Ngày pháp luật

Cây đàn hương “vàng ròng” trước nguy cơ trở thành cây… “khóc ròng”

Nguyễn Tuân/ Infonet

Có hơn 16 giống cây đàn hương và đều tương đối giống nhau về hình dáng. Nhưng chỉ có đàn hương trắng Ấn Độ là có giá trị kinh tế cao. Người trồng không nên nghe về giá trị kinh tế cao mà ồ ạt trồng.

Trong khi giá trị kinh tế mới chỉ dừng lại ở mức “nghe thấy”, cây đàn hương được ví như cây “vàng ròng” và được phát triển ồ ạt cả về giống cây cũng như diện tích trồng trong thời gian qua.

PV có buổi trò chuyện cùng Tiến sỹ Vũ Thoại - Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về cây đàn hương, thuộc Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm - để tìm hiểu về khả năng phát triển giống cây quý này tại Việt Nam.

Cây đàn hương “vàng ròng” trước nguy cơ trở thành cây… “khóc ròng” - Ảnh 1
Tiến sỹ Vũ Thoại, Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm.

PV: Là người đầu tiên đưa cây đàn hương thuần chủng từ Ấn Độ về Việt Nam. Sau 4 năm trồng khảo nghiệm tại Việt Nam, ông có thể cho biết cây đàn hương đã được trồng ở những đâu và vùng nào có thể phát triển tốt giống cây này tại Việt Nam?

TS. Vũ Thoại: Cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm ở trên 40 tỉnh, thành tại Việt Nam, qua quan sát tôi thấy cây phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên cây đàn hương không chịu được nhiệt độ lạnh quá và nơi hay bị ngập úng, nên bà con ở các vùng hàng năm có nhiệt độ dưới 5 độ C như Sa Pa, Bắc Hà, Mẫu Sơn, Sìn Hồ… hay các vùng hay bị ngập lâu vào mùa mưa lũ như Đồng bằng Sông Cửu Long thì không nên trồng cây đàn hương.

PV: Qua quan sát và gắn bó với cây đàn hương từ những ngày đầu giống cây này được đưa về Việt Nam, cá nhân ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển cây đàn hương tại Việt Nam?

TS. Vũ Thoại: Không những cá nhân tôi mà các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam là đất nước rất phù hợp để phát triển cây đàn hương, và tiềm năng để phát triển là rất tốt. Đàn hương là một loại cây gỗ rất quý được ví như “vàng xanh” vì nó cho ra loại tinh dầu quý như những giọt “vàng ròng”.

Cây đàn hương đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm trên thế giới và nó được sử dụng rộng rãi trong ngành mỹ phẩm, dược liệu và mỹ nghệ cao cấp, tâm linh,….

Giá trị của cây đàn hương cũng rất cao vì 1kg tinh dầu đàn hương đắt gấp 5 lần 1kg bạc. 1 kg gỗ đàn hương trên thị trường thế giới cũng có giá mấy trăm USD. Trồng cây đàn hương rủi ro thấp vì nó là cây trồng xen canh, người nông dân đang có vườn cam, vườn bưởi, vườn gỗ sưa,… có thể trồng xen cây đàn hương vào và vẫn có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng. Cây đàn hương cũng rất tốt cho môi trường vì nó là cây xanh quanh năm và nó cho lượng oxy gấp 6 lần các cây khác.

Cây đàn hương “vàng ròng” trước nguy cơ trở thành cây… “khóc ròng” - Ảnh 2
TS. Vũ Thoại và chuyên gia Ấn Độ tại một vườn trồng đàn hương kết hợp với trồng xoài.

Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy rất lo lắng cho người trồng khi việc phát triển cây đàn hương tại Việt Nam đang diễn ra một cách tràn lan, không có chọn lọc. Nếu phát triển diện tích trồng cây đàn hương như hiện nay, tôi e rằng cây đàn hương “vàng ròng” sẽ thành cây “khóc ròng” trong tương lại không xa.

Ông Quách Đại Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT):

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chưa có quy hoạch cho việc phát triển diện tích trồng cây đàn hương vì đây là giống cây mới, chưa có sự khảo nghiệm theo chính tắc.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cố gắng xem xét để tháo gỡ những khó khăn ban đầu vì đàn hương Ấn Độ là giống cây có giá trị kinh tế cao, nếu phát triển được cũng là tốt.

Thực tế với diện tích trồng hiện nay cũng chưa thể nói cây đàn hương đang được trồng một cách ồ ạt. Việc nhân giống cây này cũng tương đối khó nên nguồn cung cây giống không nhiều. Hơn nữa, cây đàn hương cũng không thuộc nhóm cây trồng chính để có thể đưa vào lý chặt chẽ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

TS. Vũ Thoại: Thứ nhất, đứng về khía cạnh quản lý Nhà nước, mặc dù cây đàn hương là cây có giá trị kinh tế rất cao và nhu cầu sử dụng rất lớn trên thế giới. Nếu phát triển tốt ở Việt Nam, cây có thể góp phần lớn vào việc thay đổi giá trị nền nông nghiệp nước nhà, và nó sẽ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao trên một diện tích đất và góp phần vào việc chống lại sự biến đổi khí hậu.

