Dấu ấn tháng 10…
Có thể nói đây là sự kiện ý nghĩa, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được HNEW và VAWE đứng ra tổ chức chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10); 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10). Đây cũng là cơ hội để các nữ doanh nhân được giao lưu, kết nối, chia sẻ, tôn vinh những giá trị mà các Hội/Hiệp hội nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng đã làm cho cộng đồng, xã hội…
Tham dự chương trình, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá rất cao những đóng góp của các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong suốt thời gian qua. Theo Chủ tịch VCCI: Ngày nay, phụ nữ Việt Nam tham gia rất tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, có nhiều tấm gương tỏa sáng, có tầm ảnh hưởng lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhiều nữ doanh nhân Việt được vinh danh trong top 50 doanh nhân quyền lực châu Á; Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu. Mới đây, nhiều doanh nhân nữ đã được VCCI trao tặng danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc quốc gia” trong tổng số 60 doanh nhân cả nước.
Để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Chủ tịch VCCI cho rằng trách nhiệm đặt lên vai các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng nặng nề hơn (Việt Nam có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp do nữ làm chủ). Bản thân ông luôn tin tưởng vào khả năng, sự chủ động, bứt phá của các nữ doanh nhân thời đại mới. Với vai trò của mình, VCCI sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Lãnh đạo đột phá - Dẫn bước thành công”!
Trong phần tham luận của mình tại chương trình, các đại biểu nhắc tới rất nhiều cụm từ “đột phá” và “thành công”. Theo Chủ tịch VCCI: Muốn thành công, doanh nghiệp phải có những bước đột phá. Trong thời kỳ công nghệ số, chúng ta phải thực hiện cho được 03 đột phá: Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và Thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây chính là những vấn đề mang tính cấp bách, chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỹ thuật số. Trong đó, xây dựng đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp.
Để minh chứng cho nhận định của mình, lãnh đạo VCCI đưa ra thực tế: Trong khi hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu được xếp hàng chờ đón thì sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam vẫn chật vật tìm chỗ đứng. Điều đó cho thấy, thị trường luôn chấp nhận giá trị kinh tế của uy tín và đạo đức kinh doanh. Vì thế, những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, kinh doanh phi đạo đức, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, bất chấp pháp luật sẽ bị đào thải. Điều đó cũng chứng tỏ: Không có đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp doanh nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững, thậm chí biến mất trên thị trường.
Những nhận định và khẳng định trên của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công được bồi đắp thêm bởi
Tọa đàm với chủ đề “Lãnh đạo tạo đột phá dẫn bước thành công”. Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhose: Lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn khai mở, tìm kiếm những cái mới, những gì mà mình không biết, lúc đó mới có thể tạo nên sự đột phá. Và khi anh biến những ước mơ, mục tiêu mà mình mong muốn thành sự thật, anh sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lấy ví dụ từ bản thân mình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhose cho hay, xuất phát điểm của ông là một cử nhân kinh tế nhưng ông lại rẽ ngang sang xây dựng nhà máy và sản xuất các đồ gia dụng, điện tử. Đó chính là một sự đột phá lớn mà chính ông cũng không ngờ tới!
Tán thành quan điểm này, bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á cũng cho rằng: Để có được thành công cho doanh nghiệp, lãnh đạo phải luôn là người dẫn dắt. “Nếu anh không thực sự khát khao, mong muốn cháy bỏng, anh sẽ không tìm ra sự đột phá và cũng không thể tìm kiếm được thành quả mình mong muốn”. Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái: Chỉ khi nào anh dám phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới, anh mới có thể thành công.
Thực tế, ông Lưu Trung Thái cho biết: Ngân hàng MB 700 năm gần như không có gì đổi thay, nhưng chỉ sau 05 năm thay đổi (chủ yếu là chuyển đổi số), ngân hàng đã có những bước chuyển mình rất lớn. Để có được sự phát triển đó, theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Quân đội, vai trò dẫn dắt của người đứng đầu doanh nghiệp, công ty là cực kỳ quan trọng. Để mở rộng đầu tư, tạo sự đột phá là rất khó khăn, đòi hỏi người lãnh đạo phải toàn tâm, toàn ý và đặt trọn niềm tin của mình vào đó.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE):
“Đến nay đã đến năm thứ 08, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng và phát triển. Thể hiện ở số hội viên từ những ngày đầu thành lập đến nay tăng đến 400%. Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 06 của những nước có lãnh đạo nữ doanh nhân nhiều nhất. Nữ doanh nhân ngày nay được cộng đồng đánh giá như những “thuyền trưởng” luôn vững tay chèo, trong mọi thời khắc của đất nước và doanh nghiệp mình. Trong hành trình 08 năm qua, các doanh nghiệp nữ VAWE đã luôn chủ động, nỗ lực ứng biến trước khó khăn, thách thức để phát triển kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã đạt được những thành tích lớn, ở phạm vi quốc gia, địa phương, khu vực…”.