Ngày pháp luật

Cần cưỡng chế để xây lại chung cư cũ Hà Nội

Theo Trần Hoàng/Tiền Phong

Dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, đã khởi động 7 năm nhưng đến nay nơi đây vẫn là đống đổ nát. Lãnh đạo quận Đống Đa quyết định sẽ cưỡng chế 1 hộ gia đình còn lại trong tháng 11/2018.

Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa - Nguyễn Hoàng Giáp khẳng định tại buổi họp báo về quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại số 93 Láng Hạ (phường Láng Hạ). Theo đó, quận Đống Đa quyết định sẽ tổ chức cưỡng chế để GPMB đối với 1 hộ gia đình còn lại và dự kiến thực hiện xong trong tháng 11.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, trong số 12 hộ dân bám trụ tại dự án này đã có 11 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư quản lý, phá dỡ để khởi công công trình. Với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân, UBND quận đã báo cáo các sở, ngành liên quan để rà soát, nghiên cứu tổng thể quá trình thực hiện dự án và qua đó cho thấy về cơ chế, chính sách đều hợp lý”.

Thời gian qua, các ban ngành đoàn thể của quận Đống Đa, phường Láng Hạ và chủ đầu tư đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng còn duy nhất 1 trong 118 hộ gia đình vẫn không đồng ý và đòi hỏi quyền lợi vượt quá khung chính sách của Nhà nước, thành phố quy định. Nếu kéo dài thêm thời gian để GPMB sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của 117 hộ gia đình còn lại và gây thiệt hại cho chủ đầu tư nên UBND quận đã báo cáo thành phố Hà Nội.

Cần cưỡng chế để xây lại chung cư cũ Hà Nội - Ảnh 1

Về chính sách cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo quận Đống Đa đề nghị cần sớm có chính sách khung về cải tạo chung cư cũ bởi hiện nay thường chia thành 3 nhóm: Nhà cấp độ nguy hiểm (loại D); Cải tạo theo quy hoạch hoặc theo đề nghị của chủ đầu tư và được người dân đồng thuận. Mặc dù các quy định liên quan đến cải tạo chung cư cũ đã rất rõ nhưng vẫn đang bỏ ngỏ ở khâu tự thỏa thuận tỷ lệ đền bù. “Nếu cứ yêu cầu phải đạt 100% hộ đồng thuận thì sẽ rất khó bởi mỗi hộ một ý, rất khác nhau. Chủ yếu vẫn là vướng mắc việc đền bù cho các hộ dân tầng 1 bởi họ đòi quyền lợi rất cao, kể cả phần lấn chiếm”, ông Giáp nói.

Cũng liên quan đến cơ chế cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội vừa có đề xuất gửi Bộ Xây dựng hàng loạt cơ chế để đẩy nhanh công việc này.

Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu vực.

Hà Nội cũng đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý là triển khai xây dựng. Các trường hợp còn lại cần có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ.

Hiện thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992. Trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc khu vực hạn chế phát triển như: quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm 99, quận Đống Đa 415 và quận Hai Bà Trưng có 244. Qua đánh giá, xếp loại, thành phố đã lên kế hoạch cải tạo, xây mới nhiều chung cư cũ nhưng tiến độ rất chậm do nhiều vướng mắc. Đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây mới, đưa vào sử dụng; 11 chung cư đang đang được cải tạo.

Tin Cùng Chuyên Mục