Là CEO trẻ nhất điều hành một công ty của Tập đoàn FPT, anh Trần Hải Linh hiện đã có 7 năm gắn bó cùng sàn thương mại điện tử Sendo. Trước sự phát triển mạnh mẽ của ông lớn khác như Tiki, Lazada, Shoppee, Sendo vẫn tạo dựng được cho mình một chỗ đứng riêng trong thị trường. Mới chỉ cách đây vài ngày, CEO Trần Hải Linh tiết lộ Sendo tự tin đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD GMV (tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng) trước năm 2020.
Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, nói về bức tranh startup của Việt Nam, anh Trần Hải Linh đã nêu ra một vài quan điểm cá nhân như sau.
Theo anh, với một startup thì tiền là một vấn đề lớn. Để khởi nghiệp, ai cũng cần có một khoản tích lũy có sẵn, đồng thời phải xác định số tiền trong ngân hàng sẽ giúp team đi được tối thiểu là 12-18 tháng.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa số tiền này thì người điều hành nhất định phải tạo ra được sản phẩm có giá trị thực. Theo anh Linh, việc tạo ra các chương trình khuyến mãi chỉ có sức hút thời gian đầu, về lâu dài sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, giải quyết được bài toán người dùng đang cần vào thời điểm đó.
"Với một sản phẩm tốt, hữu ích và có giá trị thực thì sẽ đem tiền về rất nhanh. Tuy nhiên, sản phẩm không có giá trị thực tế thì nếu chúng ta càng đốt tiền càng lỗ nặng, sản phẩm không tốt thì càng liều càng chết", CEO Sendo nhấn mạnh.
Tiền là một yếu tố cần, chứ không phải yếu tố đủ. Quan trọng hơn cả, startup cần giải được bài toán thị trường và thị hiếu của khách hàng. Theo anh Linh, khoản vốn lớn sẽ giúp startup thực hiện giấc mơ nhanh hơn nhưng nó không phải là tất cả. Startup tuyệt đối không được xem tiền là thế mạnh vì nó không giải được bài toán đường dài.
"Nhiều người nghĩ các công ty lớn dùng tiền như đòn bẩy nhưng thực tế cái gốc không phải như vậy. Với những sản phẩm công nghệ tốt và hữu ích thì người ta vẫn dùng nó chứ không quan tâm đến việc công ty đó có tiền hay không. Tôi ví dụ như Microsolf, Facebook… từ khi mới ra đời chúng ta vẫn sử dụng dù cho họ có tiền hay không có tiền.
Lấy dẫn chứng về câu chuyện của Sendo, anh Trần Hải Linh tự tin mình và các cộng sự đã tạo ra được điểm khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Nhờ đó, họ vẫn sống sót trong cuộc chiến khốc liệt của ngành thương mại điện tử:
"Với Sendo cũng vậy, vào thời điểm năm 2012-2013, các doanh nghiệp khác khuyến mãi rất nhiều. Sendo lúc đó là sàn, chúng tôi không tạo ra sản phẩm mà sản phẩm là của các doanh nghiệp. Do đó, việc cạnh tranh vô cùng khó khăn và không biết lấy gì để khuyến mãi. Tuy nhiên, cái cốt lõi là chúng tôi có sự khác biệt. Mặc dù không tạo ra sản phẩm nhưng Sendo nhắm đúng nhu cầu của khách hàng, chỉ bán những sản phẩm bình dân, với khung giá vừa đủ để ai cũng có thể mua" - CEO Sendo lý giải.
Tuy nhiên, trong suốt 7 năm đi cùng Sendo, CEO Trần Hải Linh và các cộng sự cũng có không it lần lao đao vì phải cạnh tranh khốc liệt với thị trường. Sau những lần đó, anh Linh luôn cố gắng phân tích lý do và tìm ra điểm mạnh của Sendo để đi tiếp chứ không dùng tiền để giữ chân khách hàng. "Tiền quan trọng nhưng đừng coi tiền là yếu tố quyết định thành công", CEO Trần Hải Linh nhắn nhủ.