Ngày pháp luật

Cẩm Phả (Quảng Ninh): Người dân còn phải “chung sống” với những hệ lụy từ việc khai thác than đến bao giờ?

Giang Nam

Bất chấp những nỗ lực của các cấp chính quyền, những “lời hứa” của các công ty khai thác than về vấn đề bảo vệ môi trường... hoạt động khai thác, vận chuyển, đổ thải của các công ty khai thác than trên địa bàn thành phố Cẩm Phả từ nhiều năm nay vẫn gây ô nhiễm, trút lên đầu người dân nơi đây.

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề công tác là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, vậy nhưng những hình ảnh như thế này vẫn có thể được nhìn thấy hàng ngày tại các bãi thải trên địa bàn phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả:

Đầu độc môi trường, tra tấn người dân

Từ hàng chục năm nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường phát sinh từ việc khai thác than lộ thiên và đổ thải sai quy trình, không đúng quy định của một số doanh nghiệp khai thác than trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đã và đang khiến người dân nơi đây phải sống trong cảnh cơ cực.

Cẩm Phả (Quảng Ninh): Người dân còn phải “chung sống” với những hệ lụy từ việc khai thác than đến bao giờ? - Ảnh 1

Người dân sống gần những khai trường, bãi thải luôn phải gánh chịu ô nhiễm, khói bụi

Vậy nhưng trải qua bằng đó thời gian, vấn đề trên chẳng những không được khắc phục mà còn có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Thủ phạm đã được “chỉ mặt” là việc khai thác than và hàng chục bãi đổ thải nằm trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.

Việc khai thác than đến thời điểm hiện nay nhiều đơn vị vẫn áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên - được đánh giá là gây tác hại rất lớn về ô nhiễm môi trường. Đến nay, lượng đất đá, xỉ thải từ quá trình khai thác than đã tạo nên những “quả núi nhân tạo”, cao hàng trăm mét như bãi đổ thải: Cọc Sáu - 280m; Nam Đèo Nai - 200m; Đông Cao Sơn - 250m... Nước thải công nghiệp trong quá trình sản xuất và từ các bãi đổ thải của ngành than thải ra gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hệ thống sông suối, hồ vùng ven biển. Đối với nguồn nước ngầm, do đào móng và khai thác đã làm suy thái, cạn kiệt, ô nhiễm các tầng chứa nước ngọt, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt phục vụ người dân và sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, bụi đã và đang vấn nạn người dân nào cũng phải phàn nàn. Bụi cũng là chủ đề, kiến nghị được người dân nhiều lần đưa ra tại những lần họp lấy ý kiến cử tri, được đề cập đến tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp. Hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác, chế biến than và tại các khu dân cư lân cận vượt tiêu chuẩn cho phép. Vậy nhưng điều người dân mong mỏi là một bầu không khí an toàn thì đến giờ vẫn chẳng thấy đâu mà họ thì hàng ngày vẫn phải đương đầu, gánh chịu hậu quả.

Cẩm Phả (Quảng Ninh): Người dân còn phải “chung sống” với những hệ lụy từ việc khai thác than đến bao giờ? - Ảnh 2

Từ đỉnh những "núi thải", các máng xối, băng tải liên tục trút bụi lên môi trường xung quanh

Những nguy cơ hiện hữu

Do tốc độ khai thác than tăng nhanh nên khối lượng chất thải rắn và nước thải xả ra môi trường ngày càng nhiều. Đất đai khu vực khải thác mỏ thường dễ bị xói mòn, khó khăn cho việc phục hồi môi trường. Nhiều mỏ khai thác than lộ thiên đã âm ở mức quá giới hạn cho phép là -300m so với mặt nước biển, tuy nhiên vẫn tiếp tục khoan thăm dò để khai thác, gây ra những tác hại về cấu tạo địa chất, làm tiền đề cho những thảm họa như lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái, phá vỡ kết cấu tầng đất, tạo ra xói mòn, rửa trôi...

Việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch về khai thác, đổ thải của một số đơn vị trong ngành than còn có vị trí chưa xác định rõ ranh giới, có sự chồng lấn diện tích, thậm chí có đơn vị đổ thải ngoài ranh giới quy hoạch đã được phê duyệt. Tại phường Mông Dương (TP.Cẩm Phả), những cái tên được nhắc đến nhiều nhất đó là các Công ty Cổ phần than: Cao Sơn, Tây Nam Đá Mài, Cọc Sáu... Những vấn đề như chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, thoát nước thải không đảm bảo, đổ thải không đúng quy hoạch, sai quy trình dẫn đến tình trạng sạt lở, phát tán bụi kinh hoàn, gây nên nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản... của các công ty này liên tục bị chính quyền địa phương nhắc đến, nhưng dường như chẳng thấm vào đâu(?).

Chính quyền địa phương đã “chỉ mặt điểm tên” các bãi đổ thải là nguyên nhân gây ra tình trạng bụi tại thành phố Cẩm Phả. Tuy nhiên việc khai thác than lộ thiên, đổ thải bừa bãi, không đúng quy định nhiều năm qua vẫn tái diễn đã khiến bụi càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Quy định về quy trình đổ thải rất rõ ràng: “Đổ thải từ dưới đổ lên, theo từng tầng đổ thải và tiến hành triển khai trồng cây hoàn nguyên môi trường ngay sau khi đổ thải xong từng tầng; triển khai hệ thống thu thoát nước, đặc biệt là hệ thống thu nước bãi thải, chân bãi thải phải xây dựng kè đảm bảo khoảng cách và an toàn cho các khu dân cư xung quanh”. Thế nhưng theo quan sát thì quy trình này đã bị cắt xén, thậm chí “bỏ ngoài tai” khi các băng tải, máng đổ thải cứ vô tư xả từ trên cao xuống; các xe chở đất đá thản nhiên trút đất đá từ trên đỉnh của “núi thải” cao hàng trăm mét xuống dưới, mặc cho đất đá lăn lóc, bụi cuốn mù trời...

Vào năm 2015, trong trận mưa lớn lịch sử tại Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá từ bãi thải vùi lấp khiến nhiều hộ dân mất nhà, phải dời đi nơi khác, hiện tượng trên có nguy cơ tái diễn bất cứ lúc nào nếu như công tác đảm bảo an toàn, các quy trình bắt buộc trong sản xuất và đổ thải không được tuân thủ nghiêm túc.