CEO Gojek: “Thời hoàng kim” cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đã đến

Selina Nguyễn

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hai trong số những công ty khởi nghiệp lớn nhất trong khu vực là Grab và Goto đã công bố kế hoạch IPO. Đây được coi là cột mốc quan trọng thúc đẩy tinh thần kinh doanh khởi nghiệp cho nhiều công ty công nghệ khác ở khu vực.

Chia sẻ với CNBC, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của gã khổng lồ gọi xe Indonesia Gojek Kevin Aluwi nhận định, đây là thời điểm hoàn hảo để các doanh nhân khởi nghiệp ở thị trường đầy tiềm năng này.

“Tôi nghĩ chúng ta sắp bước vào thời kỳ hoàng kim của các công ty công nghệ ở Indonesia nói riêng cũng như các nước Đông Nam Á nói chung”, ông Aluwi nhấn mạnh.

Cơ hội độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á

Đã có nhiều thay đổi trong suốt một thập niên kể từ khi Aluwi cùng hai người bạn bắt đầu khởi nghiệp với ứng dụng Gojek. Được định giá hơn 18 tỷ USD sau khi sáp nhập với Tokopedia, Gojek là một trong những kỳ lân tỷ đô nổi lên trong khu vực, bên cạnh Sea Group, Bukalapak và Carousell.

Kevin Aluwi, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng gọi xe Indonesia Gojek.
Kevin Aluwi, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng gọi xe Indonesia Gojek.

Mặc dù thị trường có nhiều thay đổi, Aluwi nhận định cơ hội lớn vẫn mở rộng cửa với các dự án khởi nghiệp công nghệ.

Bởi lẽ, Đông Nam Á là thị trường có mật độ dân số trẻ cao, với khả năng tiếp nhận các công nghệ mới tốt. Indonesia là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới với độ tuổi bình quân 29,7.

Khi nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, ông Aluwi nhận định còn rất nhiều dư địa cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tạo nên giải pháp thực tế cho xã hội. 

Gojek dường như trở thành một tổng đài kết nối các tài xế xe công nghệ với khách hàng. Trải qua thời gian phát triển, Gojek đã cung cấp đa dạng các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn và chuyển phát nhanh.

“Cỗ máy thời gian” – chiến lược quyết định thành công

Sau khi GoTo, Gojek về chung một nhà, đế chế Goto đã đóng góp tới 2% trong tổng số GDP 1.100 tỷ USD của Indonesia thông qua các sản phẩm dịch vụ tài chính và thương mại điện tử.

“Điều này cho thấy cơ hội ở Indonesia nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á nói chung, rằng chúng ta có thể xây dựng những nền tảng lớn dựa trên sự phát triển nhanh chóng hiện tại. Đồng thời, các nền tảng này cũng sẽ tác động tới hàng triệu người dân sống ở tầng lớp dưới cùng của xã hội”, Aluwi chia sẻ.

Theo vị CEO này, những gì ta thấy ở các nền kinh tế đang phát triển là có cơ hội để đi tắt đón đầu. "Khi thị trường chưa có sản phẩm và dịch vụ lớn như tại nền kinh tế phát triển, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận người tiêu dùng bằng công nghệ tốt và mới hơn”, ông Aluwi nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm với Aluwi, nhà sáng lập Tokopedia - William Tanuwijaya - cho rằng: “Chúng tôi có lợi khi phát triển một công ty công nghệ tại thị trường mới nổi. Nó tựa như cỗ máy du hành thời gian, bạn có thể học hỏi, lấy cảm hứng phát triển công nghệ từ khắp nơi trên thế giới, tại những nước phát triển, rồi quay ngược trở lại áp dụng thị trường quê nhà”.

William Tanuwijaya, nhà đồng sáng lập và CEO của Tokopedia
William Tanuwijaya, nhà đồng sáng lập và CEO của Tokopedia

Cẩn thận với sức hấp dẫn từ thị trường

Tuy nhiên, bất chấp những cơ hội ngày càng lớn cho các chủ doanh nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á, Aluwi đã cảnh báo về mặt trái của tinh thần kinh doanh - điều có thể khiến các doanh nhân hành động sai lầm. Bởi xây dựng một công ty khởi nghiệp không hề dễ dàng và việc thất bại là dễ hiểu.

Do vậy, các doanh nhân cần phải chuẩn bị tinh thần đối diện với những chiến thắng và cả thất bại.

Tin Cùng Chuyên Mục