Tính đến ngày 10/6, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát hiện đang dừng ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh), sụt giảm khoảng 3,4% với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, cùng thời điểm, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng được 10%.
Đà đi xuống của cổ phiếu HPG diễn ra trong bối cảnh thị trường thép chung gặp nhiều khó khăn và tình hình tài chính-kinh doanh của Hòa Phát cho thấy những điểm tiêu cực.
Lợi nhuận đi xuống, nợ vay tăng cao
Theo báo cáo tài chính ba tháng đầu năm 2019, doanh thu của Hòa Phát tăng trưởng 20% lên 15.180 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm 19% xuống còn 1.810 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm về lợi nhuận là do tốc độ tăng trưởng của nguồn thu thấp hơn đáng kể mức tăng của giá vốn hàng bán, do giá bán thép vẫn ở mức thấp và giá nguyên liệu tăng cao. Ngoài ra, các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính trong kỳ của Hòa Phát cũng đều tăng mạnh. Đặc biệt, chi phí lãi vay phải trả của Hòa Phát quý vừa qua là 185 tỷ đồng, tăng gần 57%.
Sự đi xuống về hiệu quả kinh doanh của Hòa Phát cũng đã được thể hiện trong các quý gần đây. Trong quý 4 năm 2018, lợi nhuận của công ty chỉ đạt 1.760 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ quý III năm 2017, lợi nhuận của Hòa Phát về dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của Hòa Phát là 84.947 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 42.211 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của công ty đã tăng thêm tới 5.135 tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên mức 42.735 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng tăng mạnh từ 24.035 tỷ đồng lên ngưỡng 30.480 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ USD). Đây là mức vay tài chính cao kỉ lục của Hòa Phát từ trước đến nay.
Việc Hòa Phát tăng vay nợ chủ yếu là nhằm phục vụ "Đại dự án" Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư lên tới 65.000 tỷ đồng.
Trong động thái liên quan tới dự án trên, vào giữa tháng 5, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông báo về việc đồng ý để ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT dùng 100 triệu cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân làm tài sản đảm bảo cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất vay 1.700 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công. Mục đích là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất là công ty con của Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn. Đây chính là doanh nghiệp đang triển khai dự án Hòa Phát Dung Quất. Cũng theo BCTC Quý I/2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hòa Phát tại dự án này đã đạt mức 36.801 tỷ đồng, tương đương gần 1,6 tỷ USD.
Tại ĐHCĐ thường niên 2019, ông Trần Đình Long cho biết tổng mức đầu tư cho đại dự án Dung Quất đã được điều chỉnh lên 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 13.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Để đầu tư cho Dung Quất, Hòa Phát đã phải đi vay khoảng 20.000 tỷ đồng.
Về việc lợi nhuận sụt giảm, Ban lãnh đạo của Hoà Phát cũng thừa nhận rằng năm nay công ty vẫn còn nhiều thách thức từ giá nguyên nhiêu liệu có xu hướng gia tăng, giá bán có chiều hướng giảm, các sản phẩm mới đưa vào vận hành chưa chạy đủ công suất, chi phí tài chính tăng do chính sách thắt chặt tín dụng.
Thị trường khó khăn, thách thức từ giá quặng thép lên cao
Theo báo cáo về ngành thép của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng trong Qúy I đã tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kì năm 2018, đạt khoảng 2,7 triệu tấn trong đó sản lượng xuất khẩu tăng trưởng gần 30% lên mức 418.000 tấn.
Trong đó, thị phần của thị trường thép tiếp tục tập trung tại các ông lớn. Ở nhóm thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát và VnSteel lần lượt chiếm 25,7% và 16,8%. Còn ở nhóm tôn mạ, Hoa Sen, Đông Á và Nam Kim - chiếm lần lượt 31%, 18% và 14,7%.
Theo BSC, tổng doanh thu doanh nghiệp thép niêm yết tăng 4% chủ yếu đến từ mức tăng 15% của Hòa Phát. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế của ngành sụt giảm 38,3% khi hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
Trong nhóm thép xây dựng, Hòa Phát tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhóm này đều suy giảm khoảng 10% do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm khoảng 20% so với cùng kì 2018.
Thị trường thép được đánh giá gặp nhiều khó khăn trong năm 2019
BSC đã chỉ ra những thách thức mà ngành thép sẽ phải đối mặt với trong năm 2019:
Một là, cạnh tranh tăng cao khi sản lượng tiêu thụ thép năm 2019 dự kiến chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 10% tương đương năm 2018 nhờ các dự án BĐS lớn được triển khai ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi nguồn cung dự kiến sẽ tăng mạnh khi các nhà máy thép mới được đi vào hoạt động.
Hai là, giá các loại nguyên liệu đầu (giá quặng sắt, giá điện) vào tăng đột biến, đặc biệt trong quí II, các doanh nghiệp thép sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi giá quặng tăng mạnh từ cuối quí I, do đó biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ suy giảm rõ rệt so với cùng kì năm 2018.
Còn theo CTCP Chứng khoán SSI, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 như: cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là thép nhập khẩu từ Trung Quốc; bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia; phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu thế giới; chi phí sản xuất gia tăng, trong đó có giá điện (vừa tăng 8,36% vào tháng 3).
Riêng với Hòa Phát, trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty CP Chứng khoán SSI đã nhận định: “Cổ phiếu HPG phù hợp cho nhà đầu tư xem xét từ 3-5 năm sau, trong 1 năm tới sẽ kém hấp dẫn”. Theo SSI, Hòa Phát đang chịu áp lực khi ngành xây dựng BĐS đang có dấu hiệu suy giảm theo chu kỳ nền kinh tế, cần một thời gian để hồi phục lại nhu cầu; trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn là dấu hỏi bởi tiến độ giải ngân vốn rất chậm và áp lực giảm giá thành sản phẩm trong thời gian tới.
Ngoài ra, HPG đã tăng nợ vay để mở rộng nhà máy Dung Quất; tuy nhiên, phải tới cuối năm 2019, doanh nghiệp mới đi vào hoạt động lò cao số 2, trong những giai đoạn đầu vận hành chi phí lãi vay và khấu hao lớn sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần một thời gian để vận hành qua điểm hòa vốn thì với mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.