Giản dị từ phục trang tới phong thái và cách thể hiện trên truyền hình, Đoàn Phương Ly đã khiến các shark phải thốt lên “Quá khiêm tốn”. Gặp chị ở ngoài đời mới thấy, sự khiêm tốn này quả thực toát lên từ một con người đã từng “kinh qua” rất nhiều công việc, gặt hái những thành công nhất định nhưng luôn cầu tiến và không ngừng học hỏi. Trong những câu chuyện của mình, người ta không chỉ thấy ở Đoàn Phương Ly một nguồn năng lượng trẻ trung đầy nhiệt huyết mà còn bị cuốn hút bởi niềm đam mê và tham vọng tiến về phía trước của một nữ doanh nhân đầy tài năng.
Sáng lập Thuyền Xưa Foods vào năm 2017 với mong muốn mang lại những sản phẩm tốt hơn, tiện lợi và cần thiết hơn cho các gian bếp gia đình Việt, sau 5 năm, “thuyền trưởng” Đoàn Phương Ly đã đưa doanh nghiệp của mình có mặt ở 60 tỉnh trên cả nước với 5.000 điểm bán tại 35 chuỗi siêu thị lớn nhỏ.
Đang rất thành công với vai trò là nhà phân phối cho tập đoàn đa quốc gia với thị phần “khủng”, điều gì đã thúc đẩy chị “rẽ hướng” để trở thành một startup trẻ?
Như đã chia sẻ trên sóng truyền hình, năm 2002, tôi làm trong ngành sản xuất sữa, gia công sữa nước. Cuối cùng sau 9 năm, tôi bán doanh nghiệp lại cho chính đơn vị đặt hàng nhiều nhất của chúng tôi. Song song với đó, tôi làm phân phối cho một công ty dược phẩm rất lớn của Philippines, có được hợp đồng Master Distributor cho hãng bia AB InBev tại Việt Nam trong vòng 12 năm, từ 2008 đến 2020. Công việc phân phối và xây dựng thương hiệu với các công ty đa quốc gia trong ngành hàng tiêu dùng nhanh qua nhiều năm đã giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cũng như các bài học quý báu. Thương trường đó cũng giống như một trường đào tạo khổng lồ, đã giúp tôi mở mang, trau dồi và học hỏi. Nhưng học thì phải đi đôi với hành, bởi vậy, tôi quyết định biến ước mơ của mình thành hiện thực với một thương hiệu riêng. Với “đứa con đẻ” này, tôi sẽ được thực hành những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ trong suốt thời gian qua.
Khi quyết định khởi nghiệp, chị có bao nhiêu phần tự tin? Nhớ lại những ngày đầu startup, điều gì là trở ngại lớn nhất với chị và doanh nghiệp?
Đứng trước những quyết định hay bước đi lớn, bên cạnh niềm hứng khởi sẽ không tránh khỏi sự lo âu. Tôi cũng có tâm lý chung như vậy. Khi quyết định khởi nghiệp, tôi chỉ tự tin 50% thôi, vì biết rằng những bước đi đầu tiên bao giờ cũng đầy gian nan, thách thức và tốn kém. Có những điều tưởng như mình đã chuẩn bị rất kĩ rồi, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm thì vẫn xảy ra “lỗi kỹ thuật”. Những ngày đầu vận hành doanh nghiệp, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều chi phí để thuê nhân sự cấp cao, rồi xây dựng chiến lược bán hàng phổ rộng vô cùng tốn kém ở kênh bán hàng chợ truyền thống, phủ sóng truyền thông billboard các ngã 4, ngã 5 đắt đỏ… Để rồi chúng tôi nhận ra rằng từ việc truyền tải thông điệp về chất lượng sản phẩm cho đến khi khách hàng chấp nhận mua dùng thử là cả một quãng đường dài.
Điều gì đã khiến chị lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực “gia vị Việt” khi thị trường Việt Nam đã ghi danh nhiều tên tuổi từ trước đó?
Lý do duy nhất cho lựa chọn khởi nghiệp trong ngành hàng gia vị bắt nguồn từ tình yêu của tôi với ẩm thực Việt. Tôi yêu và muốn quảng bá món ăn Việt Nam đến nỗi nhiều năm nay, trong tất cả các chuyến đi công tác nước ngoài của mình, tôi luôn mang theo bộ gia vị làm nem/chả giò và phở gà Hà Nội theo công thức riêng. Để chỉ cần có cơ hội là tôi vào bếp, bất kể đó là ở Mỹ, Úc, Thuỵ Sĩ hay Singapore… và nấu cho bạn bè cùng các vị khách thưởng thức phong vị Việt.
So với các thương hiệu cùng lĩnh vực, đâu là điểm khác biệt mang tính cạnh tranh của Thuyền Xưa Foods, thưa chị?
