“Chúng tôi tự tin mở rộng tại Việt Nam”, Fan nói với Nikkei Asian Review. Ông cũng dẫn lời Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng là “mở cửa cho mọi nhà cung cấp”. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa công bố nguyên tắc chi tiết lựa chọn nhà cung cấp mạng 5G.
Fan cho biết tháng trước, Huawei và các nhà cung cấp tiềm năng khác đều được yêu cầu làm “bài tập về nhà”. Doanh nghiệp này cũng đã đàm phán cùng các đối tác tiềm năng trong nước về việc thử nghiệm mạng 5G vào cuối năm 2020.
Sự mở rộng toàn cầu của Huawei gặp khó khăn do các nước khác tiến hành ngăn chặn hoặc xem xét lại sự có mặt của các dự án mạng 5G thuộc doanh nghiệp này. Sự “tẩy chay” trên bắt nguồn từ Mỹ sau đó lan rộng ra các nước khác như Australia, New Zealand, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu khác.
“Sẽ rất khó để khắc phục những vấn đề này trong thời gian ngắn”, Fan thừa nhận. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, Huawei đã đạt được một số thành tựu, bao gồm việc nhà cung cấp mạng không dây hàng đầu Philippines, Globe Telecom ký hợp đồng sử dụng dịch vụ 5G của Huawei trong năm nay.
Mỹ kêu gọi các quốc gia tẩy chay công nghệ của Huawei do những lo ngại về vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, Huawei bác bỏ cáo buộc này. Việt Nam đang đứng trong một hoàn cảnh khó khăn khi xem xét sử dụng công nghệ 5G của Huawei hay các nhà mạng trong nước.
"Tại Việt Nam, chúng tôi không thể bị đánh bại về mặt chất lượng và chi phí”, ông nói. “Huawei sẽ cung cấp công nghệ và giải pháp tốt hơn, đồng thời, hỗ trợ tài chính cho các nhà mạng Việt Nam để triển khai công nghệ 5G”.
Trước đây, Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng 2G và 3G lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này đã mất vị trí dẫn đầu với mạng 4G. “Chúng tôi sẽ tập trung làm việc với các nhà mạng địa phương và chính phủ nhằm phát triển mạng 5G”, ông nói.
Các nhà mạng di động lớn tại Việt Nam đã công bố kế hoạch phát triển mạng 5G bằng việc sử dụng các thiết bị từ các nhà cung cấp khác như Ericsson, Nokia và Samsung.
Viettel, nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam, đã nhận được giấy phép thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ di động, Viettel cũng nghiên cứu công nghệ 5G. Nhà mạng này cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển phần mềm và phần cứng cho 5G.
Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, chủ sở hữu mạng Vinaphone, đã hợp tác cùng Nokia để phát triển mạng 5G. MobiFone cũng ký thỏa thuận với Samsung vào tháng 3 nhằm thực hiện công nghệ 5G.
Thị phần dịch vụ internet tốc độ cao tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei.
Các nhà mạng nội địa có kế hoạch ra mắt mạng 5G vào năm 2021. Động thái này phù hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dựa trên tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn.
Vào tháng 11/2018, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông cho biết trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu thiết bị cho mạng 2G và 3G, tuy nhiên, Việt Nam sẽ tự phát triển các thiết bị cho mạng 5G.
“Việt Nam đang đi đúng lộ trình nhằm thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020”, nhà báo Thẩm Hồng Thụy cho biết. “Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải nhập khẩu thiết bị công nghệ 5G trong nhiều năm. Huawei vẫn còn cơ hội cung ứng dịch vụ cho những nhà mạng ưu tiên giá cả và chất lượng dịch vụ. Đối với những nhà mạng quan tâm đến bảo mật thông tin, những nhà cung cấp khác Ericsson, Nokia và Samsung sẽ có lợi thế hơn”.
“Chúng tôi sẽ tuân thủ các chính sách công nghiệp của chính phủ và cung cấp các chương trình tư vấn và đào tạo nhằm giúp các nhà mạng địa phương triển khai công nghệ 5G, cũng như các nội dung liên quan”, Fan nói. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ dịch vụ 5G thông qua nhiều hoạt động”.