Nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường bán lẻ như được thổi một luồng sinh khí mới. Hàng loạt các sàn thương mại điện tử như Ladaza, Tiki,... ra đời và làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua bán của khách hàng. Nhưng song song với sự phát triển đó là sức ép cực lớn mà các mô hình kinh doanh kiểu truyền thống đang phải đối mặt.
Đứng trước tình hình đó, 90% doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu về quá trình "chuyển đổi số" với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo... (theo khảo sát năm 2018 của IDC).
Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, tại Diễn đàn Kinh doanh 2019 do Forbes tổ chức chiều 15/8/2019, ông Lê Trí Thông - CEO PNJ nhận định: "Chúng tôi nhìn nhận chuyển đổi số là quá trình tiến hóa. Bởi nếu không tiến hóa khi môi trường thay đổi dẫn đến sự đào thải. Quá trình tiến hóa không có nghĩa là chỉ mang công nghệ số vào mà là sự tiến hóa của cả công ty, đội ngũ nhân viên sẵn sàng thay đổi mindset. Và, chúng tôi phải “cấy” vào đó những gen chuyển đổi số”.
Nhưng để hoàn thành quá trình lột xác đó, doanh nghiệp sẽ mất một khoảng thời gian để thích nghi. Thay đổi thói quen của một con người đã khó, thay đổi thói quen, văn hoá của cả một doanh nghiệp hàng trăm con người thì còn là một trải nghiệm "đau đớn và không thể như mơ, không thể nhẹ nhàng."
Thứ nhất, doanh nghiệp phải hiểu khi mang công nghệ vào, cách làm mới vào sẽ tạo ra rất nhiều khối lượng công việc cho nhân viên. Từ đó mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ rất nhanh, có thể gấp 2-3 lần.
Thứ hai, tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp rất dễ rơi vào cái bẫy, đó là: Chuyển đổi số chỉ là cái vỏ bề ngoài còn tư duy, mindset, tổ chức vẫn chưa thực sự tiến hóa. Tiến hóa là phải từ trong gen chứ không phải thay đổi bên ngoài. Do đó, doanh nghiệp phải thiết kế quy trình mới tương ứng với công nghệ mới.
Thứ ba, nội lực bên trong: Tiến hóa không phải là mua cái mới gắn vào là xong mà đó là sự thay đổi dần dần. Nếu thay đổi quá nhanh sẽ bị sốc, thay đổi quá chậm thì là chừa chỗ cho đối thủ. Do đó, thời gian chuyển đổi số phải được doanh nghiệp kiểm soát. Đồng thời chuẩn bị một số nhân sự cốt cán cho quá trình chuyển đổi số, chẳng hạn gửi trước một số nhân sự đi học, mời một số startup vào làm, bởi họ là những đối tượng có sáng kiến/ý tưởng liên quan đến đến chuyển đổi số.
Bên cạnh việc thúc đẩy tốt yếu tố bên trong cần thêm nguồn lực bên ngoài hỗ trợ. Nếu chỉ thuần túy là nguồn lực bên trong thì rất khó sẵn sàng cho sự tiến hóa. Tuy vậy, để bên trong chấp nhận làm được với bên ngoài cũng là một quá trình của doanh nghiệp. Vì thế, bản thân doanh nghiệp cần chuẩn bị văn hóa để trong - ngoài hội nhập. “Để tiến hóa thì không chỉ thuần túy là con người hay công nghệ, chiến lược mà cần rất nhiều mối quan hệ khác nhau tham gia”, ông Thông nhấn mạnh.
Thứ tư, doanh nghiệp phải quyết tâm và lì lợm rằng đang đi đúng con đường, tiếp tục chiến đầu chứ không thể thụt lùi: Chuyển đổi số không phải là quá trình chuyển đổi thấy được kết quả mà là tiến hóa. Mà tiến hóa thì không có điểm dừng. Có thể 3-6 tháng, thậm chí là 1 tháng là có công nghệ mới, thậm chí phủ nhận công nghệ cũ. Do đó, doanh nghiệp vừa phải nhanh, vừa phải quyết tâm và có độ lì lợm.
Chẳng hạn, có một thực tế, khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, hệ thống mới sẽ nảy sinh một số cản trở nhất định như: Tại sao công ty này làm việc nhiều quá vậy; tỉ lệ rời công ty năm nay cao vọt…? Khi đó, ban lãnh đạo ngồi lại với nhau phân tích rằng, khi triển khai hệ thống mới nhanh nhất là 4 tháng, hoặc một năm mới quay trở lại bình thường. Với việc đối mặt những tình huống cản trở, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải đủ lì lợm để thấy rằng mình đang đi đúng đường, tiếp tục chiến chứ không thụt lùi, là mình đang tiến hóa lên phía trước.
“Sự tiến hóa thường không đi theo một hướng, có thể theo nhiều hướng gió khác nhau. Cho nên, tầm nhìn của người lãnh đạo rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì thị trường rất nhanh nên tầm nhìn của người lãnh đạo phải “động”, công nghệ liên tục thì tầm nhìn phải mới. Không thể lấy tầm nhìn vạch ra 3-5 trước rồi xài dần mà cần thay đổi liên tục, hợp thời”, CEO PNJ nhấn mạnh.