Ngày pháp luật

CEO Trương Lý Hoàng Phi chỉ ra nguyên nhân chính khiến startup không thể đột phá, chia sẻ bí quyết phá bỏ rào cản tư duy

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - "Khi mọi người nói không được, tôi sẽ hỏi ngược lại tại sao và làm cho được." - CEO Trương Lý Hoàng Phi đúc kết.

Trước khi đảm nhận vị trí nhà đầu tư "cá mập" tại "Shark Tank Việt Nam" mùa hai, doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi vốn đã là nhân vật quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp. "Bà đỡ" là biệt danh các startup dành cho chị, bên cạnh một loạt vai trò khác như: Nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA), CEO VinTech City (thuộc VinGroup).

Mới đây, tham dự sự kiện "Diễn đàn Lãnh đạo Trẻ Việt Nam – Vietnam Young Leaders Forum 2019", CEO Trương Lý Hoàng Phi đã có nhiều chia sẻ về tư duy, quan điểm giúp gặt hái thành công. Từ kinh nghiệm tích luỹ sau nhiều năm, chị nhấn mạnh việc phải xoá bỏ "biên giới" tư duy mà chính người trẻ vô tình tự tạo ra.

CEO Trương Lý Hoàng Phi chỉ ra nguyên nhân chính khiến startup không thể đột phá, chia sẻ bí quyết phá bỏ rào cản tư duy - Ảnh 1

 

Khi thiết lập "biên giới" tư duy, các bạn trẻ đã bó hẹp đầu óc, dẫn tới cách làm, hành động cũng đi theo lối mòm cũ kỹ. Kết quả không thể đột phá nếu vẫn mãi như vậy!

Lấy ví dụ từ câu chuyện chính bản thân. Năm 2011, CEO Trương Lý Hoàng Phi có ý tưởng phát triển Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC). Thế nhưng, mang đi hỏi ý kiến những người giỏi thì đều bị phản đối:  “Họ cho rằng, những gì mình suy nghĩ thực tế rất viễn vông. Thậm chí, ngay cả bản thân mình còn hoang mang và suy nghĩ, chắc khó đạt được”, chị hồi tưởng.

Từ đó, nữ doanh nhân gửi gắm thế hệ trẻ: "Nếu ai đó nói bạn không làm được đâu, thì đầu tiên hãy soi bản thân và hành động. Nếu không biết cách bước qua biên giới trong tư duy thì sẽ không bao giờ thành công”.

Gốc rễ của biên giới đó bắt nguồn từ suy nghĩ tiêu cực, CEO Hoàng Phi nhấn mạnh. Và nhóm người đó chia thành hai trường hợp: Người sinh ra điều kiện thấp hơn những người khác (70-80% rơi vào trường hợp này) và một nhóm suy nghĩ mình ở trên người khác, có quá nhiều thành quả rồi (20-30%) và họ luôn suy nghĩ không thể bước cao lên nữa.

Thực tế thì những người có điều kiện thấp hơn người khác sẽ luôn có xu hướng suy nghĩ rằng “chẳng có gì để mất vào mỗi cuộc chiến”. 

“Bản thân tôi cũng thế, mỗi lần vượt qua biên giới bản thân, tôi luôn nghĩ mình không có gì để mất cả”, CEO Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ. Còn nếu bản thân quá thành công rồi thì khó thoát ra khỏi cái bóng của mình. Tư duy này có thể làm thụt lùi bản thân mỗi người.

Vậy đâu là cách để phá bỏ biên giới đó? Bí quyết chỉ có hai từ: "học hỏi". Song song với quá trình tích luỹ kiến thức, người trẻ cần mở mang tư duy, tiếp thu điều tốt từ thành công của người khác, và "tập quen dần với việc giải mã và quý trọng giá trị đằng sau những tấm huy chương".

"Khi mọi người nói không được, tôi sẽ hỏi ngược lại tại sao và làm cho được." - CEO Trương Lý Hoàng Phi đúc kết. 

Tin Cùng Chuyên Mục