Ngày pháp luật

Câu chuyện giải ngân

Ngô Đức Hành

Chưa năm nào giải ngân đầu tư công (ĐTC) thấp như năm nay, 8 tháng đạt 41%. Tức là có tiền mà không “tiêu” được.

Dường như có một nghịch lý, khi một mặt các cơ quan chức năng yêu cầu siết chặt ĐTC, mặt khác lại sốt ruột khi tốc độ giải ngân chậm. Còn các bộ, ngành và địa phương thì cố gắng có được chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng giữa năm và cuối năm lại “chây ỳ” không chịu “tiêu” những đồng vốn dự án ĐTC.

Bên cạnh những vướng mắc do Luật tiếp tục bộc lộ bất cập, thì một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý ĐTC, còn tình trạng tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào các tháng cuối năm dẫn đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp.

Câu chuyện giải ngân - Ảnh 1
Giải ngân vốn đầu tư công chậm là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó còn có việc chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (thậm chí nhà thầu đòi phạt lại Nhà nước), nhà thầu không đủ năng lực thi công...

Một số bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được tình trạng nội dung chuẩn bị dự án sơ sài, phê duyệt một cách hình thức để được ghi vốn kế hoạch, dẫn đến nhiều trường hợp khi triển khai kế hoạch gần như phải làm lại hồ sơ dự án...

Trước đây, một chuyên gia kinh tế đã từng phát biểu, phần lớn dự án ĐTC đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định ĐTC đã tách rời việc bố trí vốn. Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn cho nhiều dự án đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách Trung ương”.

Hiện nay, việc phân cấp thực hiện ĐTC gắn với phân cấp về nguồn tài chính. Có hai nguồn, một là nguồn từ Trung ương, hai là nguồn khai thác tại chỗ ở địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đại đa số các tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách thì đa số các dự án đầu tư ở địa phương đều phải trông chờ vào nguồn từ trên xuống.

Thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp việc xin chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vẫn chưa thực sự xuất phát từ hiệu quả kinh tế. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy, từ cơ chế xin-cho đến việc triển khai dự án trước khi có quyết định đầu tư. Vì nhiều lý do khác nhau khi dự án không suôn sẻ, hiệu quả kinh tế không thực sự rõ ràng, năng lực của cơ quan thực hiện không xứng tầm dự án có thể bị đình trệ ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.

Luật ĐTC (Luật số 39/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) được hy vọng tạo một bước tiến lớn trong việc siết chặt hiệu quả ĐTC cũng như tiến tới chấm dứt cơ chế xin-cho, phòng ngừa “nhóm lợi ích”, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Câu chuyện ĐTC luôn được Chính phủ và cả xã hội quan tâm. Quyết liệt chỉ đạo “tiêu tiền” lẫn giám sát “tiêu” hiệu quả, là lo lắng của toàn xã hội. Vốn ít phải tập trung then chốt, công khai minh bạch, đó là yêu cầu rất cao. 

Tin Cùng Chuyên Mục