Tuy mới chỉ được đưa về Việt Nam được vài năm nhưng bước đầu đã chứng minh được nó phát triển phù hợp tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước trong suốt những năm qua trong việc quy hoạch vùng trồng cũng như nghiên cứu về sự phát triển cây đàn hương tại Việt Nam, đưa ra các biện pháp canh tác phù hợp,... Đặc biệt là các nghiên cứu để có thể chế biến sâu sau thu hoạch, tạo đầu ra có giá trị cao cho người trồng. Những năm qua, các nhà khoa học chúng tôi đã phải tự bỏ tiền tỷ ra để tự mày mò nghiên cứu.

Thứ hai, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhưng mọi người mới chỉ “nghe thấy” và lao vào trồng một cách ồ ạt. Tôi nhấn mạnh là đây là một loại cây mới, nên trước khi trồng, người dân cần tham khảo rất kỹ ý kiến của các chuyên gia về vùng trồng, mật độ trồng, cây trồng xen canh và phòng trừ sâu bệnh,…

Thứ ba, do là cây mới nên giá cây giống đang cao, rất nhiều các cơ sở sản xuất cây giống đã thu mua hạt của các cây bố mẹ chưa dủ tuổi trưởng thành, thậm chí là cả những cây đang mang mầm bệnh từ những cây trồng non ở Việt Nam và Trung Quốc về để ươm giống và bán thu lời.

Việc này vô cùng nguy hiểm vì nếu người trồng mua phải những loại giống này, cây rất dễ bị bệnh xoăn lá (spike disease) và dẫn đến chết yểu hoặc khả năng hình thành lõi sau hơn 10 năm trồng là rất thấp và người trồng có thể trắng tay.

Cây đàn hương “vàng ròng” trước nguy cơ trở thành cây… “khóc ròng” - Ảnh 3
Vườn ươm giống cây đàn hương trắng Ấn Độ.

PV: Vậy ông có lời khuyên nào cho người trồng cây đàn hương tại Việt Nam?

TS. Vũ Thoại: Có hơn 16 giống cây đàn hương và các giống cây này tương đối giống nhau về hình dáng, rất khó phân biệt. Tuy nhiên chỉ có đàn hương trắng Ấn Độ là loài có giá trị kinh tế cao. Nên khi trồng, người trồng phải chắc chắn rằng mình mua đúng chủng loại cây đàn hương trắng Ấn Độ (tên khoa học là Santalum Album)

Người trồng không nên nghe về giá trị kinh tế cao mà ồ ạt trồng. Trước khi trồng, người trồng cần tham khảo kỹ các ý kiến tư vấn của các chuyên gia về cây đàn hương để biết được vùng trồng có phù hợp hay không, kỹ thuật và mật độ trồng thế nào và cách phòng trừ sâu bệnh.

Cuối cùng, người trồng nên mua giống ở các cơ sở có uy tín để chắc chắn rằng đó đúng là giống đàn hương trắng Ấn Độ được lấy từ cây bố mẹ đã đủ trưởng thành trên 10 năm tuổi, không ham rẻ mà mua cây giống ở các cơ sở cây giống trôi nổi trên thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tháng 9/2018, GS. Ashutosh Srivastava, Viện nghiên cứu khoa học về gỗ và công nghệ gỗ của Ấn Độ, sang thăm và đánh giá về tốc độ sinh trưởng và phát triển cây gỗ đàn hương Ấn Độ tại các vùng khác nhau ở Việt Nam. Ông nhận xét:

Tôi đã thăm các vùng trồng cây đàn hương tại Hà Nội, Điện Biên, Phú Yên, Gia Lai và Đắc Lắk.

Về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại Việt Nam là rất lý tưởng cho việc canh tác cây đàn hương trên diện rộng. Tôi nhận thấy rằng các điều kiện này tương đồng với các vùng cây đàn hương phát triển tự nhiên tại Ấn Độ

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng cây đã ra hoa và cho trái khi chỉ mới 18 tới 28 tháng tuổi. Ra hoa và kết trái của một loài thực vật là dấu hiệu chỉ ra rằng loài cây này “hoàn toàn thích nghi với vùng trồng mới”

Khi trồng cây đàn hương xen canh với các loại cây như Cam, Mắc ca, Bơ… thì người trồng cây đàn hương sẽ sớm có thu nhập từ các cây trồng xen canh

Người trồng đàn hương cũng sẽ thành công trong việc có nguồn thu từ lá cây đàn hương. Lá cây đàn hương có nhiều tác dụng về mặt y học đặc biệt trong việc “hạ huyết áp”

Vì cây đàn hương đã cho hoa và quả ở các vùng trồng nên ta có thể sử dụng hạt đàn hương để chiết xuất dầu. Dầu hạt đàn hương có thể sự dụng rất tốt trong ngành mỹ phẩm và dược liệu

Tiềm năng về đất đai và nhân lực ở Việt Nam là rất lớn để phát triển cây đàn hương trên diện rộng. Điều này rất tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai và tạo công ăn việc làm cho thế hệ trẻ. 

Tin Cùng Chuyên Mục