Ngày pháp luật

Cần làm rõ những “lùm xùm” ở Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ

Uyên Thu

Đơn thư phản ánh của một số cán bộ, người lao động tại Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ cho rằng, trong suốt một thời gian dài đơn vị này đã buông lỏng quản lý, thiếu minh bạch về tài chính khiến cho hàng chục tỷ đồng vốn của Nhà nước và các cổ đông có nguy cơ bị thất thoát.

Phải bồi thường hàng chục tỷ đồng?

Thuỷ điện sông Ba Hạ nằm ở bậc thang cuối cùng trên bậc thang sông Ba - một trong những thuỷ điện lớn nhất của miền Trung được xây dựng với 2 tổ máy với công suất 220MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu KWh/năm, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng do Nhà nước nắm giữ 61,78 % vốn điều lệ.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan nên tiến độ công trình bị chậm. Để phù hợp với tình hình thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê duyệt tổng tiến độ công trình thuỷ điện sống Ba Hạ với các tiến độ xây dựng công trình như sau: Hoàn thành các hạng mục công trình chính vào tháng 7/2007; Chạy tổ máy 1 vào tháng 8/2008; chạy tổ máy 2 vào tháng 10/2008. Đến ngày 28/9/2016, ông Đặng Văn Tuần - người đại diện phần vốn Nhà nước của đơn vị này được giao nhiệm vụ lấy ý kiến Hội đồng quản trị phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành công trình thuỷ điện sông Ba Hạ.

Theo đó, Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ (chủ đầu tư, địa chỉ tại 2C Trần Hưng Đạo, TP.Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) phải bồi thường cho các nhà thầu số tiền do thanh toán chậm là gần 48 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải bồi thường cho nhà thầu do chậm ứng vốn kế hoạch năm 2008 là hơn 800 triệu đồng và do chậm phê duyệt Tổng dự toán hiệu chỉnh là hơn 2,1 tỷ đồng.

Cần làm rõ những “lùm xùm” ở Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ - Ảnh 1

Trụ sở Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ tại Phú Yên 

Bên cạnh đó, sau khi rà soát, tính toán, xem xét hồ sơ, phía chủ đầu tư cũng xác định số tiền các nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ là hơn 15,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó mức  phạt tổng thầu xây lắp và các nhà thầu thành viên đã rút xuống còn hơn 2,2 tỷ đồng(?).

Không đồng ý với quyết định trên của ban lãnh đạo Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ  nên một số cán bộ, công nhân viên của đơn vị này đã có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, báo chí yêu cầu làm rõ có hay không việc chủ đầu tư đã bắt tay với các nhà thầu nhằm “rút ruột” hàng chục tỷ đồng vốn của Nhà nước và các cổ đông.

Theo phản ánh của những người này, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của Tổng thầu và các nhà thầu thành viên không đáp ứng kịp thời nên tiến độ xây dựng công trình đã bị chậm so với các hợp đồng kinh tế được ký thoả thuận giữa các bên.

Ngoài ra, những người đứng đơn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ hồ sơ tiền ăn giữa ca của LILAMA 45-4. Cụ thể chi phí ăn giữa ca được tổng dự toán hiệu chỉnh duyệt tạm ghi là 10 tỷ đồng. Theo quy định thì Công ty CP Thủy điện sông Ba Hạ phải yêu cầu đơn vị tư vấn lập dự toán chi tiết chi phí này để làm cơ sở quyết toán theo thông tư số 12/2008/TT-BLĐTBXH ngày 22/7/2008. Tuy nhiên công ty này đã không thực hiện mà tự ý phê duyệt, tự quyết toán làm tăng giá trị dự toán.

Sau 6 tháng gửi đơn thư, đến ngày 3/7/2017, Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) đã có văn bản trả lời người lao động về những “lùm xùm” về tài chính xảy ra tại Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ. Theo đó, GENCO2 cho rằng những nội dung tố cáo của người lao động là không có cơ sở(?).

Cụ thể, số tiền hơn 15,4 tỷ đồng là giá trị phạt chậm hợp đồng của Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ phạt các nhà thầu do chậm tiến độ công trình. Sau đó đoàn kiểm tra tính toán lại thì giá trị phạt chậm tiến độ chỉ còn hơn 14,4 tỷ đồng.

Sau đó, giữa chủ đầu tư và nhà thầu tính toán giữa việc phạt chậm giải ngân của chủ đầu tư và chậm tiến độ công trình đối với nhà thầu thì nhà thầu chỉ còn chịu phạt chậm tiến độ còn hơn 2,2 tỷ đồng.

Đồng thời, “việc nhà thầu yêu cầu bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán của chủ đầu tư giá trị 47.999.692.138 đồng (gần 48 tỷ đồng) là có cơ sở, có hồ sơ chứng minh giá trị thiệt hại này, tuy nhiên khi công ty cổ phần thuỷ điện sông Ba Hạ rà soát lại theo yêu cầu của GENCO2 thì giá trị đúng là 45.856.897.300 đồng. Đây là giá trị thiệt hại của nhà thầu do giải ngân vốn chậm mà nhà thầu đưa ra để xem xét xin giảm trừ thiệt hại”.

Những câu trả lời chưa thỏa đáng

Không đồng tình với kết luận trên của GENCO2, những người đứng đơn tố cáo cho rằng hợp đồng giữa Chủ đầu tư với các nhà thầu, biên bản nghiệm thu tiến độ công trình tại từng thời điểm giữa các bên lại chưa được đơn vị xem xét kiểm tra một cách triệt để.

