Giám đốc điều hành của Intel, ông Pat Gelsinger vẫn kiên trì với chiến lược mua lại những nhà sản xuất chip khác, bất chấp việc GlobalFoundries, công ty sản xuất vật liệu bán dẫn lớn thứ tư thế giới – đối tác từng đàm phán để sáp hợp với Intel có kế hoạch niêm yết công khai.
Chiếc lược mua lại của Intel
“Các công ty sản xuất chip sẽ nhập lại để lớn mạnh hơn”, ông Gelsinger cho biết niềm tin về xu hướng sáp nhập và kỳ vọng Intel sẽ là pháp nhân còn lại sau chuyển biến mạnh mẽ của ngành sản xuất chip.
Trước đó, Intel từng đàm phán để mua lại GlobalFoundries. Cuộc đàm phán nguội đi khi GlobalFoundries tập trung vào kế hoạch IPO - chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với trị giá 25 tỷ USD.
Ông Gelsinger, trong cuộc phỏng vấn với WSJ, từ chối bình luận trực tiếp về GlobalFoundries, tuy nhiên ông cho biết Intel vẫn quan tâm đến các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). “M&A cần có người sẵn lòng mua và người vừa lòng bán. Tôi là một người sẵn lòng mua”, ông cho biết. CEO hiện thời của Intel là người từng tham gia vào khoảng 100 thương vụ mua lại với vai trò trước đây là chủ tịch của EMC và sau đó là CEO của Vmware. Ông đang tìm cách tận dụng kinh nghiệm đó để làm lợi cho Intel.
Xu hướng sáp nhập công ty trong lĩnh vực bán dẫn
Tính kinh tế của việc sản xuất các loại chip hiện đại nâng cao khả năng diễn ra các thương vụ mua bán sáp nhập. Chi phí sản xuất các loại chip tiên tiến nhất tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, làm giảm bớt số lượng các công ty trong lĩnh vực này và có xu hướng thúc đẩy các công ty còn lại kết hợp lại với nhau.
Xu hướng hợp nhất đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Các thương vụ lớn mới nhất bao gồm: Marvell Technology năm 2020 tuyên bố mua lại Inphi Corp. và Analog Devices đang mua lại đối thủ Maxim Integrated Products với giá hơn 20 tỷ USD.
Ông Gelsinger cho biết ngành công nghiệp sản xuất chip hiện đang trong quá trình tái định hình kéo dài từ lâu. “10 đến 15 năm về trước, có hàng chục công ty hoạt động tốt với công nghệ bán dẫn tiên tiến hàng đầu nhưng ngày nay con số này giảm xuống còn 3 vì lĩnh vực này cực kỳ thâm dụng vốn và nặng về nghiên cứu và phát triển, và tác động của những bản chất này còn kéo dài”, ông nói, bổ sung thêm rằng một nhà máy sản xuất chip hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay có giá hơn 10 tỷ USD.
Những chiến lược khác nhằm vực dậy Intel
Intel là một trong những tập đoàn nặng ký trong lĩnh vực sản xuất chip, cùng với hai đối thủ là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Công ty Điện tử Samsung của Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty đã có những bước đi sai lầm và thụt lùi về công nghệ so với các đối thủ trong việc cho ra đời những loại chip có kích thước nhỏ nhất.
Dù được quan tâm, nhưng mua lại không phải là chiến lược hàng đầu để xoay chuyển công ty. Ông cam kết dành chi phí lớn để mở rộng phạm vi sản xuất, tăng thêm một nhà sản xuất theo hợp đồng và đuổi kịp về mặt công nghệ với các đối thủ cạnh tranh.
Intel đang đầu tư 23,5 tỷ đô la vào các nhà máy mới ở Arizona và New Mexico, và sắp tới sẽ thành dự án mở rộng nhà máy ở Oregon tiêu tốn 3 tỷ đô la. Intel cho biết có kế hoạch đầu tư nhiều hơn ở cả Mỹ và nước ngoài.
Công ty không chỉ dựa vào sản xuất của riêng mình trong quá trình quay vòng. Hôm thứ Năm, Intel lên kế hoạch chi tiết để TSMC giúp sản xuất một số chip đồ họa và trí tuệ nhân tạo mới nhất của mình. Intel đang chuyển hướng sang TSMC để sản xuất những con chip tiên tiến đó đồng thời nỗ lực cải thiện khả năng nội bộ của mình như một phần của nỗ lực giành lại vị trí dẫn đầu về công nghệ trong ngành.
Ông Gelsinger, trong vài tháng làm việc tại Intel trong vai trò giám đốc điều hành, cũng bận rộn với chương trình làm việc với các chính trị gia. Ông đang thúc giục chính quyền Biden cung cấp rõ ràng hơn về các kế hoạch thương mại với Trung Quốc, quốc gia mà cựu Tổng thống Trump trước đó đã áp đặt nhiều biện pháp thuế quan.
“Điều chúng tôi đang tìm kiếm là một chính sách rõ ràng”, ông nói và cho biết thêm rằng trên 25% hoạt động kinh doanh của Intel gắn liền với Trung Quốc. Ông cũng đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ chi trả cho một số dự án mở rộng, vì hoạt động này của Intel cũng giúp chính phủ giải quyết mối lo ngại về nguồn cung chip do sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
Giải quyết vấn đề thiếu hụt linh kiện bán dẫn
Các quan chức hiệp hội công nghiệp bán dẫn kỳ vọng tình trạng thiếu hụt dẫn đến cắt giảm sản lượng xe hơi và đẩy giá một số thiết bị điện tử tiêu dùng, mặc dù sẽ còn kéo dài nhưng sẽ giảm bớt trong những tháng tới. Riêng ông Gelsinger cho rằng tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2023 và việc tăng quy mô sản xuất vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Đại dịch khiến nhu cầu về các mặt hàng kỹ thuật số, từ máy tính xách tay cho đến trung tâm dữ liệu phục vu dịch vụ điện toán mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng tin dùng. Điều đó đã góp phần gây ra tắc nghẽn trong việc cung cấp chip, nhưng cũng mang lại một số lợi ích cho các nhà cung cấp.
Ông Gelsinger cho rằng sự thiếu hụt làm tăng một số chi phí sản xuất của Intel. Giống như các nhà cung cấp chất bán dẫn khác, Intel cho biết họ chuyển một số chi phí gia tăng đó vào giá thành bán ra cho người tiêu dùng, nhưng không phải tất cả. Trong một số trường hợp, sự thiếu hụt cho phép các công ty tập trung vào việc bán các sản phẩm có giá trị cao hơn và điều này bổ sung lợi nhuận cho công ty.