sẻ hành trình chuyến đi.
Doanh thu năm 2018 là 1,4 triệu đô, Triip có 6.000 hướng dẫn viên bản địa và khách hàng đến từ 133 quốc gia.
Hiện tại, Triip đang đứng đầu trong số các ứng dụng blockchain ngành du lịch. Hải Hồ chia sẻ anh muốn mời các Shark cùng tiếp tục phát triển ứng dụng lớn mạnh hơn nữa.
Trước Shark Tank Việt Nam, nhóm sáng lập từng huy động thành công 1 triệu USD trong vòng pre-serie A. Họ đã thuyết phục thành công quỹ đầu tư của chính phủ Bồ Đào Nha góp 500.000 USD. Tổng số vốn đăng ký là 835.000 USD. Ứng dụng đã qua hai vòng đầu tư.
Triip thu tiền từ giao dịch dữ liệu. Cứ một khách sạn mua thông tin hành trình từ khách hàng sẽ trả cho công ty 10% giá trị giao dịch.
Năm 2018, công ty đạt doanh thu 200.000 USD, và tốc độ tăng trưởng doanh số khoảng 1,4 triệu USD.
Về nhân sự, Triip hiện có 11/20 nhân viên là kỹ sư đang tập trung vào công nghệ blockchain. CTO (Giám đốc Công nghệ) của dự án đã từng có kinh nghiệm xây dựng nền tảng công nghệ cho 7Eleven và một hãng xe lớn nhất Jakarta.
Vị CEO trẻ tuổi tuyên bố: "Trong ngành du lịch khoảng cách giữa người mua và người bán càng xa thì ở trung gian càng hưởng lợi. Bọn em cảm thấy cuộc chơi như vậy là không công bằng với nhiều người, bọn em viết lại luật chơi mới".
Anh mong muốn sau khi lên sóng Shark Tank, tỷ lệ khách hàng Việt Nam sẽ tăng từ 5% lên 50%.
Startup "câu ngược" cá mập về làm việc cho mình
Các chỉ số tài chính của Triip chưa thực sự thuyết phục các "cá mập". Shark Hưng thành thật chia sẻ: "Anh thấy tốc độ tăng trưởng doanh số rất kém, sau 5 năm mới được hơn chục triệu đô. Các nhà đầu tư cuối cùng vẫn muốn nhìn thấy kết quả."
Cùng chung quan điểm, Shark Dũng không cảm thấy hứng thú khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng. Anh khuyên Hải Hồ nên đánh giá lại thị trường bởi: "Có 2 vạn công ty làm nền tảng blockchain nhưng đều chết hết, thì phải đặt lại câu hỏi về thời điểm của thị trường". Shark Dũng Quyết định không đầu tư.
Shark Thuỷ đánh giá CEO Hải Hồ có tư duy phát triển chậm, và không nhìn thấy bất cứ điểm đột phá nào trong kế hoạch kinh doanh.
Chỉ còn duy nhất Shark Việt đưa ra lời đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20%. Nhận thấy con số này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi các nhà đầu tư cũ, CEO Hải Hồ quyết liệt: ""Em hoàn toàn có thể ký với Shark 500.000 USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi. Trong trường hợp ba năm sau, công ty không còn tiền thì em sẽ trả lại 500.000 USD. Nếu em không có tiền, em còn nhà để bán trả Shark".
Shark Việt không đồng thuận với phương án trên. CEO Hải Hồ lại một lần nữa đưa ra đề nghị: "500.000 USD đổi lấy 6,6% cổ phần, bao gồm 5% cổ phần trực tiếp, 1,6% cổ phần dành cho nhân viên." Đồng nghĩa với việc, trong vòng 1 năm, Shark Việt phải dành một tiếng mỗi tuần đến làm việc với Triip.
Shark Việt tiếp tục đề nghị phải được nắm 10%, nhưng cuối cùng quyết định "nhường" trong thương vụ này, và đồng ý chốt deal đầu tư 500.000 USD đổi lẩy 6,6%.