"Chưa lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống"
CEO và Founder chuỗi phòng tập Lamita Fitness Vũ Thị Thùy Linh vừa chia sẻ về bài học thất bại sau vài ngày thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ 65 phòng tập.
Lamita khởi đầu từ một trung tâm Zumba có tên Câu lạc bộ Zumba Hà Nội, được sáng lập năm 2012. Tại Shark Tank 2019, Lamita Dance Fitness đã nhận được cái “gật đầu” từ Shark Liên để cùng hợp tác đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% vốn cổ phần. Tuy nhiên, từ ngày 4/1, đơn vị này thông báo đóng cửa hệ thống phòng tập với lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thuỳ Linh thừa nhận dẫn đến việc hệ thống đóng cửa có một phần không nhỏ lỗi từ cá nhân cô. Nguyên nhân được vị CEO trẻ này đưa ra là bởi chưa lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống nên khi dịch Covid-19 bùng phát đã làm mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Việc thẩm định dự án để nhận vốn đầu tư kết thúc vào đầu tháng 11/2019. Tuy nhiên, thời điểm đó Shark Liên gặp khó khăn nên việc rót vốn bị trì hoãn nhiều lần. Do không thể chờ được nên Lamita từ chối Shark Liên để làm việc với một quỹ khác.
Đến tháng 12/2019, ban điều hành Lamita làm việc với đầu tư trong nước và bước vào quá trình thẩm định lại từ đầu. Đến tháng 2/2020 việc thẩm định hoàn tất và với 65 điểm tập, chuỗi phòng tập này được định giá 100 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng cam kết rót 30 tỷ cho 30% cổ phần. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, vào đầu tháng 3, dịch Covid-19 xuất hiện và khó khăn với Lamita cũng lần lượt ập đến.
Vào tháng 4, sau khi có yêu cầu giãn cách từ cơ quan quản lý do dịch, startup phải đóng cửa toàn bộ hơn 60 điểm tập. Trong bối cảnh doanh thu bằng 0, các chi phí mặt bằng, nhân sự vẫn phải trả, còn nhà đầu tư chưa rót vốn như cam kết nên Lamita bắt đầu gặp khó khăn.
Sau khi mở cửa trở lại một cách cầm chừng vào tháng 5, nhà đầu tư tiếp tục trì hoãn việc rót vốn đến tháng 7. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 dịch đợt 2 lại bùng ở Đà Nẵng nên nhà đầu tư một lần nữa hoãn vô thời hạn buộc ban điều hành Lamita phải thu gọn, tinh giản nhân sự và tái cấu trúc một lần nữa toàn bộ hệ thống.
Từ 65 điểm tập với khoảng 200 nhân sự, Lamita thu hẹp còn 16 điểm tập. Suốt 3 tháng qua, chị Linh cho biết ban điều hành Lamita cũng cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh tốt lên sẽ trả nợ cho các nhà thầu và nhân viên. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến công ty chưa phục hồi được kinh doanh nên mất cân đối dòng tiền, nợ lương... dẫn đến quyết định đóng cửa vào ngày 4/1.
Bài học về quản trị dòng tiền
Ở bài viết, CEO Latima cũng có những chia sẻ đối với cộng đồng khởi nghiệp, trong đó, bài học lớn nhất mà cô rút ra là không nên trông đợi vào vốn đầu tư.
"Nếu như không kỳ vọng vào vốn đầu tư mà dựa vào sức mình, làm đâu chắc đó như 7 năm trước thì có lẽ đã không để xảy ra điều đáng tiếc. Bởi thực tế, đến thời điểm trước khi quyết định gọi vốn thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam thì Lamita đang hoạt động tốt, có thị trường riêng và đã chứng minh được hiệu quả và nhượng quyền được ở hơn 10 tỉnh thành", Thuỳ Linh cho hay.
Ở thời điểm gọi vốn tại Shark Tank 2019, Linh cho biết đặt mục tiêu mở rộng hệ thống phòng tập offline, phát triển phòng tập offline cũng như các sản phẩm online.
"Mình mong muốn có sự tăng trưởng mạnh để chiếm lĩnh thị trường vì có nhiều yếu tố thuận lợi, đồng thời muốn nhà đầu tư thấy rằng đây là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, sau đó những thuận lợi đó lại thành không thuận lợi, tạo ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống", Linh chia sẻ.
CEO Latima cũng đưa ra lời khuyên với cộng đồng khởi nghiệp, khi gọi vốn, nên tìm kiếm những nhà đầu tư không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn đồng hành trong những hoạt động khác về quản trị doanh nghiệp.
Cùng với đó, nữ doanh nhân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý dòng tiền, trong đó có khoản dự phòng tài chính và quản trị chi phí, dòng tiền. Nếu thấy dòng tiền về chậm thì phải có cảnh báo mạnh mẽ, phải cắt giảm ngay.
Về định hướng phát triển, Linh bày tỏ mong muốn gặp được nhà đầu tư hỗ trợ để Lamita được đi tiếp hành trình. Và khi bắt tay làm lại, Lamita dự định thu gọn phòng tập, triển khai sản phẩm online. Hiện học liệu phòng tập online mà đơn vị này xây dựng đã khá đầy đủ để có thể triển khai ngay mô hình kinh doanh mới.