Ngày pháp luật

Câu chuyện kinh doanh: Marou - Đưa Việt Nam lên bản đồ chocolate của thế giới

Lam Linh

Vincent Mourou, người đã từ bỏ công việc ổn định trong ngành quảng cáo tại San Francisco đã gặp Samuel Maruta một nhân viên ngân hàng sống cùng vợ và 2 con tại Sài Gòn trong một chuyến cắm trại trong rừng ở Việt Nam vào năm 2010. Sau chuyến đi, Sam và Vincent bị ấn tượng bởi cách người dân trồng cacao ở Bà Rịa Vũng Tàu và quyết định thành lập một công ty sản xuất socola ở Việt Nam. Đây là dấu mốc đưa thương hiệu socola đầu tiên “Made in Vietnam” có tên trên bản đồ các sản phẩm bánh kẹo socola ngon nhất thế giới.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Một thập kỷ trước, trong các quầy hàng và tiệm cà phê trên khắp Sài thành lần đầu tiên xuất hiện những thanh chololate được bọc trong lớp giấy trang nhã, với dòng chữ óng ánh sắc vàng tôn vinh tên tuổi những tỉnh thành của Việt Nam – nơi xuất xứ của loại hạt cacao làm ra mỗi thanh chocolate.

Câu chuyện kinh doanh: Marou - Đưa Việt Nam lên bản đồ chocolate của thế giới - Ảnh 1

Lúc bấy giờ, ít ai biết rằng những thanh chocolate ‘made in Vietnam’, mang cái tên Marou, Faiseurs de Chocolate này sẽ nổi tiếng trên toàn thế giới.

Câu chuyện của Marou bắt đầu từ chính cuộc gặp gỡ định mệnh vào năm 2010 của hai nhà sáng lập: Vincent Mourou (một cựu chuyên gia trong ngành quảng cáo) và Samuel Maruta (cựu giám đốc ngân hàng). Khi cùng tham gia chuyến cắm trại xuyên rừng ở miền nam Việt Nam, Vincent và Samuel đã tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ, và nhanh chóng bắt tay nhau rẽ hướng vào con đường làm chocolate. Sau khi đến thăm vài nghìn mẫu cacao đang phát triển ở quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cả hai đã quyết định tìm hiểu tiềm năng sản xuất chocolate ở Việt Nam - điều mà chưa ai làm trước đây.

Câu chuyện kinh doanh: Marou - Đưa Việt Nam lên bản đồ chocolate của thế giới - Ảnh 2

Họ - những người chưa từng có kinh nghiệm trong ngành sản xuất socola -  đã tìm đến một trang trại tại Bà Rịa Vũng Tàu để mua hạt cacao sau khi tra từ khoá trên Google. Công ty sản xuất socola của 2 chàng trai người Pháp ra đời trong nhà bếp của Sam với cái tên Marou Faiseurs de Chocolat (viết tắt bởi tên của 2 co-founders là Vincent Mourou và Samuel Maruta), chỉ vỏn vẹn máy xay sinh tố, lò nướng và khuôn nướng bánh.

Bộ đôi đã biến căn bếp của Sam thành một phòng thí nghiệm socola, trong thời tiết nắng nóng của Việt Nam. Năm 2011, họ đã thử nghiệm 55 mẫu socola trong suốt 6 tháng, trước khi đạt tới phiên bản socola cuối cùng.

"Chúng tôi lưu mẫu từng loại thử nghiệm, giống như một thí nghiệm khoa học. Nhưng thay vì thử nghiệm hàng loạt, mỗi lần, chúng tôi sẽ chỉ thay đổi một thành phần duy nhất, cho tới khi đạt được hương vị hoàn hảo" - Vincent chia sẻ trong bài phỏng vấn với Bloomberg.

Sam và Vincent đã lang thang ở 6 tỉnh tại Việt Nam để thu gom các hạt cacao chất lượng, với giá cao gấp đôi giá thị trường. Mỗi hạt cacao trồng tại vùng miền khác nhau lại cho hương vị khác nhau, Marou đã tạo ra 6 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng loại cacao sản xuất ra vị socola ấy: Đắk Lắk 70%, Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là socola đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.

Câu chuyện kinh doanh: Marou - Đưa Việt Nam lên bản đồ chocolate của thế giới - Ảnh 3

Chín tháng sau khi bắt đầu, họ ra mắt thành công thương hiệu Marou, Faiseurs de Chocolat. Tháng 2/2012 là thời điểm bước ngoặt của Marou. Một cô gái Việt Nam đang làm ở quán cà phê kế bên tiệm Oasis Deli ở Thảo Điền, quận 2 – nơi đặt tấm poster kể lại câu chuyện của Sam và Vincent đã gia nhập Marou. Thảo – tên cô gái – đã trải qua nhiều vị trí khác nhau từ nhân viên đào tạo và phát triển, cho đến quản lý bán hàng và quản lý xuất khẩu của Marou.

