Ngày pháp luật

CEO Giang Thiên Phú: Từ nam sinh chết tạo máy rửa chuồng gà tới top 10 startup Việt 2020

Theo Nhà đầu tư

Được giới công nghệ mệnh danh là "Bill Gates của Việt Nam", ít người biết rằng ông Giang Thiên Phú - CEO Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Gadget có con đường học hành gập ghềnh với những quyết định khác người và khát vọng nân tập doanh nghiệp Việt.

Từ nam sinh trượt đại học...

Ngay từ hồi học phổ thông, cái tên Giang Thiên Phú đã được nhiều người biết đến khi chế tạo máy rửa chuồng gà đoạt giải thưởng sáng tạo dành cho học sinh phổ thông, rồi một loạt sản phẩm khác như: Robot xây thành Cổ Loa, máy bay điều khiển từ xa và kính hiển vi làm từ webcam.

Phú chia sẻ, ngày đó, ở nhiều trường phổ thông chỉ có 1-2 cái kính hiển vi, không phải tất cả học sinh đều được sử dụng nên cần nghĩ cách để nhiều người được sử dụng. Phú vẽ, chạy thử nghiệm chiếc kính hiển vi của mình trên máy tính rồi đi mua vật liệu.

Đặc điểm cơ bản của thiết bị là đặt vật cần quan sát ở gần tiêu điểm thấu kính hội tụ (sử dụng loại kính có tiêu cự cực ngắn) sẽ có hình ảnh rất lớn trên màn ảnh của webcam, từ đó sẽ chuyển hình ảnh thành tín hiệu để truyền về máy tính, tiếp tục sử dụng máy chiếu lên màn hình rộng để hàng trăm người cùng được xem.

Phú đoạt được nhiều giải thưởng sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên từ các sản phẩm sáng tạo của mình. Trong đó phải kể đến giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật trẻ Việt Nam VIFOTEC, giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc, giải thưởng Mãi mãi tuổi 20…

Ông Giang Thiên Phú - CEO Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Gadget.
Ông Giang Thiên Phú - CEO Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Gadget.

Tốt nghiệp phổ thông, anh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng bị trượt. Điểm thi của Phú chỉ đủ trúng tuyển nguyện vọng 2 vào một trường khác có điểm chuẩn thấp hơn và Phú đã định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng lại thôi chỉ vì không thấy thích,chưa muốn học.

Trong khi nhiều bạn bè lo tìm một ngôi trường đại học đủ điều kiện để trúng tuyển đại học thì Phú tìm tòi cái nghề phù hợp. Phú kể lại: "Trong suy nghĩ non nớt của tôi khi đó thì tôi chọn công nghệ thông tin vì khi thiết kế một sản phẩm phần mềm nếu hỏng thì bỏ đi làm lại, không tốn kém về vật chất. Sau này tôi mới hiểu vật chất còn là thời gian, là công sức bỏ ra nữa. Những cái làm không thành công còn lãng phí hơn nhiều những gì tôi nghĩ trước đây".

Với quyết tâm theo đuổi đam mê, Phú đã giành được học bổng ngành thiết kế phần mềm của Trung tâm AprotrainAptech. Có kết quả học tập tốt ở đây, Phú được chuyển tiếp học tại Đại học Greenwich vào năm 2010.

...đến trở thành giảng viên đại học

Trong suốt thời gian học ở Aptech rồi Đại học Greenwich, Giang Thiên Phú vẫn không ngừng đeo đuổi những công việc bên ngoài. Môi trường thực hành, tự học, tự mày mò, trải nghiệm qua những công việc khác nhau hấp dẫn Phú hơn việc ngồi học trên giảng đường.

Tới một lúc, anh bất ngờ chọn một ngã rẽ khác: Bảo lưu kết quả học tập để đi làm. 19 tuổi, Phú trở thành giám đốc công ty bán máy tính, thiết kế hệ thống mạng do anh lập nên. Công ty này chỉ tồn tại đúng một năm thì giải thể.

"Chuyện lập và giải thể công ty hồi đó của tôi là quyết định của một người chưa biết phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, với những người làm việc cùng mình, chỉ là thích thế nào thì làm thế đó. Nhưng dù sao sự trải nghiệm đó cũng là một bài học cho tôi, điều trong nhà trường tôi không được học, ở khía cạnh nào đó, những trải nghiệm, thất bại, sai lầm đều có ý nghĩa và đóng góp vào lựa chọn tiếp theo của tôi", Phú chia sẻ.

