Anh Phạm Tuân - Giám đốc Thương hiệu thời trang Remizio chia sẻ như vậy với DN & PL nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Trước khi khởi nghiệp, các bạn nên tìm hiểu kỹ càng và học hỏi một cách bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực mình có ý định khởi nghiệp. Điều quan trọng không được bỏ qua đó là khi startup phải quan tâm trước tiên đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng
Khởi nghiệp khi tuổi đời còn khá trẻ hẳn không phải là chuyện dễ dàng. Anh có thể chia sẻ cùng độc giả về hành trình đầy gian nan đó?
Tôi bắt đầu tiếp xúc với thời trang và khởi nghiệp từ năm thứ hai đại học chỉ đơn giản xuất phát từ niềm yêu thích đồ âu. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc thuyết phục và nhận được sự đồng ý của gia đình. Bởi tâm lý của bố mẹ tôi ngày xưa luôn muốn định hướng con cái sau khi học xong đại học sẽ vào trong môi trường Nhà nước ổn định, nhàn nhã. Nhưng tôi lại không tư duy như thế mà muốn tự bươn trải để trải nghiệm cuộc sống của mình. Sau nhiều lần thuyết phục, bố mẹ đã đồng ý và cho tôi một số vốn mở cửa hàng đầu tiên trên phố Bạch Mai chung với một người bạn.
Khi đó, vì chưa đủ điều kiện để có thể nghĩ lớn, làm lớn nên chúng tôi chỉ định hướng trở thành một cửa hàng có “gu”. Chúng tôi nhập đồ mang tính chất thiên về đồ âu lịch sự dành cho các bạn trẻ năng động hay khách hàng công sở trẻ. Sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã có được lượng khách ổn định.
Nhưng có lẽ bởi “ngựa non háu đá”, chúng tôi liên tiếp mở rộng và phát triển hệ thống cửa hàng. Kết quả, chúng tôi phải trả giá đắt bởi lỗ hổng về kiến thức quản trị kinh doanh. Startup nhanh chóng thất bại, tôi quay lại tay trắng với khoản nợ “khủng” lên tới 2 tỷ đồng.
Sau cú vấp ngã đầu đời này, làm thế nào để anh có thể gượng dậy và phát triển thương hiệu Remizio nổi tiếng như bây giờ?
Sau lần thất bại đó, chúng tôi phải co về hết và bắt đầu tách ra làm 2 thương hiệu khác nhau. Thất bại đầu đời là một bài học đáng giá nhưng đồng thời cũng là áp lực nặng nề đặt lên tôi bởi tôi không cho phép mình lặp lại điều đó thêm một lần nào nữa. Vấp ngã ở tuổi 23 – độ tuổi còn quá trẻ nên tôi không quá lo sợ. Với nhiệt huyết và đam mê, tôi lại lao vào kinh doanh với số vốn vay mượn từ khắp nơi...
Ngay từ ngày đầu thành lập thương hiệu, tôi đã xác định phải tập trung vào chất lượng sản phẩm chứ không phải marketing. Sản phẩm của chúng tôi hướng tới phân khúc khách hàng trẻ trung, có “gu” ăn mặc và am hiểu về thời trang. Chúng tôi sản xuất số lượng ít với quy trình nghiêm ngặt và tỉ mỉ, hướng tới phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Dù gặp một số khó khăn, đặc biệt trong khâu quản lý nhân sự song chúng tôi cơ bản đã vượt qua và hoàn thành tốt mục tiêu, tầm nhìn đã đề ra. Thương hiệu Remizio đã xây dựng được tập khách hàng thân thiết lên tới hơn 7.000 người, liên kết với 30 studio nổi tiếng tại Hà Nội và có được chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng.
Từ quá trình khởi nghiệp của bản thân mình, anh rút ra bài học và kinh nghiệm gì dành cho các bạn trẻ đang nuôi dưỡng giấc mơ trở thành doanh nhân thành đạt?
Tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ có điều kiện rất thuận lợi để khởi nghiệp khi được tiếp xúc với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, va chạm nhiều với xã hội và quan trọng là các bạn rất năng động, nhiều nhiệt huyết, có tư duy…
Tuy nhiên, các bạn cũng phải đối mặt với những thách thức lớn hơn khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và gần như không được phép thất bại, bởi thất bại sẽ rất khó làm lại vì cơ hội bây giờ không nhiều. Các bạn phải thật sáng tạo, thật khác biệt thì mới có thể thành công.
Do vậy, trước khi khởi nghiệp, các bạn nên tìm hiểu kỹ càng và học hỏi một cách bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực mình có ý định khởi nghiệp. Điều quan trọng không được bỏ qua đó là khi startup phải quan tâm trước tiên đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Anh đánh giá thế nào về vai trò và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trẻ trong thời kỳ hội nhập?
Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ doanh nhân trẻ nói riêng lại càng to lớn hơn. Chính doanh nghiệp và doanh nhân là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong môi trường hội nhập.
Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ lên ngôi và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chính những người trẻ sẽ phải tiên phong tạo đột phá, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế. Để hội nhập thành công, chúng ta không thể cứ thụ động ngồi chờ mà phải hợp tác với nhau cùng nắm bắt cơ hội để phát triển.
Anh muốn gửi lời chúc gì đến các doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)?
Tôi xin chúc các bạn doanh nhân trẻ luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, tiếp tục xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển sự nghiệp bền vững. Chúc cộng đồng doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, vươn xa và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, xã hội!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!