Thảo cho biết, khi mới làm việc ở Marou hồi năm 2012, cô đã đi khảo sát thị trường và thấy rằng Việt Nam không có nhà sản xuất nào làm chocolate trực tiếp từ hạt cacao cả. Thậm chí nhiều người dân còn không biết là nước mình có trồng cacao. Nông dân chẳng biết phải làm gì với cacao nên họ đành phải xuất khẩu với giá rẻ.

Vincent và Samuel mong có thể khai thác được tiềm năng của nguồn cacao này. Bằng cách sản xuất ra loại chocolate đậm chất Việt Nam và giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế, họ đã thành công trả lại chỗ đứng xứng đáng cho ngành cacao Việt Nam, và đồng thời, cũng mang về nhiều giá trị tốt đẹp cho đất nước.

Vincent chia sẻ, “Không có nhiều nơi sản xuất và xuất khẩu chocolate được làm từ chính địa phương trồng cacao. Mô hình sản xuất chocolate thông thường là một nước xứ lạnh sẽ nhập khẩu cacao từ vùng nhiệt đới rồi sản xuất thành chocolate - công đoạn này tuy giúp gia tăng giá trị sản phẩm, nhưng lại không mang lại giá trị cho nước xuất xứ của hạt cacao. Và đó là điều mà Marou muốn thay đổi."

Vòng quanh thế giới và trở lại Việt Nam

Tốc độ bành trướng của Marou cũng rất đáng nể. Hiện, các sản phẩm của Marou đã có mặt trong các quầy hàng đặc sản trong và ngoài nước. Còn ở những cửa hàng Marou ở Việt Nam, bên cạnh những thanh chocolate trứ danh, họ còn bán các loại bánh ngọt và thức uống với nguyên liệu chính là chocolate nguyên chất được làm thủ công trực tiếp ngay tại quán.

Ban đầu chỉ có 2 người, nhưng giờ đây đã Marou có thêm 177 nhân viên cùng đồng hành. Cửa hàng Maison Marou đầu tiên trên đường Calmette (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) hồi năm 2016, rồi tiến ra Hà Nội vào năm 2017, và mở thêm Maison Marou Thảo Điền vào năm ngoái.

Câu chuyện kinh doanh: Marou - Đưa Việt Nam lên bản đồ chocolate của thế giới - Ảnh 4

Marou xuất khẩu chocolate sang hơn 20 quốc gia, đang trong giai đoạn ra mắt dòng sản phẩm hoàn toàn mới, và sắp tới đây là mô hình Marou Station với mục tiêu chủ động mang sản phẩm lại gần hơn với người tiêu dùng hơn.

Giờ đây, sau một thập kỷ, Marou đang trông đợi vào một giai đoạn phát triển mới. Mục tiêu của hãng là nhân rộng mạng lưới trang trại quy mô nhỏ lên gấp 5 lần. Để thực hiện mục tiêu này, công ty đang tìm kiếm nông dân để hợp tác trực tiếp và mong muốn có thể có độ phủ 10 héc-ta trong 10 năm tới.

Ngoài ra, hãng sản xuất chocolate nổi tiếng này còn có kế hoạch mở chuỗi cửa hàng bán sản phẩm ở nhiều nước, nơi khách hàng có thể tổ chức các cuộc họp kinh doanh trong khi uống một tách cà phê mocha hoặc xem máy rang hạt cacao quay vòng.

“Chocolate là thứ thực sự mang lại niềm vui tới cho con người, khiến con người hạnh phúc. Đó là một trong số ít những điều mà tất cả mọi người đều đồng ý”, Marou chia sẻ.

Về phía công ty, đầu tháng 4, Marou đã nhận được vốn đầu tư từ Mekong Capital và sẽ sử dụng số tiền này để chinh phục đối tượng khách hàng mới: người tiêu dùng Việt Nam.

"Người Việt thích chocolate, nhưng chỉ coi đây là một loại hương liệu, ví dụ như trên bánh hoặc một chiếc bánh Choco Pie", Mourou nêu rõ.

Giá cả và khẩu vị là hai trở ngại lớn khiến Marou chưa thực sự phổ biến tại thị trường nội địa. Ở một đất nước mà người dân thường tráng miệng sau bữa ăn bằng hoa quả, chocolate 78% được cho là loại đồ ăn hơi đắng. Bên cạnh đó, vì phải chi trả khoảng 2 USD cho bữa trưa, một thanh chocolate có giá 5 USD sẽ khiến nhiều người Việt Nam “chùn bước”.

Marou sẽ quảng bá chocolate cho người Việt Nam với đồ uống có vị ngọt, các tiệm bánh pop-up và tour du lịch nông trại. Hãng dự định ra mắt dòng sản phẩm mới cho mùa thu là các thanh chocolate có kích thước nhỏ cùng hạt hoặc trái cây.

Tin Cùng Chuyên Mục