Trong thời gian này, Phú trở lại Aptech để thử sức trong việc giảng dạy. Anh tham dự các vòng thi tuyển giảng viên của trường. Anh trở thành giảng viên của Aptech có lẽ là do kiến thức thực tế và khả năng giúp người khác hiểu được điều mình muốn truyền đạt.

Thầy Trần Khánh, người từng dạy Phú trong thời gian học ở Aptech cho hay: "Ở Aptech không đòi hỏi bằng cấp cao mà cần có những chứng chỉ theo quy định, và người nào dạy môn gì thì phải trải qua thi tuyển môn đó với điểm tối thiểu đạt 80%, phải có hai buổi giảng thử kỹ năng sư phạm, gồm kỹ năng thứ nhất là nói cho học trò hiểu vấn đề mình đang nói và thứ hai là giảng thực hành, giúp học trò thực hành. Nhưng Phú thi lần đầu không đạt vì còn vấp một số lỗi. Sau một thời gian, tôi lại ngỏ lời mời Phú thi lần hai. Lần này Phú đạt chuẩn giảng viên của Aptech và dạy chuyên ngành Java tại đây hơn một năm".

Tiếng gọi của đam mê

CEO Gadget Giang Thiên Phú tâm sự: "Nhiều người nghĩ tôi có nhiều giải thưởng sáng tạo thì chắc giỏi và chỉ thích các môn tự nhiên thôi nhưng không phải thế, tôi cũng thích lịch sử, triết học. Triết học và lịch sử với tôi là môn thú vị, tôi đã đọc hết sách bố tôi có và tìm mua thêm để đọc. Bài toán tôi thích thì tôi phải đi tìm xem có cách giải nào hay hơn thế".

Ngọn lửa đam mê với công nghệ thông tin đã thôi thúc Phú không ngừng tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo đột phá trong lĩnh vực này. Anh có kinh nghiệm dày dặn về tối ưu hệ thống nhiều người dùng và thương mại điện tử, đã từng là lãnh đạo mảng công nghệ (tech lead) ở rất nhiều công ty lớn trên thị trườngnhư: Ebay Việt Nam, Peacesoft (tiền thân của Tập đoàn công nghệ Nexttech), Hotdeal, Vincommercetrước khi quyết định khởi nghiệp với thương hiệu Gadget mà sản phẩm chính là Callio.

Với những nghiên cứu thực tiễn khi tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, CEO Giang Thiên Phú nhận thấy rằng các doanh nghiệp luôn quan tâm tới việc giao tiếp với khách hàng, lưu trữ, phân tích thông tin khách hàng, tự động hóa, tăng năng suất quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng. Nhưng điều quan tâm đó thực chất chỉ nằm trên phương diện khẩu hiệu mà chưa thực sự có giải pháp xử lý cụ thể một cách tối ưu hóa.

Từ đó, với kinh nghiệm của bản thân anh cùng các cộng sự của mình đã cho ra đời nền tảng Callio nhằm mang lại giải pháp tối ưu hóa cho doanh nghiệp. Hiện đã có gần 500 doanh nghiệp sử dụng Callio kể từ khi ra mắt vào tháng 7/2020, doanh thu liên tục tăng 50% hàng tháng.

Giữa tháng 12/2020, Công ty Gadget của GiangThiên Phú đã xuất sắc vượt qua nhiều đơn vị tham gia giải thưởng để lọt top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực CNTT của Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn.

VINASA chọn Gadget vào top 10 bởi đây là doanh nghiệp có hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, năng lực đội ngũ chuyên gia dày kinh nghiệm, có nhiều thành tựu vượt trội trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp 4.0 để giải quyết bài toán thực tiễn cho doanh nghiệp, tổ chức khi chuyển đổi số.

Trước đó, vào tháng 11/2020, phần mềm Callio của công ty Gadget đã được ông Đinh Viết Hùng - Chủ tịch quỹ đầu tư VIC Partners quyết định rót vốn với định giá lên tới 6 con số (USD) vì sự sáng tạo và tính khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp khi chuyển đổi số trong thời đại 4.0.

Mục tiêu của Callio là sẽ trở thành đơn vị công nghệ cung cấp nền tảng CRM và tổng đài ảo cho doanh nghiệp số 1 tại Đông Nam Á, thực hiện sứ mệnh là cánh tay công nghệ giúp chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục