"Đừng đùa với chuối!"
Cây chuối vốn dĩ quá thân quen với người dân Việt. Trái chuối cũng được chế biến thành nhiều loại món ăn khác nhau. Thế nhưng giá trị kinh tế của cây chuối chưa bao giờ được đánh giá đúng tầm. Nhất là ở những vùng nông thôn như ở Đồng bằng sông Cửu Long, có những thời điểm nông dân khóc ròng vì giá chuối rẻ như cho.
Chính vì thế, chuyện một người nông dân đầu tư tiền tỷ để trồng hàng trăm hecta chuối, chẳng khác nào như câu chuyện đùa. Đã thế, chuối lại xuất khẩu sang nước ngoài với giá cao càng khiến người ta choáng. Nhiều nông dân ở đây phải thốt lên rằng: “Trồng chuối xuất khẩu doanh thu vài chục tỷ một năm. Đừng có đùa với chuối”.
Ông Lâm Văn Tính, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chuối Lâm Phát Hưng cùng với các anh em trong gia đình mình chính là những người nông dân dám nghĩ dám làm như thế. Chỉ từ vài hecta chuối ban đầu thành công, ông mạnh dạn đầu tư trồng gần 100 hecta chuối vào năm 2015 với 180.000 cây chuối. Trong năm nay, tổ hợp tác này còn có dự án mở rộng vườn chuối lên hàng trăm hecta ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang).
Ông Tính cho biết: “Trồng chuối cũng phải đi học, học trong nước và học cả nước ngoài như Philippin. Học chưa đạt mình phải thuê thêm chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn thêm. Tới nay, bí quyết trồng chuối tôi đã nắm hết rồi”.
Theo nông dân này, việc trồng chuối thì dễ đối với những người nông dân như ông, nhưng khâu quan trọng và khó nhất là thu hoạch. Chuối sau khi thu hoạch phải đảm bảo không trầy xước, như vậy mới đủ điều kiện xuất khẩu.
Giống chuối ông Tính cùng các thành viên trong tổ hợp tác của mình trồng là chuối già truyền thống nhưng được nuôi cấy mô. Sau khi được cấy mô, loại chuối này sẽ cho những ưu điểm vượt trội hơn tăng sức sống, sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng đồng đều và hơn hết là đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính.
Chuối được thu hoạch và xử lý rất cẩn thận
Quá trình trồng chuối, nông dân phải lịch bón phân, chuối trổ buồng phải được bọc lại, chằng dây, lịch tưới nước phải đảm bảo cho cây phát triển từng giai đoạn. Chuối cấy mô thích nghi khá tốt với thổ nhưỡng ở địa phương, trung bình mỗi bụi chuối sẽ cho từ 6 đến 7 buồng, trọng lượng khoảng 25kg/buồng.
Công phu nhất phải kể đến công đoạn thu hoạch. Chuối đến thời điểm sẽ được chặt xuống rồi vận chuyển về kho, sau đó được xả nải, ngâm rửa, cân rồi được hút chân không. Những công đoạn này được làm cẩn thận tránh làm trầy xước rồi đóng vào thùng. Mỗi thùng chuối tiêu chuẩn sẽ nặng 13 kg. Ở một số vườn chuối cấy mô ở tính khác, nông dân còn đầu tư làm đường dây cáp để vận chuyển chuối từ vườn đến kho đảm bảo tuyệt đối không va chạm.
Doanh thu triệu đô mỗi năm
Công đoạn thu hoạch là quan trọng nhất, trái chuối phải đảm bảo không trầy xước
Tính đến vụ chuối tháng 2/2016, gần trăm hecta chuối cấy mô của Tổ hợp tác Lâm Phát Hưng đã xuất khẩu được gần 3000 tấn chuối, với giá từ 8.000 đến 15.000/1kg, doanh thu không dưới 25 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu của chuối cấy mô bao gồm Iraq, Kuwait, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều công ty thu mua chuối đang liên hệ, khảo sát vườn chuối của tổ hợp tác này để đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nhưng sản lượng chuối hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Để cung không vượt quá cầu và giảm đi giá trị của trái chuối, ngoài việc xuất khẩu, tổ hợp tác Lâm Phát Hưng còn chú trọng thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng trái cây chất lượng cao. Trong đó, nhiều nhất là thị trường tỉnh Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hồng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản và Thực phẩm Phúc Minh (TP.Hồ Chí Minh) là đơn vị thu mua chuối và xuất khẩu cho nông dân cho biết tiêu chuẩn để vào được thị trường nước ngoài rất khắt khe nhưng các nông dân đã hoàn thành xuất sắc cho ra đời những trái chuối ngon, sạch, đẹp và an toàn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, tổ hợp tác trống chuối ở xã Thới Hưng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 70 nhân công. Vào lúc cao điểm, vườn chuối này có hơn 200 nhân công làm việc.
Những nải chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhìn rừng chuối xanh mướt bao la, hút tầm mắt của những nông dân chấc phát ở Cần Thơ. Chúng tôi, những người thực hiện bài viết này không khỏi vui mừng thán phục. Họ, những người nông dân chân lấm tay bùn, bao năm canh tác chỉ biết hi vọng vào kinh nghiệm và may rủi. Nhưng khi họ được trao cơ hội và mạnh dạn nắm bắt thì chính bản thân sẽ làm chủ, làm giàu cho quê hương đất nước.
Chỉ sau 3 năm canh tác, những người nông dân này đã khẳng định được thương hiệu trái chuối Việt trên thị trường quốc tế. Hơn hết, chính họ cũng đã khẳng định được hình ảnh của người nông dân Việt ở một tầm cao khác. Những vườn chuối cấy mô triệu đô cũng mở ra một hướng mới cho nông dân trong thời kỳ hội nhập.