Cụ thể, ông V.V.C (một trong những người đứng đơn tố cáo) cho biết, số tiền gần 48 tỷ đồng mà chủ đầu tư phải chấp nhận nộp phạt cho các nhà thầu chưa được GENCO2 chỉ ra lỗi thuộc về đơn vị nào. “GENCO2 phải căn cứ vào biên bản báo cáo nghiệm thu tiến độ công trình mới kết luận được việc chậm giải ngân là lỗi chủ quan của chủ đầu tư hay do các nhà thầu không hoàn thành đúng tiến độ như cam kết. Còn nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư thì cũng cần phải làm rõ là do thiếu nguồn vốn hay việc “thiếu trách nhiệm” trong việc kiểm tra, giám sát công việc”, ông V.V.C nhấn mạnh.

Cũng theo ông V.V.C, trong điều kiện chung hợp đồng và điều kiện hợp đồng riêng điều quy định: Nhà thầu phải có nghĩa vụ các báo cáo tóm tắt tiến độ công việc hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho chủ đầu tư. Đồng thời trước ngày 10 hàng tháng nhà thầu phải có trách nhiệm nộp báo cáo tiến độ hoàn thành công việc, ước tính khối lượng nghiệm thu, bảng theo dõi nhân lực, bảng kiểm kê thiết bị... Tuy nhiên, theo biên bản làm việc giữa GENCO2 và Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ lại không xem xét đến trách nhiệm của các bên dựa trên các điều khoản này của hợp đồng.

Chưa kể đến, tại văn bản số 634/CV/SBH-P2 ngày 4/6/2008 tại mục 3 (do nguyên Tổng giám đốc Võ Văn Tri ký) đã thể hiện chủ đầu tư đã thực hiện tạm ứng đủ cho nhà thầu, kịp thời đúng quy định. Như vậy giá trị phạt chậm giảm trừ với lý do chủ đầu tư không ứng vốn đủ 10 % kế hoạch năm 2008 cho nhà thầu (hơn 800 triệu đồng) là không đúng.

Bên cạnh đó những người đứng đơn tố cáo còn cho rằng, trên thực tế Dự án thuỷ điện sông Ba Hạ năm nào cũng thừa vốn vì nhà thầu năm nào cũng thi công chậm tiến độ so với cam kết. Cụ thể: Vốn vay thương mại của Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ thừa 762,202 tỷ đồng (vì hợp đồng vay thương mại là 1.481 tỷ đồng, thực tế mới vay 719,798 tỷ đồng). Tương tự đối với khoản vay ưu đãi là 743,34 tỷ đồng (nhưng thực tế mới vay 566,243 tỷ, còn thừa 177,1 tỷ đồng).

Riêng về số tiền phạt chậm phê duyệt tổng dự toán là hơn 2,1 tỷ đồng, GENCO2 cũng cần phải xem xét, kiểm tra lại. Theo đó, để triển khai thực hiện và trình duyệt Tổng dự toán hiệu chỉnh được kịp thời, tháng 5/2009, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1 (Hợp đồng số 565/PLHĐ-SBH-P2H ngày 11/5/2009) và Quyết định thành lập Tổ hiệu chỉnh TDT Công trình Thủy điện Sông Ba Hạ gồm các số 626/QĐ-SBH-P2 ngày 25/5/2009, số 165/QĐ-SBH-P2 ngày 3/3/2010, số 307/QĐ-SBH-P1 ngày 13/4/2012 (bao gồm Tổng thầu và các Nhà thầu thành viên).

Tuy nhiên do Tổng thầu và các Nhà thầu thành viên chưa tích cực hợp tác, nên việc chậm trễ này không thể quy mỗi trách nhiệm cho Chủ đầu tư (bởi Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đôn đốc nhắc nhở). Vì vậy số liệu giảm trừ tiền phạt hợp đồng do Chủ đầu tư chậm phê duyệt Tổng dự toán hiệu chỉnh hơn 2,1 tỷ đồng là không có cơ sở.

Hơn nữa, việc các Nhà thầu thi công chậm tiến độ dẫn đến việc máy phát điện không thể vận hành được đã làm thiệt hại cho Chủ đầu tư ít nhất là 274,243 tỷ đồng (TM1 chậm 6 tháng, TM2 chậm 12 tháng, thiệt hại ước khoảng 431.200.000 KWh x 636 đồng/KWh (theo giá điện năm 2009) là 274,243 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ lại “quên” không yêu cầu các nhà thầu phải bồi thường thiệt hại. Như vậy là vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ.

Cần làm rõ những “lùm xùm” ở Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ - Ảnh 2

 Thuỷ điện sông Ba Hạ xả lũ.

Hiện rất nhiều cán bộ, công nhân viên của Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ đang ngày đêm mong mỏi các cấp có thẩm quyền điều tra, làm rõ những nội dung trong đơn tố cáo để tránh gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước và giúp cho người lao động yên tâm công tác trong một môi trường trong sạch, vững mạnh.

Từ năm 2011-2017, ông Đặng Văn Tuần giữ chức Chủ tịch Hội đồng quan trỉ kiêm Tổng giám đốc. Theo điều 152 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và điều 6 Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ về người đại diện phần vốn của Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì “Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng giám đốc”.

Tin Cùng Chuyên Mục