Quá trình đô thị hóa mở rộng những công trình, những con đường giúp chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại là những gì mà người dân mong đợi. Tuy vậy, phía sau những công trình, con đường khang trang ấy lại phát sinh hệ lụy làm xuất hiện những căn nhà “siêu mỏng”, “siêu dị”. Xây dựng thì không được cấp phép, bán không ai mua, còn chính quyền thì loay hoay tìm hướng giải quyết.
Theo thống kê, tính riêng tại địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ có hơn 150 trường hợp nhà thuộc dạng “siêu mỏng”, “siêu dị” hình thù quái lạ, đủ kích cỡ. Thường thì những căn nhà trên được xây dựng trên phần đất dưới 15m2. Thậm chí có những nhà diện tích từ 2m2 – 4m2 được người dân tận dụng tối đa xây cất để ở hoặc làm cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Dọc theo những tuyến đường cơi nới, mở rộng, có nhiều diện tích đất sau khi giải tỏa không đủ điều kiện để xây cất nhà ở. Trong đó có chỗ còn lại không phải đất ở, diện tích không đủ để cấp phép xây dựng. Ví dụ từ đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) rẽ vào khu nhà ở cán bộ Đại học Cần Thơ nối với hồ Bún Xáng sẽ không khó bắt gặp những căn nhà kích thước siêu nhỏ. Được biết, tuyến đường này kết nối vào hồ được xây dựng từ nguồn vốn ODA với số tiền đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ.
Theo quan sát, những căn nhà này rất chật hẹp, không được sơn phết, gây cảm giác nhếch nhác, ít nhiều làm mất đi mỹ quan đô thị. Đặc biệt, hầu hết những ngôi nhà này được xây dựng “chui”.
Tại Quyết định 19/2014/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 của UBND TP Cần Thơ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa với đất ở trên địa bàn TP; đất ở tại các phường, thị trấn: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 40m2. Đất ở tại xã: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 60m2. Ngoài ra, các thửa đất được phép tách thửa phải có bề rộng và chiều sâu của thửa đất bằng hoặc lớn hơn 4m.
Như vậy, căn cứ theo quyết định trên, nhiều thửa đất sau khi đền bù, giải tỏa còn lại chỉ vài m2, các cạnh còn lại không bằng hoặc lớn hơn 4m sẽ không được xây dựng nhà ở (nếu là đất ở), còn trường hợp là đất nông nghiệp (đất vườn, đất lúa) đương nhiên sẽ không được xây dựng công trình.
Hầu hết các ngôi nhà “siêu mỏng, siêu dị” đều nằm ở vị trí mặt phố, có thể kinh doanh tốt, mang về nguồn thu cho gia chủ nên được tận dụng mở cửa hàng hoặc cho thuê. Việc không kịp thời khuyến cáo, tuyên truyền để các hộ dân ồ ạt xây dựng nhà siêu mỏng trong thời gian dài cũng có nguyên nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền trong việc kiểm tra, giám sát nên có dự án mở đường. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhà đã xây xong.
Tại Kỳ họp thứ 13 khóa IX HĐND Cần Thơ vừa qua, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân có nhiều căn nhà siêu mỏng là do nằm một phần trong quy hoạch dự án mở rộng, cơi nới những con đường chỉ bồi thường trong phạm vị lộ giới, phần đất bị thu hồi. Với phần đất còn lại người dân bán rao bán với giá cao nên không ai mua, đành xây cất sơ sài tạm bợ. “TP sẽ kiên quyết tháo dỡ các nhà siêu mỏng, vì thực tế các hộ này đã được Nhà nước cho mua nền ở các khu tái định cư”, ông Toàn cho hay.
Cũng theo ông Toàn, để xử lý tình trạng trên, Sở Xây dựng đã đề xuất ba phương án trình UBND TP xem xét. Theo đó, khuyến khích các hộ dân tự hợp khối các thửa đất lại với nhau nhằm đảm bảo diện tích công trình đủ tiêu chuẩn xây dựng; Phương án thứ hai, khuyến khích người dân có diện tích đất siêu nhỏ này chuyển nhượng. Tuy nhiên, những phần đất này dù nhỏ nhưng các hộ lân cận muốn mua lại thường có giá rất đắt nên việc thỏa thuận chuyển nhượng không thành công. “Cả hai giải pháp nêu trên rất khó khả thi”, ông Toàn nhận định.
Phương án thứ ba, Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi và quản lý phần đất đó để sử dụng cho các công trình công cộng. Đồng thời, người dân có đất bị thu hồi sẽ được Nhà nước bồi thường theo quy định.