Tôn chỉ của chúng tôi là luôn đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Các sản phẩm mang thương hiệu Thuyền Xưa Foods sẽ thật nhất, chuẩn vị nhất và ngon nhất mà không có một loại phụ gia gì. Chúng tôi muốn mang tới người tiêu dùng những sản phẩm an toàn và chất lượng, được tạo nên từ tình yêu và tâm huyết, để giúp những người phụ nữ, người nội trợ chăm sóc gia đình của mình từ chính căn bếp nhỏ đầy yêu thương. Đó chính là điểm khác biệt mang tính cạnh tranh của Thuyền Xưa Foods.
Nhìn lại hành trình 6 năm, điều gì ở Thuyền Xưa Foods khiến chị tự hào nhất?
Sau 6 năm, con thuyền của chúng tôi đã thực sự vượt qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Song điều khiến tôi tự hào và tự tin nhất chính là ở chất lượng sản phẩm. Có thể khách hàng sẽ mất thời gian để làm quen với sản phẩm “mộc” của chúng tôi, nhưng thật khó mà không đồng tình với chúng tôi về chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Con đường dẫn tới thành công chưa bao giờ toàn trải hoa hồng. Như chia sẻ trên Shark Tank, Thuyền Xưa vừa ra đời đã bị "đóng băng" bởi 2 năm Covid, khiến vốn góp 60 tỷ bị thất thoát. Vậy đã có lúc nào chị gặp khó khăn đến mức muốn dừng lại chưa? Và điều gì là động lực để chị vượt qua những lúc khó khăn đó?
Cũng như các doanh nghiệp khác, 2 năm đại dịch đã khiến chúng tôi tổn thất rất lớn, song động lực để tiếp tục chèo lái “con thuyền” này chính là niềm tin sắt đá vào phân khúc, sản phẩm mà mình đã lựa chọn. Hơn nữa, tôi không phải là người dễ bỏ cuộc. Lớn lên trong một gia đình kinh doanh, bản thân đã từng biết tới thất bại và nhìn thấy sự khó khăn đi tới thành công của cha mẹ chính là lý do giúp tôi kiên trì trên con đường mình đã chọn. Tôi tin rằng mình sẽ làm được.
Có cột mốc nào mà Thuyền Xưa Foods muốn chinh phục trong thời gian tới và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó như thế nào, thưa chị?
Cột mốc tiếp theo chúng tôi muốn hướng tới là là tiếp tục mang tới những sản phẩm cần thiết và tiện lợi hơn nữa cho các bếp ăn gia đình Việt. Bộ sản phẩm mà chúng tôi dự định ra mắt trong năm 2024 cam kết sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều hứng thú. Vì đây tiếp tục là những bộ sản phẩm rất mới, mang tính đột phá trên thị trường ngành hàng Gia vị Việt.
Người ta vẫn ví “thương trường như chiến trường”, với tư cách là một “nữ tướng”, chị nhận thấy đâu là điểm mạnh và điểm yếu của phụ nữ trong kinh doanh?
Khác với sự mạnh mẽ và quyết đoán của nam giới, tôi nghĩ thế mạnh của phụ nữ trong quản lý kinh doanh là sự mềm dẻo, linh hoạt và tỉ mỉ. Điều này rất cần thiết trong điều hành doanh nghiệp. Chính sự chi tiết, cần kiệm, chịu khó lắng nghe đó đã khiến cho một doanh nghiệp có “sếp nữ” thường sở hữu bộ phận nhân sự rất tốt, có tính bền vững cao, tỉ lệ thay đổi nhân viên ít. Lợi thế của phụ nữ là dễ đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của nhân viên, từ đó tạo nên một văn hoá doanh nghiệp vững vàng và nhân văn; tạo ra sự gắn kết mật thiết giữa các thành viên, giống như người thân trong một gia đình vậy.
Cuối cùng, trong quan điểm của chị, thế nào là một người phụ nữ thành đạt? Chị có lời khuyên gì dành cho các nữ startup?
Quan điểm của tôi về “sự thành đạt” khá giản dị. Với tôi, đó là được làm công việc mình yêu thích, tạo dựng giá trị cho xã hội và đóng góp cho sự thay đổi trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Với các bạn trẻ đang khởi nghiệp, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, các bạn nên tích luỹ thật nhiều kinh nghiệm, kiên trì theo đuổi ước mơ, không ngừng học hỏi và đừng hạn chế năng lực của bản thân mình. Nhưng trên tất cả, việc làm của bạn phải bắt đầu từ tình yêu. Bởi khi có tình yêu, bạn sẽ có động lực để biến tất cả mơ ước thành hiện thực.
Cảm ơn buổi trò chuyện thú vị của chị! Chúc chị và Thuyền Xưa Foods ngày càng thuận lợi “vươn khơi”, thành công chinh phục những chân trời mới!