UBND TP Cần Thơ cũng bày tỏ nhiều vấn đề quan ngại bởi theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Chủ dự án – Nhà máy giấy Lee&Man có nhiều nội dung liên quan chưa được làm rõ, trình bày chưa đầy đủ.
Ngày 7-10, liên quan đến dự án Nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1.100.000 tấn giấy/năm, UBND TP Cần Thơ đã có công văn trả lời UBND tỉnh Hậu Giang, tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.
Trước đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn cùng tài liệu gửi đến một số địa phương lân cận nhà máy giấy Lee&Man đề nghị tham vấn ý kiến về báo cáo ĐTM của dự án như nêu trên để đơn vị này sớm hoàn thành thủ tục.
Trong công văn trả lời UBND tỉnh Hậu Giang, UBND TP Cần Thơ thể hiện quan điểm ủng hộ của tỉnh Hậu Giang trong việc thống nhất đầu tư dự án (giai đoạn 1) của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, nhưng cho rằng, mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng của dự án (khi nâng công suất – PV) là rất lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Lý do được UBND TP Cần Thơ đưa ra cho quan điểm ủng hộ (giai đoạn 1), đó là phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy của Việt Nam đến năm 2020, góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Ý kiến của chuyên gia
Liên quan đến đề xuất nâng công suất dự án, trao đổi với TBKTSG Online, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Chuyên gia về môi trường, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nói rằng: "Quan điểm của tôi là không ủng hộ nâng công suất của dự án".
"Ngay cả tôi khi đọc báo cáo của UBND (UBND TP Cần Thơ – PV) có ý kiến về chuyện này, tôi thấy có nhiều điểm thiếu sót", ông Tuấn cho biết và gợi ý phải có đánh giá lũy tích trong khu vực các khu công nghiệp, các nhà máy xung quanh đó nữa để có cái nhìn toàn diện, chứ không thể chỉ riêng dự án.
Ở khu vực của dự án nhà máy giấy có thêm dự án nhà máy thép của Trung Quốc. Vì vậy, khi đánh giá tác động môi trường phải có đánh giá tổng thể, chứ cách đánh giá tách ra từng dự án, thì không đánh giá được tác động lũy tích liên hoàn của các dự án, theo PGS. TS Lê Anh Tuấn.
"Vì vậy, khi lỡ xảy ra sự cố môi trường, thì thủy triều biển Đông sẽ đẩy ô nhiễm sâu vào đất liền, trong khi bên kia (biển Tây – PV) đã bị bịt lại (bởi dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé – PV), thì tình trạng ô nhiễm sẽ luẩn quẩn, đặc biệt khi Hậu Giang là địa phương nằm ở khu vực giáp nước (nước đứng) nên nguy cơ là rất lớn", ông dẫn chứng và tái khẳng định quan điểm là không nên nâng công suất của dự án.Mặt khác, theo ông Tuấn, trong điều kiện nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng ít, đó là chưa kể khu vực này đã và đang hình thành rất nhiều công trình "ngăn sông" như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và nhiều công trình ngăn mặn khác.
Liên quan việc này, trong phản hồi với UBND tỉnh Hậu Giang, UBND TP Cần Thơ cũng lên tiếng cảnh báo khi cho rằng đối với hoạt động sản xuất của dự án, lưu lượng xả thải rất lớn, hiện là 20.000 m3/ngày đêm và khi nâng công suất thì lưu lượng xả thải là 55.0000 m3/ngày đêm. Trong khi, nguồn tiếp nhận là sông Hậu – con sông lớn và là nguồn cung cấp nước ngọt chính của các địa phương ĐBSCL.
Thực tế, UBND TP Cần Thơ dẫn chứng, trong những năm gần đây, ĐBSCL thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, nhất là các tỉnh ven biển, trong khi nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2019-2020 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và dự báo những năm tới nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn đối với khu vực là rất lớn.
Chính vì vậy, UBND TP Cần Thơ cho biết, khi vào mùa khô kiệt nhất, lưu lượng nước sông Hậu giảm mạnh, trong khi lưu lượng xả thải của nhà máy lại rất lớn. Như vậy, sẽ tăng áp lực nặng nề đến nguồn tiếp nhận nước thải từ dự án là sông Hậu. Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải, thì toàn bộ người dân vùng ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, UBND TP Cần Thơ cho rằng, để xác định thiệt hại về môi trường, kinh tế, sức khỏe con người do bị tác động từ ô nhiễm môi trường là một con số tiềm ẩn, khó có thể liệt kê, tính toán triệt để được. Do đó, Cần Thơ đề nghị chủ dự án phải hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực.
Cần Thơ yêu cầu gì trong báo cáo đánh giá tác động môi trường
Ngoài vấn đề đáng lưu ý nêu trên, UBND TP Cần Thơ cũng đã chỉ ra rất nhiều điểm cần chỉnh sửa để báo cáo ĐTM được hoàn thiện đó là, bên cạnh yêu cầu cập nhật lại các văn bản đã hết hiệu lực thi hành, thì chủ dự án phải bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình lập ĐTM vào phụ lục.
UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu bổ sung thêm việc nhận định, đánh giá sự cần thiết của việc nâng công suất nhà máy từ 420.000 lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.
Dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam do Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài, được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành vào năm 2007.
Sau một thời gian triển khai xây dựng, lắp đặt, tháng 12-2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Lee & Man.
Vào tháng 1-2017, việc vận hành thử nghiệm có tải của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN&MT.
Vào đầu tháng 3-2017, nhà máy vận hành thử nghiệm trở lại.
UBND TP Cần Thơ cho biết, chủ dự án có trình bày và thể hiện các đối tượng tiếp giáp và các đối tượng có khả năng chịu sự tác động bởi dự án. Tuy nhiên, mức độ tác động của dự án có tầm ảnh hưởng tương đối lớn, do đó, đề nghị bổ sung vị trí dự án trên bản đồ hành chính, có thể hiện rõ vị trí nhà máy so với các tỉnh, thành lân cận.
Chủ dự án rà soát, xem xét lại quy mô hoạt động hiện hữu so với quyết định phê duyệt ĐTM đã được duyệt. Bởi, theo quyết định phê duyệt của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thì dự án hiện hữu có công suất 420.000 tấn/năm. Tuy nhiên, báo cáo trình bày, xưởng sản xuất giấy 27-1 (hiện hữu) có công suất 500.000 tấn/năm. Đồng thời, cần ghi cụ thể công suất của dự án là công suất tối đa hay công suất tối thiểu vì báo cáo có nhận định “tỷ lệ sản phẩm đầu ra không cố định, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”.
Nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn, UBND TP Cần Thơ đề nghị mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý, sử dụng hóa chất tại nhà máy; bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất của dự án theo đúng quy định. Yêu cầu bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu tại nhà máy theo đúng quy định.
Cần trình bày, đánh giá chi tiết về bến cảng chuyên dùng quốc tế công suất 20.000 DWT. Trong đó, nêu rõ mục đích và phạm vi hoạt động tiếp nhận các tàu phục vụ quá trình sản xuất của dự án hay hoạt động theo loại hình bến cảng chuyên dùng quốc tế.
Cần làm rõ thêm nội dung về nhu cầu sử dụng nước, quy mô công suất nhà máy xử lý nước cấp công suất 40.000 m3/ngày đêm, nhưng công suất khai thác sử dụng nước mặt lớn nhất là 63.000 m3/ngày đêm.
Về quan trắc khí thải tự động liên tục, bổ sung giám sát các thông số cố định theo quy định khoản 23 điều 3 của nghị định 40/2019/NĐ-CP (lưu lượng, nhiệt độ áp suất, bụi tổng, SO2, Nox và CO).
UBND TP Cần Thơ cho biết, theo kết quả chạy mô hình mô phỏng phát tán khí thải (bụi, SO2, NO2) đều có ảnh hưởng đến TP Cần Thơ. Việc nhận định các phạm vi bị ảnh hưởng là chưa đầy đủ và chưa chính xác… "Do đó, đề nghị chủ dự án rà soát, chỉnh sửa lại báo cáo và cần có biện pháp xử lý, kiểm soát khí thải đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh khu vực dự án nói chung và tại TP Cần Thơ nói riêng", văn bản của UBND TP Cần Thơ viết.
Cần Thơ cũng đề nghị điều chỉnh thông tin “TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ” thành quận, huyện cụ thể thuộc TP Cần Thơ tại các nội dung của báo cáo liên quan đến vị trí địa lý, đối tượng chịu tác động của khí thải, chế độ thủy văn, đánh giá tác động về sự cố hệ thống khí thải.
UBND TP Cần Thơ cho biết, công ty đã lắp đặt và vận hành 10 cửa xả nước mưa và phòng chống ngập lụt, tuy nhiên, do nước mưa có khả năng nhiễm bẩn từ hoạt động sản xuất của nhà máy nên có khả năng nồng độ chất ô nhiễm có lẫn trong nước mưa. Do đó, đề nghị Công ty đánh giá, chứng minh rõ chất lượng nước mưa được xả tại các cửa xả làm nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
Cần Thơ cũng yêu cầu bổ sung kế hoạch vận hành đối với công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải là “hồ sự cố” kết hợp hồ sinh học có khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu là ba ngày trước khi xả nước thải ra sông Hậu hoặc kế hoạch vận hành hồ sự cố kết hợp hồ sinh học có khả năng quay vòng xử lý lại nước thải, bảo đảm không xả nước thải ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố của hệ thống xử lý nước thải.
UBND TP Cần Thơ cũng chỉ ra chủ dự án chưa trình bày cụ thể việc quan trắc nước thải tự động liên tục, cho nên, đề nghị trình bày, bổ sung và thực hiện giám sát theo quy định tại khoản 20 điều 3 của nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Cần phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự án so với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt trên cơ sở nhà máy xử lý nước phục vụ cấp nước sinh hoạt của các địa phương.
Việc tính toán, mô phỏng độ lan truyền nước thải cần đánh giá trên lưu lượng tối đa của tổng lượng nước thải phát sinh của nhà máy (có thể lấy lưu lượng là công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy 55.000 m3/ngày đêm).
Chủ dự án chưa trình bày việc thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động dự án.
Link bài gốc