Tạp chí Forbes vào cuối tháng 9 vừa qua đã đưa ra danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Trong đó có CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo hay nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành của Grab - Tan Hooi Ling đến từ Malaysia.
Và bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood, cũng góp mặt trong danh sách quyền lực này. Điều này khiến nữ CEO vui, bất ngờ nhưng vẫn thấy “mình rất bình thường, chỉ là người phục vụ tận tụy cho các bà mẹ quyền lực là khách hàng".
Tuy nói vậy nhưng bà Lệ đã đồng hành với NutiFood ngay từ những ngày đầu tiên, góp phần mang nguồn dinh dưỡng từ sữa đến với nhiều thế hệ Việt Nam. Hơn nữa, nữ CEO và chồng mình - ông Trần Thanh Hải cũng đã vực dậy công ty rất nhanh chóng từ sau cơn suy thoái, đưa NutiFood nằm trong top 3 nhà sản xuất và kinh doanh sữa lớn nhất cả nước.
Từ bác sĩ rẽ hướng kinh doanh khi nhìn thấy quá nhiều trẻ em suy dinh dưỡng
Sinh ra ở miền quê Phù Cát, tỉnh Bình Định vào những năm 70, bà Lệ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bén duyên với thương trường. Bà chỉ mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, đóng góp cho cộng đồng. Về sau, bà học Đại học Tây Nguyên ngành y và làm việc tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Đó là vào những năm 90, bà Lệ thấy rằng cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc bấy giờ, một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. “Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã cứu sống hàng ngàn trẻ em” - bà Lệ nhớ lại.
Thế nhưng đó chỉ là biện pháp nhất thời, các bác sĩ ở trung tâm cảm thấy sự bức thiết cần có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở như vậy, mang cái tên rất ý nghĩa là Đồng Tâm.
Lúc đó, bà Trần Thị Lệ yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, lại có khiếu kinh doanh nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm - tiền thân của NutiFood ngày nay.
Từ Đồng Tâm đến NutiFood, dù đã 20 năm trôi qua nhưng câu chuyện khởi nguồn về những đứa trẻ suy dinh dưỡng và chiếc máy xay sinh tố cung cấp nguồn sống vẫn luôn được nhắc nhớ lại với niềm tự hào, xúc động.
Hàng năm trời chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày
Là một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, bà cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…
Đáp lại, nỗ lực của bác sĩ Lệ đưa bà lên vị trí CEO, giúp công ty phát triển thần tốc. Có lúc tốc độ tăng trưởng vượt bậc từ 200 đến 300% mỗi năm, doanh số đã cán mốc trên 500 tỷ đồng vào năm 2007.
Tuy nhiên, đến năm 2008, tham vọng lớn và những chiến lược sai lầm đã giáng đòn mạnh xuống NutiFood. Sau 7-8 năm miệt mài dành hết tâm sức cho công việc, góp phần cải thiện nguồn dinh dưỡng của người tiêu dùng Việt Nam, nữ CEO muốn dành chút thời gian cho bản thân cũng như học hỏi thêm để về phục vụ công ty ở vị trí khác.
Hơn nữa, NutiFood đã có định hướng mới. “Ở giai đoạn phát triển tốt, chúng tôi có tham vọng đi nhanh hơn, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi mời chuyên gia từ các công ty đa quốc gia về điều hành. Sau đó, chúng tôi lại tham vọng muốn tái định vị hình ảnh thương hiệu”.
Tuy nhiên, hình ảnh tái định vị đó đã xa rời với hình ảnh chuyên gia dinh dưỡng - vốn là giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp dẫn đầu dòng sữa đặc trị. Ngoài ra, thời điểm đó còn nhiều biến cố xảy đến và giá nguyên vật liệu tăng. Khó khăn chồng chất khiến NutiFood thua lỗ lên tới 148 tỷ đồng, gần hết vốn điều lệ.
HĐQT muốn bà Lệ quay lại vị trí điều hành. Về phần mình, nữ doanh nhân được sự ủng hộ và tôn trọng của gia đình bất chấp quyết định của bà là gì. Vì “NutiFood là máu thịt” nên bà Lệ đã đồng ý trở lại công ty sau một năm. “Lúc đó, tình huống bắt tôi phải suy nghĩ và tự động viên mình, đến mức này rồi không thể nào xuống được thêm nữa và chỉ còn cách đi lên thôi”.
Vực dậy từ khó khăn, vươn mình ra thị trường quốc tế
Trở lại công ty, nữ giám đốc tự mình thuyết phục nhân viên ở lại, đồng cam cộng khổ. Bà cũng lao vào làm ngày làm đêm gần 5 năm liên tục để giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và tìm lại lợi nhuận.
Đồng thời, bà Lệ cũng nhờ “quyền trợ giúp” từ chồng là ông Trần Thanh Hải. Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, ông Hải đã chấp nhận thoái vốn ở nhiều nơi để lấy tiền mua lại cổ phần NutiFood, vì lúc đó đã có nhiều cổ đông rời đi…
Nhưng cũng như bà Trần Thị Lệ đã nói, chuyện kinh doanh đã nốt trầm thì cũng có lúc cất cánh nếu người lãnh đạo quyết tâm và tìm được hướng đi đúng. Theo Forbes, kể từ năm 2013 khi đã trở lại là những cổ đông lớn của Nutrition Food - một tập đoàn "đang ngủ quên", bà Lệ và ông Hải đã nhanh chóng thay đổi cục diện, đưa các sản phẩm NutiFood dẫn đầu mảng sữa dinh dưỡng của Việt Nam.
Doanh số công ty tăng gấp 3 lần để đạt mức 9.500 tỷ đồng (~408 triệu USD) vào năm ngoái, lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng. NutiFood hiện vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam, sản xuất hầu hết mọi sản phẩm sữa - từ sữa bột trẻ em đến sản phẩm bổ trợ sức khỏe.
(Ảnh: Lê Quân/Zing)
Đến giờ, bà Lệ vẫn là CEO NutiFood trong khi ông Trần Thanh Hải là Chủ tịch. Cùng nhau, họ hướng tới mở rộng tập đoàn vươn ra quốc tế thông qua liên doanh và sáp nhập. Gần đây, NutiFood đã liên doanh với Asahi từ Nhật Bản để cung cấp thực phẩm bổ sung và các sản phẩm dành cho trẻ em dưới thương hiệu Wakodo NutiFood.
Ở tuổi 46, bà Trần Thị Lệ vẫn nuôi những hoài bão lớn với thị trường sữa nội địa cũng như hướng ra quốc tế, bao gồm châu Âu và Hoa Kỳ. Bà thật sự là một nữ doanh nhân nói ít làm nhiều, chỉ lo làm sao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ người tiêu dùng chứ không phải vì hướng tới các danh xưng hào nhoáng.
Đối với CEO Trần Thị Lệ, những khách hàng dùng sữa NutiFood, những người tiêu dùng gửi gắm niềm tin của mình cho công ty mới là những nhân vật quyền lực nhất! (Ảnh: NutiFood)